Vì sao tài xế đóng “hụi chết”?

Trên các số báo vừa qua, chúng tôi phản ánh thực trạng “Nhức nhối đóng “hụi chết” cho CSGT trên QL 20” cùng việc xử lý bước đầu của Công an tỉnh Lâm Đồng đối với các cán bộ sai phạm. Sau khi báo đăng, nhiều bạn đọc hoan nghênh việc xử lý ban đầu của Công an tỉnh Lâm Đồng, mong rằng sẽ không còn nạn mãi lộ trên đoạn đường này.

Trong quá trình điều tra, nhiều tài xế, phụ xe tải cho biết lý do mà họ phải đi chung tiền cho CSGT.

Anh T., tài xế xe tải huyện Tân Phú (Đồng Nai), nói: “Trên QL 20, chỉ riêng địa phận Lâm Đồng đã có cả chục chốt, trạm CSGT và xe tải chở hàng hóa trên đoạn đường này rất dễ bị CSGT dừng xe kiểm tra. Với những quy định của luật hiện hành, các tài xế rất dễ bị dính lỗi khi bị công an tuýt còi. Vì vậy, trước khi cho xe chạy tuyến đường này, hầu như chủ xe nào cũng tính đến chuyện “mua đường”. Qua việc rỉ tai nhau của cánh tài xế cùng với việc gợi ý chung tháng để khỏi bị kiểm tra, các tài xế xe tải đã phải tự động đi đóng “hụi chết”, nếu muốn yên thân khi chạy xe. Chúng tôi nghĩ việc đóng tiền như thế rất khó bị phát hiện vì việc chung tiền này không diễn ra ngoài đường như lâu nay người dân thường thấy… Bất đắc dĩ chúng tôi mới phải đóng tiền để mua việc yên thân khi chạy xe”.

Vì sao tài xế đóng “hụi chết”? - 1

Một CSGT huyện Đạ Huoai nhận phong bì của tài xế. (ảnh cắt từ clip)

Còn tài xế LTT thì than: “Tiền công chở hàng từ Đà Lạt về chợ đầu mối Thủ Đức ngày càng thấp, đường xấu nên hơn ba tháng lại phải thay vỏ xe một lần. Trong khi đó cứ chậm đóng phí cho các chốt CSGT là bị ăn biên bản ngay. Nếu không đóng, cứ bị dừng xe thì kiểu gì cũng nhận vài ba lỗi mà tiền phạt cũng cao không thua gì, thậm chí cao hơn việc chung tháng mà còn mất thời gian với thủ tục đóng phạt. Vì vậy tôi lựa chọn cách đóng tháng như các xe khác cho “an toàn”. Suy cho cùng, với cả chục chốt, trạm CSGT như thế, nếu không lo chung chi chỉ có nước lo đi giải quyết biên bản vi phạm giao thông cũng đủ mệt, còn hơi sức đâu mà chạy xe!”.

Các tài xế xe tải đều chung nhận định là sau khi báo phản ánh, có lẽ nạn mãi lộ của CSGT trên cung đường này sẽ giảm, họ sẽ “dễ thở” hơn. “Chúng tôi buộc phải chạy xe cẩn thận hơn, lưu ý tải trọng, tốc độ...” - tài xế T. nói.

Ở góc độ khác, một bạn đọc ở TP Đà Lạt cho rằng sau loạt bài phản ánh của báo, chắc chắn lãnh đạo Công an tỉnh Lâm Đồng sẽ nhìn rõ thực tế nạn chung chi đang diễn ra trong lực lượng CSGT trên QL 20. “Qua việc tạm đình chỉ công tác các trạm trưởng, trạm phó, tôi tin là Công an tỉnh Lâm Đồng sẽ không nương tay với các cán bộ công an sai phạm. Hy vọng những thông tin mà báo chí phản ánh sẽ không rơi vào im lặng” - bạn đọc này nói.

Rút Thượng úy Dương Hoàn Vũ khỏi đội CSGT

Bốn trung tá CSGT bị tạm đình chỉ.

Liên quan đến việc nhận tiền “hụi chết” của một CSGT huyện Di Linh (qua bài “Mở rộng nguồn xe chung tháng”), ngày 13/12, lãnh đạo Công an huyện Di Linh cho biết: Dù báo đã viết tắt tên, không đưa rõ mặt nhưng công an huyện cũng xác định người có hành vi nhận tiền trong bài báo là Thượng úy Dương Hoàn Vũ. Bước đầu, lãnh đạo công an huyện đã rút Thượng úy Vũ khỏi đội CSGT và yêu cầu làm tường trình để có hướng xử lý tiếp theo.

Cũng liên quan bài báo trên, Đại tá Phạm Trung Trực, Trưởng Công an huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng), cho hay lãnh đạo huyện đã biết thông tin nhận tiền chung tháng từ tài xế và cũng đã xác định được người nhận tiền là Thiếu úy C. Tuy nhiên, hiện Thiếu úy C. đi công tác nên chưa có hình thức xử lý.

Trước đó, Công an tỉnh Lâm Đồng có quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Trung tá Đặng Công Tê - Trạm trưởng Trạm Madagui (huyện Đạ Huoai); Trung tá Doãn Văn Phong, phụ trách chốt giao thông Phú Hiệp (huyện Di Linh); Trung tá Bùi Phước Chức, phụ trách chốt 320 (đèo Bảo Lộc) và Trung tá Nguyễn Ban, Trạm kiểm soát giao thông Madagui, để kiểm điểm, làm rõ sai phạm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Võ Tùng - Duy Đông (Pháp Luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN