Ukraine đòi tái trang bị vũ khí hạt nhân
Ukraine muốn trang bị lại vũ khí hạt nhân nếu Mỹ không ngăn chặn Nga ở Crimea.
Ngày 10/3, một nghị sĩ Quốc hội Ukraine tuyên bố nước này có thể sẽ tự trang bị vũ khí hạt nhân nếu Mỹ và phương Tây không chịu thực hiện một thỏa thuận an ninh buộc họ phải chống lại việc Nga kiểm soát bán đảo Crimea.
Theo nghị sĩ Pavlo Rizanenko, trước đây Mỹ, Anh và Nga đã cùng ký vào một thỏa thuận “đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine” để đổi lấy việc Kiev từ bỏ kho vũ khí hạt nhân mà nước này thừa hưởng lại của Liên Xô sau năm 1991.
Nghị sĩ Pavlo Rizanenko đòi tái trang bị vũ khí hạt nhân cho Ukraine
Ông Rizanenko, một thành viên đảng Udar do cựu võ sĩ đấm bốc Vitali Klitschko lãnh đạo tuyên bố: “Chúng tôi từ bỏ kho vũ khí hạt nhân vì thỏa thuận này. Giờ đây nhiều người Ukraine đang cho rằng chúng tôi đã phạm sai lầm lớn.”
Ông Rizanenko đưa ra tuyên bố này sau khi Nga nói rằng họ có thể đưa quân qua vùng Crimea và tiến sâu hơn vào các khu vực khác ở miền đông Ukraine.
Bộ Ngoại giao Nga cho rằng tình trạng vô chính phủ “đang hoành hành ở các tỉnh miền đông Ukraine” gây ra bởi những chiến binh thuộc phe ‘cánh hữu’ được chính phủ Ukraine hậu thuẫn.
Ông Riazanenko và các nghị sĩ khác nói rằng thỏa thuận được ký với Mỹ dưới thời Tổng thống Bill Clinton này là nhằm để ngăn chặn Nga xâm lược. Thỏa thuận này được đưa ra sau khi Liên Xô tan rã, để lại cho Ukraine kho vũ khí hạt nhân lớn thứ ba trên thế giới.
Nhằm thuyết phục Ukraine từ bỏ kho vũ khí hạt nhân này, vào năm 1994, Mỹ, Anh và Nga đã ký “Bản ghi nhớ Budapest về Đảm bảo An ninh”, hứa hẹn rằng không một quốc gia nào trong số họ sẽ đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để thay đổi toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Theo thỏa thuận đã ký, Ukraine đã từ bỏ hàng ngàn đầu đạn hạt nhân.
Tuy nhiên thỏa thuận này không có bất kỳ một quy định nào nói rằng các bên còn lại buộc phải dùng vũ lực chống lại nếu có một nước xâm lược Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói rằng những cam kết trong thỏa thuận này không áp dụng với bán đảo Crimea vì một cuộc “đảo chính” ở Kiev đã tạo ra “một quốc gia mới mà chúng tôi chưa ký bất cứ thỏa thuận ràng buộc nào”.
Công nhân Ukraine cưa đầu đạn tên lửa hành trình KH-22 tại một căn cứ quân sự
Mặc dù vậy, Mỹ và Anh lại cho rằng thỏa thuận này vẫn mang tính ràng buộc, và họ hy vọng các cam kết sẽ được thực hiện với sự nghiêm túc nhất.
Trong tình hình đó, nghị sĩ Rizanenko tuyên bố: “Trong tương lai, dù tình hình Crimea được giải quyết thế nào, chúng ta cũng cần phải xây dựng một Ukraine hùng mạnh hơn. Nếu bạn có vũ khí hạt nhân, người ta sẽ không dám xâm lược bạn.”
Ông Rizanenko đưa ra phát biểu này sau khi đến thăm Crimea, nơi ông bị các dân quân Crimea ngăn chặn không cho tới thăm một đồn biên phòng Ukraine.
Tổng thống Mỹ Obama đã gọi điện cho ông Putin để khẳng định rằng người Nga ở Ukraine không hề gặp nguy hiểm và Nga nên để các lực lượng quốc tế tiến vào Crimea để giải quyết những bất đồng một cách hòa bình.
Trái lại, ông Putin vẫn khẳng định rằng người Nga thiểu số ở Crimea cần được bảo vệ và nhấn mạnh chính phủ ở Kiev là bất hợp pháp. Mặc dù Mỹ đã tuyên bố là Nga sẽ phải “trả giá” nếu đưa quân tới Crimea, song đến nay hành động mạnh mẽ nhất của họ vẫn chỉ là lệnh cấm tới Mỹ đối với một số người. Mặc dù Mỹ và châu Âu đều đe dọa cấm vận kinh tế Nga, song cho đến nay chưa biện pháp nào được thực hiện.