Uống nhầm nước tro tàu, bé gái 4 tuổi bị bỏng thực quản

Uống nhầm chai nước tro tàu (tên gọi hóa học là natri hydroxit (NaOH) hay hydroxit kali (KOH), được xem là một sản phẩm hóa chất công nghiệp) dùng để làm bánh, bé gái 4 tuổi ở Đồng Tháp phải nhập viện cấp cứu nhiều lần vì thực quản co rút dần. Qua 4 tháng điều trị, bé đã sụt mất 6kg.

Sáng 8.10, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã tổ chức họp báo, thông tin về trường hợp bệnh nhi Phạm Thị Mai Lan (SN 2011, ngụ tại Đồng Tháp) bị bỏng thực quản do uống nhầm nước tro tàu dùng để làm bánh.

Theo hồ sơ bệnh án, cách đây 4 tháng, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã tiếp nhận bệnh nhi Mai Lan trong tình trạng nôn ói, nghẹn khi nuốt, không ăn uống được. Các bác sĩ khoa Tai Mũi Họng của BV Nhi Đồng 1 đã tiến hành soi cấp cứu và phát hiện cháu bỏng thực quản độ 2. Sau đó khoa đã điều trị theo phác đồ băng dạ dày, chống nhiễm khuẩn, chống dính.

Uống nhầm nước tro tàu, bé gái 4 tuổi bị bỏng thực quản - 1

Bé Mai Lan và mẹ tại BV Nhi Đồng 1

Bà Trương Thị Lan (mẹ bé Mai Lan) cho biết: “Do khát, bé đã uống nhầm chai nước tro tàu trong một đám giỗ ở quê. Sau khi phát hiện, người nhà đưa cháu đi cấp cứu tại bệnh viện huyện và điều trị khoảng 1 tuần. Khi xuất viện về nhà, bé có biểu hiện nôn ói, khó ăn uống, vì vậy gia đình quyết định chuyển cháu lên BV Nhi Đồng 1 để xử lý”.

Bác sĩ Đặng Hoàng Sơn, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, BV Nhi Đồng 1 cho biết, qua 3 tuần điều trị, bệnh nhi Mai Lan đã được rút ống stent thông thực quản liên tục trước đó. Tuy nhiên, chưa đến kỳ hẹn tái khám, người nhà lại phải cho cháu nhập viện do thực quản có dấu hiệu hẹp dần. Tính đến thời điểm hiện tại, cháu Mai Lan đã 3 lần đặt ống stent và lần nhập viện mới đây vào ngày 5.10.2015.

Cũng theo bác sĩ Đặng Hoàng Sơn, Trưởng khoa Tai Mũi Họng cho biết, trung bình mỗi năm Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận từ 10 đến 15 ca tương tự do uống nhầm các loại hóa chất như a xít, chất kiềm… Chẳng hạn, ngày 24.9, có đến hai trường hợp (1 tuổi và 2 tuổi) ngộ độc hóa chất được chuyển đến Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 do uống nhầm dầu hôi đựng trong vỏ chai nước suối. Trước đó không lâu, một bé trai 6 tuổi được đưa vào Bệnh viện Nhi Đồng 1 điều trị do uống nhầm acetone (nước rửa móng tay), dẫn đến viêm phổi rất nặng. Sở dĩ có sự nhầm lẫn tai hại này là do chị của bé cất chai nước suối (đựng acetone) trong tủ lạnh…

“Hầu hết các trường hợp mất khá nhiều thời gian để điều trị, thậm chí hơn 1 năm trời. Chí phí điều trị cũng khá cao, khoảng 30 đến 40 triệu đồng tùy theo trường hợp. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên để các loại hóa chất ngoài tầm tay của trẻ nhỏ. Nếu lỡ xảy ra việc uống nhầm, người nhà nên đưa các cháu đến ngay bệnh viện để cấp cứu bởi càng để lâu càng khó điều trị, gây tổn hại rất lớn đến sức khỏe cũng như sinh hoạt ăn uống của các bé…”, bác sĩ Hoàng Sơn khuyến cáo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quốc Hải ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN