Vụ Alibaba: 58 người liên quan được toà tuyên cho nhận lại đất

HĐXX tuyên trả lại đất cho 58 người là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Ngày 30-12, Hội đồng xét xử TAND TP.HCM tiếp tục tuyên án vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền xảy ra tại Công ty CP Địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba), với phần công bố chi tiết số tiền bồi thường cho 4.548 bị hại trong vụ án.

Trước đó, ngày hôm qua (29-12), HĐXX đã tuyên phạt Nguyễn Thái Luyện chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cùng tội danh này các bị cáo khác nhận mức án từ 10-20 năm tù. Bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng lĩnh 3 năm tù về tội rửa tiền nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 5 năm.

Ngoài phần trách nhiệm hình sự mà các bị cáo phải nhận, HĐXX cũng tuyên phần trách nhiệm dân sự và các vấn đề liên quan.

58 người liên quan được cho nhận lại đất

Theo đó, đối với đề nghị của 58 người có quyền, lợi vụ liên quan yêu cầu được tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã thỏa thuận ký kết với các bị cáo Nguyễn Thái Lĩnh, Nguyễn Thái Lực và Trịnh Minh Pháp.

HĐXX nhận định, mặc dù về nguồn gốc tài sản thì các quyền sử dụng đất trên đều có nguồn gốc từ tiền chuyển chiếm đoạt của các bị hại. Tuy nhiên, tại thời điểm thỏa thuận ký kết hợp đồng, các thửa đất đều có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp, thỏa thuận chuyển nhượng là tự nguyện ngay tình và đã thanh toán từ 50%-100%.

Do đó, căn cứ quy định tại khoản 2, Điều 133 Bộ luật Dân sự năm 2015, HĐXX công nhận thỏa thuận chuyển nhượng nói trên, trả lại đất cho những người có quyền lợi liên quan.

HĐXX đã tuyên trả lại đất cho 58 người được xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Ảnh: NGUYỆT NHI

HĐXX đã tuyên trả lại đất cho 58 người được xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Ảnh: NGUYỆT NHI

Tuy nhiên, các trường hợp trên nếu chưa thanh toán đủ 100% giá trị hợp đồng thì phải thanh toán phần còn lại của hợp đồng vào tài khoản của cơ quan thi hành án.

Sau khi thực hiện xong, cơ quan thi hành án có nghĩa vụ giải tỏa kê biên và hủy bỏ việc ngăn chặn giao dịch đối với các thửa đất này để những người này thực hiện cập nhật biến động sang tên trên giấy chứng nhận.

Ngoài ra, đối với các thửa đất mà các bị cáo nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp từ người dân mà đã công chứng, thanh toán tiền, HĐXX xét thấy các bên đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ giao đất kèm theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thanh toán tiền. Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được công chứng theo quy định của pháp luật.

Quá trình điều tra, các hộ dân bán đất nói trên cũng đề nghị tiếp tục thực hiện hợp đồng không có ý kiến nào khác nên HĐXX chấp nhận xác định các tài sản trên thuộc quyền sử dụng của Công ty Alibaba và cần tiếp tục kê biên để đảm bảo thi hành án.

Đối với các giao dịch nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa các bị cáo và các hộ dân đang dừng lại ở việc đặt cọc. HĐXX xét thấy số tiền đặt cọc công ty Alibaba đã thanh toán cho chủ đất có nguồn gốc từ phạm tội mà có.

Đồng thời các bên mới đặt tiền đặt cọc để đảm bảo cho việc giao kết hợp đồng nên chấp nhận yêu cầu xin nhận lại đất của các chủ đất. Các chủ đất này có nghĩa vụ nộp lại số tiền đã nhận cọc vào tài khoản cơ quan thi hành án. Sau khi các chủ đất nộp lại số tiền nói trên thì cơ quan thi hành án có nghĩa vụ giải tỏa kê biên các thửa đất này.

39 bị hại không được nhận đất

Nhóm 39 bị yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng để nhận đất đã không được HĐXX chấp nhận. Ảnh: NGUYỆT NHI

Nhóm 39 bị yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng để nhận đất đã không được HĐXX chấp nhận. Ảnh: NGUYỆT NHI

Đối với nhóm 39 bị hại đề nghị tiếp tục thực hiện các hợp đồng, thỏa thuận chuyển nhượng đất nền dự án. Về yêu cầu này, HĐXX cho biết hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất các bên đã ký nêu rõ đối tượng chuyển nhượng là là nền đất thổ cư 100 % với mô tả diện tích, vị trí gồm số lô và ô cụ thể.

Tuy nhiên, tại thời điểm ký hợp đồng cho tới nay, theo kết quả xác minh thì các khu đất được cho là vị trí lập dự án không tồn tại dự án nào. Đồng thời hiện trạng đều là đất nông nghiệp, thậm chí là đất trồng lúa, đất rừng sản xuất…và theo quy hoạch sử dụng đất tại địa phương thì nhiều khu đất không được quy hoạch là đất ở.

Do đối tượng chuyển nhượng là các nền dự án không tồn tại trên thực tế nên yêu cầu tiếp tục thực hiện giao dịch chuyển nhượng là không có căn cứ nên không chấp nhận yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng để nhận đất của các bị hại này.

Tuy nhiên, HĐXX xác định thiệt hại của 39 bị hại là có trên thực tế nên buộc các bị cáo Nguyễn Thái Luyện và Võ Thị Thanh Mai có trách nhiệm hoàn trả số tiền các bị hại này đã nộp cho Công ty Alibaba.

Chủ nhà cho Công ty Alibaba thuê trụ sở phải nộp lại 1,35 tỉ đồng tiền đặt cọc thuê nhà

Đối với khoản tiền 1,35 tỉ đồng là số tiền Công ty Alibaba đặt cọc để thuê trụ sở tại TP Thủ Đức, TP.HCM. HĐXX cho biết số tiền trên là tiền có nguồn gốc từ việc phạm tội của bị cáo Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm. Do đó, cần buộc các ông bà là chủ nhà nộp lại để đảm bảo nghĩa vụ bồi thường của bị cáo Nguyễn Thái Luyện và Võ Thị Thanh Mai trong vụ án.

Toà án đang công bố danh sách bị hại của cựu CEO Công ty Alibaba

Danh sách bị hại lên tới 4.548 người, nhiều cá nhân đã nộp cho Nguyễn Thái Luyện (chủ mưu; tù chung thân) hàng tỉ đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hữu Đăng ([Tên nguồn])
Xét xử Giám đốc Công ty địa ốc Alibaba Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN