1.800 người mắc, 56 người tử vong vì virus Corona: Virus Corona tấn công như thế nào?

Virus Corona xâm nhập đường hô hấp qua mũi và ủ bệnh khoảng 3 ngày, bệnh có các triệu chứng như cảm lạnh.

Ngày 26/1, thông tin mới nhất từ Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Việt Nam, Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, đến ngày 25/1/2020, thế giới đã ghi nhận 1.300 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV, trong đó có 41 trường hợp tử vong (đều tại TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc).

Trong khi đó, theo Bộ Y tế Trung Quốc, đến ngày 26/1 đã có 1.800 người mắc và 56 người tử vong vì virus Corona.

Virus Corona đang lây lan với tốc độ chóng mặt

Virus Corona đang lây lan với tốc độ chóng mặt

Bộ Y tế cho biết, hiện Trung Quốc đã phong tỏa 16 thành phố của tỉnh Hồ Bắc, dừng hoạt động các phương tiện giao thông ra, vào các thành phố. Ngoài ra, tất cả các sự kiện lớn mừng năm mới cũng dừng, không tổ chức.

Ngoài Trung Quốc, hiện tại đã ghi nhận 19 trường hợp bệnh xâm nhập tại 6 quốc gia và 3 vùng lãnh thổ thuộc Trung Quốc (trong đó có 16 trường hợp từ Vũ Hán, Trung Quốc trở về) bao gồm: Thái Lan (4 trường hợp), Hàn Quốc (2), Việt Nam (2), Hoa Kỳ (2), Nhật Bản (1), Singapore (1), Pháp (1), Nepal (1), Đài Loan - Trung Quốc (1), Ma Cao - Trung Quốc (2), Hồng Kông - Trung Quốc (2).

Các quốc gia, vùng lãnh thổ này đã triển khai áp dụng các biện pháp sàng lọc hành khách nhập cảnh từ Trung Quốc tại các sân bay lớn.

Tuy nhiên, Bộ Y tế cho biết, WHO đã kết luận vẫn chưa đủ điều kiện công bố Sự kiện y tế công cộng gây quan ngại quốc tế (PHEIC) và dự kiến sẽ tổ chức họp trở lại để đánh giá tình hình dịch trong khoảng 10 ngày tới, đồng thời đã đưa ra các khuyến cáo cập nhật về vấn đề giao thông quốc tế liên quan đến tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV.

Tại Việt Nam, ngày 23/1/2020 đã ghi nhận 2 trường hợp bệnh xâm nhập là công dân Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc và đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Hiện tại, sức khỏe hai bệnh nhân ổn định và tiếp tục được theo dõi sát trong phòng cách ly. Hiện chưa có công dân Việt Nam, cán bộ y tế nào bị lây nhiễm bệnh.

Virus Corona tấn công cơ thể như thế nào?

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp

Trao đổi với PV, BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: Nhóm Coronavirus có thể gây bệnh ở người và nhiều loài động vật. Ở người, chúng thường gây ra các triệu chứng cảm lạnh thông thường, nhiễm trùng mũi, xoang hoặc cổ họng và lây lan qua hắt hơi, ho. Tuy nhiên, một số biến chủng có thể dẫn đến các bệnh lý nghiêm trọng hoặc tử vong.

Ở người có 4 chủng Coronavirus lưu hành ở người, chúng thường gây bệnh cảm lạnh. Sau khi xâm nhập đường hô hấp qua mũi và ủ bệnh khoảng 3 ngày, bệnh nhân thường có các triệu chứng cảm lạnh như nghẹt mũi, hắt hơi, sổ mũi, đôi khi ho và phát tán virus ra môi trường qua dịch tiết đường hô hấp.

Bệnh sẽ tự hết sau vài ngày, nhưng ở nhóm bệnh nhân là ở trẻ sơ sinh, người già và ở những người mắc bệnh tiềm ẩn, có thể có biểu hiện nặng hơn như viêm đường hô hấp dưới hoặc bội nhiễm vi khuẩn.

Ngoài các chủng gây bệnh cảm lạnh nhẹ như trên, một số biến chủng có thể gây bệnh nặng sau:

Bệnh SARS xuất hiện lần đầu năm 2003. Đối với SARS, việc lây truyền giữa người với người ở mức độ hạn chế. Lây lan chủ yếu trong các thành viên của gia đình hoặc cơ sở y tế và kiểm soát tương đối hiệu quả thông qua kiểm dịch. Các trường hợp lây lan qua tiếp xúc thông thường ngoài xã hội hoặc qua sử dụng chung dịch vụ công cộng như phương tiện giao thông, khách sạn, nhà hàng hầu như ít xảy ra.

SARS-CoV chủ yếu lây nhiễm các tế bào biểu mô trong phổi. Virus có khả năng xâm nhập vào các đại thực bào và tế bào đuôi gai nhưng chỉ dẫn đến nhiễm trùng tự giới hạn.

Còn dịch viêm phổi Vũ Hán do coronavirus mới (n-CoV) từ ổ khởi phát ở chợ hải sản Huanan. Thời gian ủ bệnh từ 7-14 ngày, chủ yếu gây tình trạng viêm phổi.

BS Cấp cho biết, trong hầu hết các trường hợp cảm lạnh thông thường do coronavirus, bệnh sẽ tự khỏi nên chẩn đoán virus là không cần thiết.

Tuy nhiên, trong các nghiên cứu dịch tễ học và thú y, có thể vẫn cần chẩn đoán virus.

Ngoài ra chẩn đoán cũng rất quan trọng khi có dịch CoV nghiêm trọng như MERS-CoV, SARS và n-CoV. Việc xác định các trường hợp sẽ hướng dẫn các biện pháp y tế công cộng để kiểm soát dịch bệnh.

“Cho đến nay, không có phương pháp điều trị chống virus đặc hiệu nào với coronavirus ở người, vì vậy các phương pháp điều trị chỉ mang tính hỗ trợ”, BS Cấp nói.

Dự phòng lây truyền coronavirus bằng các biện pháp dự phòng chuẩn như dùng khẩu trang khi tiếp xúc gần, rửa tay, giám sát các đối tượng trở về từ vùng dịch tễ và cách ly bệnh nhân. Hiện chưa có vaccine phòng coronavirus.

Nguồn: [Link nguồn]

Virus Corona và những đại dịch khủng khiếp nhất thế giới từng đối mặt

Trước khi dịch Corona đang bùng phát, thế giới đã từng phải đối mặt với nhiều đại dịch khủng khiếp khiến rất nhiều...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN