Truyền nhân cuối cùng của nghề viết bằng khen

Một thời, hầu như tất cả bằng khen, huân chương trên cả nước đều nhờ người ở Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương viết. Những tay bút tài hoa một thuở nay đều đã gác bút. Truyền nhân cuối cùng của nghề cũng sắp đến tuổi nghỉ hưu.

Truyền nhân cuối cùng

Chúng tôi đến Ban Thi đua Khen thưởng TƯ tìm gặp lại những tay bút vang danh một thuở. Thời trước, chỉ người có công lao to lớn, thành tích đặc biệt mới vinh dự được treo tấm bằng khen, huân chương cao quý do người ở đây viết. Theo đó, chữ của họ hiện diện khắp mọi miền đất nước. Những tấm huân chương, bằng khen mang nét chữ tuyệt đẹp được lồng khung kính, treo trên xà nhà, được nâng niu gìn giữ qua nhiều thế hệ. 

Bà Lương Thị Thị Hường có lẽ là người duy nhất của tổ viết giấy khen năm xưa vẫn còn làm việc. Nay bà cũng đã sắp sửa nghỉ hưu. Thấy chúng tôi nhắc đến chuyện viết bằng khen, bà Hường thoáng giật mình. Gần 20 năm nay, không có ai đến đây hỏi bà chuyện đó.

“20 năm nay, bằng khen, huân chương được in bằng máy cả rồi, còn ai viết tay nữa”. – Bà Hường hướng ánh mắt vào khoảng không.

Bà đưa cho chúng tôi xem tấm giấy khen đã rách, thủng lỗ chỗ vì bị mối xông. Màu giấy đã ố vàng cũ kỹ. “Đây là chữ cô Hiên viết”, bà Hường nói.

Bà kể, những người viết giấy khen nổi tiếng nhất hồi đó là bà Phạm Minh Chính và Nguyễn Thị Hiên. Họ về hưu lâu lắm rồi. Bà Nguyễn Thị Hiên nay đã ngoài 70 tuổi, bà Hoàng Minh Chính cũng khoảng 68 tuổi. Đó là hai cây viết chủ lực, được tuyển chọn chính quy, biên chế trong tổ.

“Đây là chữ cô Chính, kia là chữ cô Hiên…” bà lẩm nhẩm điểm danh từng cây viết nổi tiếng một thời.

Truyền nhân cuối cùng của nghề viết bằng khen - 1

Bà Lương Thị Hường tiếc nuối những tấm bằng khen viết tay đã không còn nữa

Tổ viết chữ thời ấy có 10 người, nay hầu hết họ đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, người mắt mờ, tay run, người thì đã mất. Bà Hường là người trẻ nhất tổ. Hơn 20 tuổi, bà vào làm ở Ban với công việc chính là văn thư, lưu trữ. Vốn có nét chữ đẹp, thanh thoát lại mê mẩn tài viết của các bậc tiền bối. Bà lân la xin học viết và viết thử.

Nhưng viết bằng khen, huân chương cấp cao nào phải chuyện đùa. Những tấm giấy ấy đều có chữ ký của lãnh đạo cấp nhà nước, số lượng phôi giấy có hạn. Công việc không cho phép sơ suất, từng con chữ phải hết sức cẩn trọng.

Cô tổ viên Nguyễn Thị Hường ngày đó phải tốn rất nhiều ngày để được các “cao thủ” trong tổ viết truyền dạy kỹ năng, từ mẫu chữ, khổ chữ cho đến cầm bút, căn lề. Sau đó, người viết phải trải qua kỳ sát hạch viết trên giấy trắng đến khi các chữ đúng như mẫu, đều tăm tắp, chục dòng như một thì mới được chấp thuận.

Để viết một tấm bằng khen, huân chương phải dùng đến 3 loại bút ngòi khác nhau. Viết tên riêng chữ to nhất cần ngòi bút cực đậm, đến đoạn thành tích dùng ngòi nét mảnh hơn, viết ngày tháng cần bút nét nhỏ hơn nữa. Mực viết là loại mực tàu, đảm bảo không nhòe, sắc nét, bền màu. Viết bằng mực tàu dễ dây bẩn ra giấy, chấm mực vừa phải để các nét được đều nhau.

Hơn 6 tháng miệt mài luyện chữ dưới sự truyền dạy của những “cao thủ” viết đẹp, bà được nhận để hỗ trợ tổ viết khi nhiều việc. Bà Hường vẫn nhớ như in lần đầu viết tấm bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ. Cẩn thận kẻ dòng bằng bút chì, viết nháp tới 4 lần, khi chuẩn bị đặt bút, tay bà vẫn run rẩy chưa dám đặt nét đầu.

Mồ hôi toát ra ướt trán, bà thầm nghĩ: “Đối với mình, đó là công việc nhưng đối với thân nhân liệt sĩ thì nó mang ý nghĩa lớn lao”. Sau phút định thần, dường như tất cả sự tập trung dồn vào bàn tay viết. 5 phút sau, tấm bằng đầu hoàn thành. Mọi người đều tấm tắc khen nét chữ cứng cỏi, thẳng đều, thanh đậm rõ ràng.

Bà bắt đầu nghề viết chữ từ năm 1985, trở thành người trẻ nhất trong tổ. Bà Hường cũng được coi là truyền nhân cuối cùng của các “cao thủ” viết đẹp vang danh một thời.

Bà Hường bảo, chữ viết bằng khen phải theo đúng quy tắc, luật lệ. Nét bút lên xuống, ngang dọc hay vòng đều phải vừa đủ. Không phải tùy hứng muốn uốn lượn thế nào cũng được. Người viết chữ phải nhớ như in nguyên tắc đối với từng chữ cái. Đến khi viết ra, bút vừa phải đưa đúng, đủ, lại phải đẹp.

“Nhiều người viết chữ đẹp nhưng không học được quy tắc này cũng không thể viết được giấy khen.” – Bà Hường khẳng định.

Truyền nhân cuối cùng của nghề viết bằng khen - 2

Ngòi bút chuyên dụng để viết bằng khen, huân chương và bút tích của bà Hường

Nghiệp viết thất truyền

Trên bàn làm việc ngổn ngang giấy tờ của bà Hường, cây thước kẻ gỗ cũ kỹ, mờ gần hết số, hằn vết thời gian bà đặt riêng một góc trang trọng. Đó là cây thước bà dùng để căn dòng, chặn giấy mỗi lần viết bằng khen. Nó gắn bó với bà gần 30 năm, kỷ vật đi cùng bà qua năm tháng khó khăn.

Những năm 80 của thế kỷ trước, chế độ bao cấp cùng đồng lương công chức ít ỏi không đủ trang trải cuộc sống. Chính công việc nhận bằng khen về viết đã giúp gia đình bà vượt qua giai đoạn khó khăn đó. Mỗi tấm bằng khen, huân chương hoàn thành, bà nhận thù lao 2 hào.

Những dịp kỷ niệm ngày lễ trọng đại của đất nước, có ngày bà viết tới hơn 100 bằng khen các loại. Trong nhà, giấy tờ luôn chất thành từng chồng cao. Nhiều đêm bà phải thức đến 2h sáng để viết kịp, chuyển cho đơn vị phong tặng. Đôi tay tê buốt vì phải tỳ quá lâu nhưng bà vẫn cố gắng căng mắt tập trung viết cho thật đẹp từng nét.

Chữ viết ở bằng khen, huân chương theo một quy chuẩn chung. Chữ in hoa viết theo thể chân phương, đơn giản nhưng vẫn phải đảm bảo thẳng hàng, nét mềm mại. Chữ thường viết nét cao, đầy đặn, nét thanh đậm rõ ràng. Mực viết là loại mực tàu để chữ không nhoè, bền màu qua thời gian.   

Hơn 10 năm gắn bó với nghiệp viết, bà Hường đã viết hàng trăm nghìn tấm bằng khen, huân chương các loại. Bàn tay cầm bút hằn rõ vệt chai cứng.

Từ năm 1996, khi máy vi tính và công nghệ in trở nên phổ biến, các loại giấy tờ đều được thiết kế, in hàng loạt. Những người trong tổ viết chữ cũng lần lượt về hưu. Bằng khen, huân chương không còn nét chữ bay bổng, tài hoa nữa mà thay vào đó là nét in khô cứng.

Một vài năm sau khi cấp bằng chuyển sang dùng công nghệ, thỉnh thoảng vẫn có người liên hệ sang Ban, đề nghị bà Hường viết tay. Hồi đó, tay bà còn cứng. Qua thời gian, đôi mắt bà đã kém đi nhiều, bàn tay viết bớt linh hoạt.

Kỷ niệm mà bà Hường nhớ nhất là lần cầm bút cách đây gần 15 năm. Khi ấy, hai huân chương cao quý nhất là Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh được yêu cầu người trong Ban viết tay. Bà Hường được Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình chỉ định đích danh viết Huân chương Sao Vàng. Lần thăm khu lưu niệm Ngã Đồng Lộc (Hà Tĩnh), bà Hường nhận ra những tấm huân chương do tay mình viết, treo trang trọng trên tường. Bà coi đó là vinh dự, niềm vui lớn trong suốt quãng đời viết của mình.

“Viết tay quả thực có những cái hay riêng. Hình như bây giờ, chẳng mấy ai còn quan tâm đến những nét chữ viết tay này. Có muốn dạy, cũng không còn người muốn học nữa”. – Tiễn chúng tôi ra về, bà Hường nói.

_______________________

Bạn tự tin với nét chữ của mình? Hãy chép một đoạn thơ hoặc văn xuôi 200-300 chữ và gửi hình ảnh nét chữ của bạn (kèm thông tin liên lạc) cho chúng tôi theo địa chỉ email khamphachudep@gmail.com. Những chữ viết đẹp nhất sẽ được chia sẻ để độc giả cùng chiêm ngưỡng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Cảnh Kiên – Tất Định ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN