Tượng đài không phải lúc nào cũng... bồng súng

“Hầu hết tượng đài của Việt Nam đều na ná giống nhau, không sáng tạo, gần gũi nên người dân không hào hứng ngắm”.

Theo đề xuất của Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia, mỗi thị trấn của Thủ đô Hà Nội cần xây dựng 1 tượng đài. Kinh phí thực hiện mỗi tượng đài ít nhất từ 20 tỷ đồng trở lên.

Xung quanh vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Tượng đài không phải lúc nào cũng... bồng súng - 1

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

Thưa ông, vừa qua Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia đề xuất, mỗi thị trấn của Thủ đô cần xây dựng một tượng đài trong đó kinh phí mỗi tượng đài ít nhất 20 tỷ đồng. Là một nhà nghiên cứu về tượng đài, bảo tàng, ông đánh giá như thế nào về đề xuất này?

Tượng đài, nhóm tượng là một nét văn hóa ở các nước Âu, Mỹ nhưng ở ta những nhà làm tượng đều theo xu hướng làm lớn, tốn rất nhiều tiền, chọn không gian lớn, địa điểm đẹp để làm bức tượng với nền cao như quả núi.

Tượng đài ở Việt Nam to, hoành tráng đến nỗi những người ở dưới nhìn lên cảm thấy mình quá nhỏ bé. Những tượng đài như thế thường thiếu sự gần gũi với cộng đồng, và người dân sở tại. Nhiều khi người ta nhìn tượng đài lại cảm thấy xa cách.

Người ngắm tượng đài ở Việt Nam chỉ nhìn xa xa như các biểu tượng. Tượng đài có khi lại ở trên núi, ngắm từ xa. Tượng đài không thật sự sống, ít gắn với cộng đồng.

Trên thế giới, trong các thành phố người ta chú trọng đến tượng, vườn tượng. Tượng, vườn tượng gắn liền với đời sống. Nó thân thiện với người dân.

Tượng đài không phải lúc nào cũng... bồng súng - 2

Tượng dài ở cổng Fort, Quebec, Canada

Chẳng hạn bức tượng nằm ở công viên, nằm trên đồi, nó nhỏ bé, người dân có thể ngồi ghế nghỉ ngơi, ngắm nhìn.

Hơn nữa, ở các nước trên thế giới, tượng không phải chỉ chủ đề chiến đấu, giải phóng dân tộc mà còn thể hiện những vấn đề xã hội, văn hóa, tinh thần.

Có quốc gia làm tượng để nói về quyền phụ nữ. Quyền phụ nữ được ghi trong hiến pháp được coi là sự kiện của xã hội thì được quốc gia đó được làm tượng chứ không nhất thiết lúc nào tượng cũng mang hình ảnh phải bồng súng, bắn tên lửa.

Trên thế giới, có nhiều chủ đề khác nhau được lấy làm tượng. Chẳng hạn, trong công viên chỉ là những tượng đài nhỏ, có thể nằm trên lối đi nhưng lại là những tác phẩm nghệ thuật.

Ở ta cứ nghĩ tượng đài lúc nào cũng phải hoành tráng, vị trí, không gian ở ngã ba, ngã tư nhưng ở Mỹ tượng đài đặt trong công viên là những người lính rất nhỏ chứ không nhất thiết phải làm tượng đài to hoặc chiếm cả một quả đồi cao tách biệt cuộc sống cư dân.

Có ý kiến cho rằng, nhiều nơi làm tượng đài chẳng có ai ngắm, tượng đài xấu, hay hỏng nên người dân không hào hứng? Ông nghĩ sao về ý kiến này?

Tượng đài không phải lúc nào cũng... bồng súng - 3

Ở các nước trên thế giới, tượng không phải chỉ chủ đề chiến đấu, giải phóng dân tộc mà còn thể hiện những vấn đề xã hội, văn hóa, tinh thần

Làm tượng đài hay hỏng vì làm quá hoành tráng. Họ nghĩ làm hoành tráng mới xứng đáng. Tuy nhiên, nó không gần gũi, nhiều khi quá sức với cả người làm.

Tại Việt Nam, làm tượng đài đa phần chỉ nghĩ đến câu chuyện những người anh hùng. Dù đề tài này rất quan trọng nhưng đó không phải là duy nhất cho tượng.

Tượng đài cũng giống như văn học nghệ thuật, nó có rất nhiều các chủ đề khác nhau, đề tài khác nhau, tùy anh xây dựng. Chúng ta có thể có tượng đài liên quan đến mặt xã hội. Ví dụ tượng đài về tuyên ngôn độc lập hoặc tượng đài liên quan đến bước tiến của xã hội như bước ngoặt nào mở ra thời kỳ đổi mới, hội nhập.

Bây giờ, tôi thấy chẳng có tượng đài nào nói về chủ đề đổi mới hay chấm dứt tư duy về bao cấp, tư duy về thời kỳ không phát triển kinh tế thị trường sang phát triển kinh tế thị trường.Vậy thì tại sao ta không có tượng đài nói về sự thay đổi của xã hội, chuyển đổi của xã hội, của văn hóa.

Ở các quận huyện ở Hà Nội nên phát triển thêm nhóm tượng như: vườn tượng nhỏ, phù hợp, nằm trong môi trường sinh hoạt, sinh sống, công viên  của người dân địa phương. Điều này còn hơn tạo ra tượng đài lớn ở cổng các quận, huyện hoặc ở các vị trí ở ngã ba trung tâm mà chúng ta vẫn làm.

Mục đích làm tượng đài phải gắn với cư dân sở tại, thiết thực chứ người dân không phải đứng xa chiêm ngưỡng. Đặc biệt, làm tượng sao cho không cần hoành tráng về kích thước mà nó vẫn gần gũi, đi vào lòng người .

Vậy ông nghĩ sao khi Việt Nam làm tượng đài vẫn theo một quy định bất thành văn “tượng đài phải theo chủ đề danh nhân, chiến tranh, người anh hùng"?

Đấy là tư duy cũ, chủ đề cũ. Họ đề xuất làm tượng đài như thế rất dễ được duyệt bởi đề tài mang tính chất kinh điển. Cần phải thay đổi cách nghĩ, cách làm tượng đài. Làm tượng đài nên suy nghĩ  cả đến chủ đề văn hóa, dân sinh. Chủ đề chiến tranh, anh hùng cũng nên có nhưng phải làm hay, làm sao cho người dân sở tại tâm phục, khẩu phục.

Ông là người làm bảo tàng, thành công của bảo tàng không phải chỉ là hiện vật. Vậy theo ông, làm tượng đài có cần hoành tráng, chọn chỗ đẹp?

Đa phần tượng đài hoành tráng theo kiểu kích thước lớn không đi vào lòng người, không tạo cảm giác thân thiện. Nếu ta làm vườn tượng nho nhỏ, nó gần gũi với cộng đồng thì hiệu quả xã hội sẽ rất mạnh. Tượng đài ở Việt Nam hiện nay lại còn gắn với tâm linh, yểm tâm mà các nước thì không đâu làm thế nên chỉ nghĩ đến mục đích để thắp hương và dâng hoa tưởng niệm trong ngày lễ kỷ niệm.

Tôi thích tượng đài, vườn tượng nhỏ (có thể chỉ có 1 người hoặc một nhóm người) nói về sự kiện xã hội khác nhau. Tôi thấy hầu hết tượng đài của chúng ta đều na ná giống nhau không có sự sáng tạo, gần gũi, có sức thu hút buộc người ta đi thăm nó, say mê với nó.

Vậy nếu dự án này thông qua, làm thế nào để có được các tượng đài đẹp khiến người dân thích thú ngắm thay vì bị ép xem?

Có nhiều cách làm tượng đài, nhưng phải đa dạng hóa cách làm đó. Chúng ta làm nhiều dạng tượng đài khác nhau, làm nhiều nơi khác nhau. Phát triển tượng đài tại nơi công viên, đường phố, khuôn viên nghỉ ngơi nhỏ trong các khu dân cư, tạo ra điểm nghỉ ngơi gắn với vườn tượng.

Câu chuyện tượng đài theo tôi chủ yếu là làm sao gần gũi, gắn bó với cộng đồng, với cuộc sống của người dân. Theo tôi, không nên làm tượng đài kích thước to quá vì vừa không hiệu quả, vừa tốn tiền.

Muốn làm được như thế đòi hỏi phải quy hoạch không gian phù hợp, những người làm tượng đài phải thay đổi tư duy, trước hết nghĩ đến cộng đồng và người dân sở tại.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN