Trường hợp 3 cán bộ, chiến sĩ PCCC hy sinh khi làm nhiệm vụ: Đau thương và câu hỏi trách nhiệm

Đây không phải là lần đầu trên địa bàn quận Cầu Giấy, TP Hà Nội xảy ra hỏa hoạn trong quán karaoke khiến nhiều người tử vong...

Ngày 2-8, Công an TP Hà Nội tiếp tục điều tra nguyên nhân vụ cháy tại quán karaoke ISIS (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội), khiến 3 cán bộ chiến sĩ thuộc Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC-CNCH) Công an quận Cầu Giấy, TP Hà Nội hy sinh khi làm nhiệm vụ. Nguyên nhân ban đầu vụ cháy được xác định là do sửa chữa, hàn xì.

Đau lòng người ở lại

Cùng ngày, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, đã ký quyết định truy thăng cấp bậc hàm từ trung tá lên thượng tá đối với ông Đặng Anh Quân (SN 1977; Đội trưởng), truy thăng cấp bậc hàm từ trung úy lên thượng úy đối với ông Đỗ Đức Việt (1998; cán bộ), truy thăng cấp bậc hàm từ binh nhì lên hạ sĩ đối với anh Nguyễn Đình Phúc (SN 2003, chiến sĩ nghĩa vụ).

Trước khi hy sinh, 3 cán bộ chiến sĩ đã hướng dẫn 8 người bị nạn thoát ra ngoài an toàn. Ba chiến sĩ sau đó tiếp tục quay lên các tầng trên với hy vọng tìm kiếm thêm những nạn nhân khác còn bị mắc kẹt trong ngọn lửa. Khi 3 chiến sĩ lên tới tầng 4 thì các vật liệu làm trần giả, vật liệu trang trí bên trong nhà sập xuống cầu thang bộ làm 3 cán bộ, chiến sĩ hy sinh.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đến thăm hỏi, động viên thân nhân các chiến sĩ hy sinh. Ảnh: HỮU HƯNG

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đến thăm hỏi, động viên thân nhân các chiến sĩ hy sinh. Ảnh: HỮU HƯNG

Ngày 2-8, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhất cho thượng tá Đặng Anh Quân, thượng úy Đỗ Đức Việt và hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc.

Trước di ảnh của con, không còn sức để khóc, bà Trần Thị Thủy, mẹ thượng tá Đặng Anh Quân đã ngất nhiều lần vì đau đớn. Bố mất từ sớm, ông Quân ở cùng mẹ. Sau khi lập gia đình, vợ chồng ông và mẹ sống trong căn nhà nhỏ ở đường Láng thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa, TP Hà Nội. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, mẹ ông Quân ngoài việc trông nom các cháu còn tranh thủ bán chè ở đầu ngõ. Dẫu cuộc sống khó khăn, vất vả nhưng sự tảo tần, gương mẫu của gia đình, bố mẹ, 2 con của ông Quân đều học giỏi. Vợ và con thượng tá Quân khóc ngất liên tục từ khi nhận tin, những giọt nước mắt, những tiếng gọi chồng, gọi bố trong đau đớn, vô vọng.

Còn tại nhà hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc ở phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), rất đông hàng xóm, người thân, lực lượng chức năng đã có mặt để giúp gia đình chuẩn bị tang lễ. Phúc là em út trong nhà có 3 chị em. Bố Phúc mất cách đây 6 năm, Phúc ở cùng mẹ. Bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh (SN 1972), mẹ của Phúc, cho biết khi gia đình nhận tin dữ không phải từ đơn vị mà người quen. Bà Hạnh và người thân luôn tự hào về người con giỏi giang, dũng cảm. "Con còn rất trẻ, mẹ rất tự hào về con, con đã hy sinh sự sống của mình cho người khác được sống" - bà Hạnh nghẹn ngào.

Cùng chung nỗi đau thương mất mát, ông Đỗ Văn Tư (bố của thượng úy Đỗ Đức Việt) là cán bộ Công an quận Hà Đông, hiện là Trưởng Công an xã Hòa Sơn. Chiều 1-8, ông nhận được tin từ đứa cháu, hốt hoảng báo tin hình như Việt và 2 đồng đội gặp nạn, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Đau xót, ông vội gác công việc, bắt xe ôm đến Bệnh viện 19-8 và gọi điện về cho vợ. "Từ bé đến giờ Việt rất ngoan, hiền, chưa bao giờ làm bố mẹ phiền lòng và rất say mê với công việc. Việt hứa cuối năm nay sẽ cưới vợ và nhất định sẽ ở gần để còn chăm sóc bố mẹ lúc tuổi già..." - ông Tư chia sẻ.

Trách nhiệm người đứng đầu địa phương về PCCC?

Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội), 3 chiến sĩ hy sinh khi tham gia chữa cháy là rất đau xót, mất mát cho gia đình, đồng đội và xã hội. Sự việc rất đau lòng nhưng phải rất khách quan để xem lại công tác PCCC trên cả nước nói chung và TP Hà Nội nói riêng, đặc biệt là tại địa bàn quận Cầu Giấy.

Ông Phạm Văn Hòa nêu ngoài vụ 3 chiến sĩ hy sinh khi chữa cháy mới đây thì trước đó tại quận Cầu Giấy còn có vụ cháy tại quán karaoke khiến 13 người tử vong. Chính quyền quận Cầu Giấy cũng như lực lượng PCCC của quận cần phải soi lại việc quản lý, cấp phép PCCC trên địa bàn. Chính quyền, Công an quận Cầu Giấy cần tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh trên địa bàn, nếu cơ sở nào không bảo đảm PCCC thì phải xử phạt nặng, có thể tước giấy phép kinh doanh. "Phải quy rõ trách nhiệm, xem xét trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong việc PCCC" - ông Phạm Văn Hòa nêu quan điểm.

Trong khi đó, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), cho rằng đây là vụ hỏa hoạn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Cơ quan chức năng cần điều tra nguyên nhân để có căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật. "Trong trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy cơ sở kinh doanh, chủ đầu tư, đơn vị thi công hoặc các tổ chức cá nhân liên quan đã vi phạm quy định về PCCC, không bảo đảm an toàn lao động dẫn đến vụ cháy xảy ra thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự" - luật sư Cường nói. 

Chưa đủ điều kiện về an ninh trật tự

Tháng 4-2013, UBND quận Cầu Giấy cấp giấy phép kinh doanh karaoke cho cơ sở ISIS. Cuối tháng 8-2013, Công an quận Cầu Giấy cấp giấy chứng nhận quán karaoke này đủ điều kiện về an ninh trật tự để làm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Theo Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, trước khi xảy ra vụ cháy, quán karaoke ISIS đã dừng hoạt động do chưa thực hiện cấp đổi giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự theo quy định tại Nghị định 96 của Chính phủ.

Nguồn: [Link nguồn]

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huy Thanh - Nguyễn Hưởng - Hữu Hưng ([Tên nguồn])
3 cảnh sát hy sinh khi chữa cháy Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN