Về làng nón ngựa hơn 300 năm tuổi ở Bình Định

Sự kiện: Nhịp sống 24h

Nón ngựa ngày xưa dùng cho các bậc vua chúa có chức sắc, ngày nay cách tân thành sản phẩm du lịch độc đáo của người dân đất Võ.

Cách TP Quy Nhơn hơn 30 cây số, làng nón ngựa Phú Gia (xã Cát Tường, huyện Phù Cát, Bình Định) đến nay vẫn còn hơn 100 hộ giữ nghề.

Cách tân… nón ngựa

Tò mò về nón ngựa, chúng tôi tìm đến làng Phú Gia một ngày cuối năm. Trong khoảnh sân rộng nhà ông Đỗ Văn Lan (75 tuổi), nhiều người miệt mài cắt lá, chằm vành để làm nón ngựa.

Cụ Kéo đang thực hiện một công đoạn trong làm nón ngựa. Ảnh: QN

Cụ Kéo đang thực hiện một công đoạn trong làm nón ngựa. Ảnh: QN

Một chiếc nón ngựa ít nhất phải bốn, năm người làm ròng rã một ngày mới xong, mà bán có 400.000 đồng. Mỗi người chưa tới 100.000 đồng/ngày. Đó là chưa kể thời điểm giá giảm, mỗi ngày một người lao động chỉ kiếm được chừng 30.000 đồng.

Cụ ĐỖ VĂN LAN

Cụ Kéo năm nay đã hơn 80 tuổi đang khâu những mảnh lá, cụ chia sẻ làm nghề này từ thời còn con gái. “Ngày đó, cả làng có đến hơn 400 hộ làm nghề nón ngựa. Nhưng đến bây giờ thì chỉ còn hơn 100 hộ, một số người đã chuyển qua làm nghề khác. Bà vẫn theo nghề và con cháu bà vẫn giữ nghề cho đến tận bây giờ đã mấy chục năm không nhớ nữa” - cụ Kéo vừa nói tay vừa xỏ kim vào những mảnh lá nom như lá dừa.

Đưa cho chúng tôi xem chiếc nón ngựa mới làm, cụ Lan cho biết sở dĩ gọi nón ngựa vì ngày trước một số người có tiền, có chức sắc thường cưỡi ngựa và đội nón này đi làm nên tên hình thành từ đó. Cụ cũng được nghe kể lại, nón ngựa còn gắn liền với đội quân Tây Sơn thần tốc.

Cụ Lan là người có “thâm niên” nghề cao nhất làng, gần 60 năm gắn bó với nón ngựa. 13 tuổi, lúc học văn hóa cụ đã được học nghề, đến 18 tuổi thì thành thạo. Đến nay gia đình cụ đã trải qua bốn đời làm nghề, với hàng trăm sản phẩm khác nhau được bán ra thị trường.

“Muốn làm nón ngựa phải có nguyên liệu chính là lá kè, rễ dứa và cây giang. Những nguyên liệu này dễ kiếm ở vùng đất Bình Định. Tuy vậy, để làm được một cái nón ngựa phải trải qua mười công đoạn, trong đó khó nhất là thêu hoa văn và làm sườn. Hai công đoạn này cần phải có sự tỉ mỉ, mà không phải ai cũng làm đẹp được” - ông Lan nói.

Trước đây trên nón thường thêu tay long, lân, quy, phụng và các câu Hán tự thì nay cũng đã chỉnh sửa đi nhiều.

Trước đây trên nón thường thêu tay long, lân, quy, phụng và các câu Hán tự thì nay cũng đã chỉnh sửa đi nhiều.

Cũng theo ông Lan, việc làm nón ngựa cần sự tỉ mỉ, cẩn trọng trong từng đường chỉ, từng động tác kết lá. Thời trước, trên nón ngựa thường có các chóp đồng hoặc chóp bạc nhưng nay cũng được cách tân đi ít nhiều. Hay trước đây trên nón thường thêu tay long, lân, quy, phụng và các câu Hán tự thì nay cũng đã chỉnh sửa đi nhiều.

Người mua nón ngựa chủ yếu là khách du lịch hoặc dùng trang trí, nên hoa văn trên nón phải thay đổi để phù hợp. Thay vì những câu Hán tự, nay người làng nón Phú Gia cải đổi theo sở thích của khách đặt mua.

“Nhớ cách đây bốn năm, một vị khách Ấn Độ đặt tôi làm một cặp nón ngựa vì thấy đẹp. Tôi phải suy nghĩ làm sao để làm được chiếc nón vừa đẹp vừa làm cho họ thích. Kết quả, vị khách rất ưng ý và gửi tặng tôi một chiếc dĩa gốm đẹp mắt làm kỷ niệm” - cụ Lan nhớ lại.

Không để làng nghề thành… một thời vang bóng

Cũng theo cụ Lan, nếu trước đó nón ngựa là món xa xỉ đối với người dùng, thì nay đa phần đều có thể sở hữu cho mình một chiếc nón đẹp với giá vài trăm ngàn đồng. “Nón ngựa không chỉ đơn thuần để đội mà dùng trang trí, làm quà lưu niệm nên đầu ra cũng sinh động hơn. Tuy nhiên, yêu cầu của khách hàng cũng khắt khe hơn trước nhiều” - cụ Lan tâm sự.

Và để hoàn thiện một chiếc nón ngựa phải trải qua nhiều công đoạn với thời gian khoảng 4-7 ngày, do đó giá bán cũng phải tương ứng 300.000-700.000 đồng. “Vậy nhưng hiện nay khách yêu cầu nhiều hơn, ngoài phải đẹp về hoa văn thì kiểu cách cũng phải mới mẻ hơn. Thế nhưng hiện không nhiều người khéo tay để biến tấu nón ngựa đạt theo yêu cầu của khách” - cụ Lan nói.

Đến nay, cụ Lan đã truyền nghề cho hơn 100 người nhưng phần lớn trong số đó đã không theo nghề nón ngựa. Một phần do thu nhập quá thấp, người lao động chuyển sang làm một nghề khác phù hợp hơn.

“Tôi đã lớn tuổi nên muốn truyền nghề cho thế hệ sau với mong muốn giữ lại làng nghề nón ngựa Phú Gia. Thế nhưng hiện nay ngoài những gia đình gắn với nghề lâu năm, các bạn trẻ không hứng thú lắm vì thu nhập thấp. Tôi mong cơ quan ban ngành quan tâm thêm để mai này làng nghề nón ngựa không chỉ còn là một thời vang bóng” - cụ Lan tâm sự.

Đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú cho cụ Đỗ Văn Lan

Mới đây, Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ đã tổ chức họp xét danh hiệu NNƯT trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ đối với cụ ông Đỗ Văn Lan, người chuyên làm nón ngựa Phú Gia. Kết quả 100% đồng ý xét tặng danh hiệu NNƯT trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ đối với cụ ông Đỗ Văn Lan.

Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, NNƯT tỉnh Bình Định sẽ gửi kết quả nói trên và hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NNƯT của cụ ông Đỗ Văn Lan lên hội đồng chuyên ngành của Bộ Công Thương để tiếp tục xem xét, thẩm định.

Cụ Lan giới thiệu nón ngựa với du khách. Ảnh: QN

Cụ Lan giới thiệu nón ngựa với du khách. Ảnh: QN

Nguồn: [Link nguồn]

Ký ức về làng lư đồng nức tiếng một thời ở Sài Gòn

Sau đại dịch COVID-19, sức mua giảm, nhân công thiếu hụt, giá nguyên liệu tăng cao 30-40%... làng lư đồng truyền thống An Hội (quận Gò Vấp, TPHCM) vốn ít ỏi số hộ duy trì, nay...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Huy Trường ([Tên nguồn])
Nhịp sống 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN