Vì sao cựu Tổng giám đốc PVN bị tuyên 9 năm tù vẫn đi bộ khỏi tòa?

Sự kiện: Ông Đinh La Thăng

Sau khi bị tuyên 9 năm tù, ông Phùng Đình Thực không bị cảnh sát áp giải đưa về nơi giam giữ như một số bị cáo khiến nhiều người thắc mắc.

Vì sao cựu Tổng giám đốc PVN bị tuyên 9 năm tù vẫn đi bộ khỏi tòa? - 1

Bị cáo Phùng Đình Thực không bị áp dụng biện pháp tạm giam trước khi phiên tòa diễn ra.

Sáng 22.1, HĐXX TAND TP. Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty xây lắp dầu khí (PVC) và các đồng phạm trong vụ án.

Bị cáo Phùng Đình Thực (nguyên Tổng giám đốc PVN) bị tuyên 9 năm tù giam về tội “Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Kết thúc phiên tòa, nhiều bị cáo bị cảnh sát dẫn giải lên xe đặc chủng đưa về nơi giam giữ. Tuy nhiên, ông Phùng Đình Thực lẳng lặng rời khỏi trụ sở TAND TP.Hà Nội với gương mặt buồn bã.

Nhiều người thắc mắc, vì sao sau khi HĐXX TAND TP.Hà Nội tuyên phạt ông Thực 9 năm tù, bị cáo này không bị cảnh sát đưa về nơi giam giữ?

Vì sao cựu Tổng giám đốc PVN bị tuyên 9 năm tù vẫn đi bộ khỏi tòa? - 2

Bị cáo Phùng Đình Thực lẳng lặng rời khỏi trụ sở TAND TP.Hà Nội với vẻ mặt buồn bã.(Ảnh: NLĐ)

Trao đổi với PV về câu hỏi trên, luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng văn phòng luật sư Ánh sáng công lý) cho biết: Trước phiên tòa diễn ra, ông Phùng Đình Thực bị cơ quan điều tra được áp dụng biện pháp ngăn chặn là cho tại ngoại và cấm đi khỏi nơi cư trú.

Tuy nhiên, quá trình xét xử cho đến khi kết thúc phiên tòa, HĐXX không quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt bị cáo ngay với ông Thực nên khi bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực bị cáo này vẫn được tại ngoại.

“Theo quy định sau 15 ngày kể từ ngày tuyên án bị cáo không có kháng cáo, 30 ngày Viện Kiểm sát không có kháng nghị thì bản án cấp sơ thẩm sẽ có hiệu lực. Từ căn cứ trên Chánh án tòa cấp sơ thẩm sẽ ra quyết định thi hành án đối với bị cáo. Quyết định này sẽ được chuyển cho cơ quan thi hành án để bắt bị cáo để thi hành án.

Như vậy, sau khi bản án được tuyên, ông Phùng Đình Thực vẫn còn quyền kháng cáo, Viện kiểm sát vẫn còn quyền kháng nghị nên chưa thi hành án ngay với ông Thực. Việc ông Thực vẫn được tại ngoại và trở về nơi cư trú là bình thường”, luật sư Kiên nói.

Theo luật sư Kiên, sau 15 ngày bị cáo Phùng Đình Thực không kháng cáo hoặc Viện Kiểm sát không có kháng nghị về bản án thì Chánh án TAND TP.Hà Nội sẽ ra quyết định thi hành án đối với bị cáo và chuyển cho cơ quan thi hành án để thực hiện việc bắt bị cáo để thi hành án.

Luật sư Kiên cũng cho biết thêm, nếu bị cáo Thực có đơn kháng cáo thì trong thời gian trước khi diễn ra bị cáo có thể được tại ngoại. Tuy nhiên, trong thời gian này bị cáo có thể bị bắt tạm giam nếu tòa án nhận thấy cần thiết để đảm bảo cho việc xét xử và thi hành án.

“Nếu án Phúc thẩm cũng tuyên y án với bị cáo thì có hiệu lực ngay tại phiên tòa bởi theo quy định án Phúc thẩm là có hiệu lực ngay. Sau đó HĐXX cấp phúc thẩm sẽ chuyển để Chánh án cấp sơ thẩm ra quyết định thi hành án”, luật sư Kiên nói.

Thẩm phán nói về sức ép trong phiên tòa xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm

Ngay sau khi phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm kết thúc trưa nay, 22-1, thẩm phán Trương Việt Toàn đã chia sẻ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Xuân Lực ([Tên nguồn])
Ông Đinh La Thăng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN