Vì sao hàng loạt cán bộ ở Sơn La bị khởi tố, bắt tạm giam?

Sự kiện: Thời sự

Quá trình bồi thường đất đai tại khu vực Nhà máy thủy điện Sơn La, 17 cán bộ ở tỉnh Sơn La đã cố ý làm trái quy định nhà nước, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Như Báo CAND đã đưa tin, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La vừa phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với 15 bị can, tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 2 bị can về các tội: cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến các vi phạm trong công tác bồi thường, hỗ trợ đất nông nghiệp khu vực mặt bằng công trường Nhà máy thủy điện Sơn La.

Các đối tượng bị bắt gồm: Trương Tuấn Dũng, Phó giám đốc Sở Tài chính (nguyên Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Mường La); Phan Tiến Diện, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường (nguyên Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Mường La) cùng một số cán bộ, chuyên viên cấp phòng của Sở Tài nguyên và Môi trường và huyện Mường La.

Vì sao hàng loạt cán bộ ở Sơn La bị khởi tố, bắt tạm giam? - 1

Cơ quan An ninh điều tra đọc lệnh bắt ông Phan Tiến Diện, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La.

Dự án thuỷ điện Sơn La là công trình trọng điểm quốc gia nằm trên dòng sông Đà, thuộc huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Sau 7 năm thi công, dự án khánh thành vào năm 2012, có công suất của 2.400 MW, cung cấp sản lượng điện bình quân hàng năm trên 10 tỉ kWh.

Để xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La, tỉnh Sơn La phải di chuyển 12.584 hộ, 60.000 nhân khẩu ra khỏi vùng ngập (chiếm 61,86% tổng số hộ, 65% tổng số nhân khẩu phải di chuyển của 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu), được bố trí tái định cư tại 70 khu với 276 điểm tái định cư trong tỉnh.

Thực hiện chủ trương của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ, tỉnh Sơn La đã tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, đồng thời báo cáo Trung ương, Chính phủ thực hiện cơ chế đặc biệt trong bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho nhân dân; đã hoàn thành di chuyển dân ra khỏi vùng ngập tháng 4-2010, góp phần quan trọng đẩy nhanh tiến độ thi công, khánh thành nhà máy tháng 12-2012, trước tiến độ 3 năm.

Từ năm 2015 đến nay, lợi dụng việc thực hiện chính sách pháp luật về đất đai qua các thời kỳ, một số hộ dân đã có đơn thư khiếu kiện đòi chế độ bồi thường, hỗ trợ không có căn cứ. Các khiếu kiện này đã được Chính phủ, tỉnh Sơn La và các cơ quan chức năng giải quyết theo quy định.

Vì sao hàng loạt cán bộ ở Sơn La bị khởi tố, bắt tạm giam? - 2

Cơ quan An ninh điều tra khám xét nhà Đèo Văn Ban.

Tuy nhiên một số đối tượng vẫn tiếp tục gửi đơn thư khiếu kiện và lôi kéo đông người tham gia nhằm gây sức ép đòi hỏi chế độ, gây mất an ninh, trật tự (ANTT). Nổi lên là đối tượng Đèo Văn Ban đã liên tục gửi đơn vượt cấp, đưa ra những thông tin sai về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh Sơn La.

Các nội dung khiếu kiện của Đèo Văn Ban đã được UBND huyện Mường La, UBND tỉnh Sơn La tổ chức đối thoại, giải thích, giải quyết nhiều lần. Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ và UBND tỉnh Sơn La đã tổ chức đối thoại, giải thích rõ việc thực hiện chế độ chính sách di dân tái định cư thủy điện Sơn La, việc thực hiện chính sách pháp luật về đất đai nhưng Đèo Văn Ban vẫn không chấp nhận, đồng thời gia tăng các hoạt động khiếu kiện, gây mất ANTT.

Kết quả điều tra ban đầu xác định: Đèo Văn Ban đã kê khai khống diện tích, loại đất của hộ gia đình mình để được đền bù sai, chiếm đọat tiền của Nhà nước. Ngay cả phần đất đã bị ngập nước cũng được Đèo Văn Ban và các đối tượng kê vào hồ sơ với diện tích tăng lên gấp nhiều lần và tất cả các khâu từ đo đạc, lập bản đồ, thẩm định thu hồi, bồi thường và hỗ trợ đều được hợp thức hóa. Đây là một trong những cách mà các đối tượng sử dụng để rút ruột tiền ngân sách của Nhà nước.

Vì sao hàng loạt cán bộ ở Sơn La bị khởi tố, bắt tạm giam? - 3

Lực lượng Công an dẫn giải ông Trương Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Sở Tài chính.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, lãnh đạo tỉnh Sơn La, Ban Giám đốc Công an tỉnh Sơn La đã chỉ đạo cơ quan An ninh điều tra tập trung, điều tra, xác minh, làm rõ sai phạm của Đèo Văn Ban và 16 đối tượng liên quan khác với các hành vi: cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ đất nông nghiệp khu vực mặt bằng công trường Nhà máy thủy điện Sơn La, các đối tượng đã có nhiều sai phạm ở các khâu: đo đạc, lập bản đồ địa chính, thẩm định, thu hồi và bồi thường hỗ trợ không đúng quy định, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ thu thập được, xác định hành vi của các đối tượng đã cấu thành tội phạm và đủ điều kiện truy tố trách nhiệm hình sự. Ngày 15-11-2017, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với 17 đối tượng (trong đó có 15 đảng viên), tiến hành bắt giữ, khám xét an toàn, đúng quy định của pháp luật 15 bị can, công bố lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú 2 bị can.

Sắp hưu, Giám đốc Sở tài nguyên Sơn La bị khởi tố

Ông Triệu Ngọc Hoan, giám đốc Sở TN&MT tỉnh Sơn La, bị khởi tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đồng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Minh Phong (Công an nhân dân)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN