Trụ sở bộ ngành cần có quy hoạch

"Trụ sở các bộ là tài sản công tức là tài sản nhà nước, không phải của riêng bộ, cho nên bộ không có quyền bán".

Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam, TS Phạm Sỹ Liêm, trao đổi xung quanh câu chuyện một số bộ cho biết sẽ bán trụ sở cũ để lấy tiền xây dựng trụ sở mới ở nơi khác.

Trụ sở bộ ngành cần có quy hoạch - 1

TS Phạm Sỹ Liêm

TS Liêm nói: “Nếu để các Bộ tự xử lý việc này - bán trụ sở cũ và xây trụ sở mới, sẽ sinh ra lộn xộn trong quy hoạch, và không đúng luật. Trụ sở các bộ là tài sản công tức là tài sản nhà nước, không phải của riêng bộ, cho nên bộ không có quyền bán”.

Không có quyền bán

Vừa rồi, một số bộ tuyên bố sẽ bán trụ sở cũ lấy tiền làm trụ sở mới theo hình thức BT (Xây dựng - chuyển giao), thông tin này đã gây dư luận khác nhau, ý kiến của ông về vấn đề này?

Trụ sở của các bộ là tài sản công, được nhà nước giao cho sử dụng, chứ không phải là tài sản riêng, thuộc toàn quyền quyết định của một bộ ngành nào.

Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008 quy định rất rõ về điều kiện mua bán, xây dựng trụ sở của các bộ, ngành.

Theo điều 23 của Luật này, việc bán tài sản nhà nước được thực hiện công khai, theo cơ chế thị trường, thực hiện theo phân cấp của Chính phủ (Ở đây là Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính thực hiện). Việc bán tài sản nhà nước là trụ sở làm việc hoặc tài sản khác gắn liền với đất được thực hiện theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Tóm lại, phải có một hội đồng thẩm định giá bán. Khi bán phải thu tiền vào ngân sách, xây mới trụ sở cũng bằng ngân sách, chứ các Bộ không được tự ý làm, tự ý bán trụ sở.

Trong trường hợp có nhu cần bán, người quyết định bán không phải là ông Bộ trưởng Bộ GTVT, hay Bộ trưởng Xây dựng mà phải là Bộ trưởng Bộ Tài chính. Nói thẳng ra, Bộ trưởng các bộ không có quyền bán trụ sở làm việc, mà chỉ có thể đề nghị với cơ quan có thẩm quyền.

Tôi thấy cách làm như thông tin vừa rồi không ổn, người ta gọi là tọa chi, tức là bán nhưng không nộp ngân sách mà chi ngay tại chỗ, dù cũng là chi cho việc xây trụ sở.

Phải có quy hoạch

Trụ sở bộ ngành cần có quy hoạch - 2

Trụ sở Bộ GTVT (80 Trần Hưng Đạo, Hà Nội)

Chủ trương chuyển trụ sở một số bộ, ngành ra khỏi khu vực trung tâm thủ đô là cần thiết để giảm tải. Từ góc độ quy hoạch, nhìn vào cách thực hiện, ông thấy cần đặt ra vấn đề gì trong quá trình chuyển đổi này?

Điều 13 Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước quy định, “Việc đầu tư xây dựng trụ sở làm việc cần đảm bảo những yêu cầu: Phù hợp với quy hoạch của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng; Phù hợp với chức năng nhiệm vụ tổ chức của bộ máy….”.

Nghĩa là, vị trí đặt trụ sở các bộ ở đâu không thể tự ý tùy tiện, ai quyết định cũng được, mà phải thực hiện theo quy hoạch chung.

Một thời kỳ, các bộ phải sử dụng công trình hiện có, bây giờ công việc nhiều hơn, trụ sở cũ không phù hợp, phải dựng trụ sở mới là nhu cầu tất yếu. Có lẽ, chỉ có một bộ không có nhu cầu chuyển là Bộ Tư pháp, vì trụ sở đã rất đẹp, chẳng ai hơn vị trí đó.

Vừa qua, một số bộ ngành đã chuyển về khu vực Mỹ Đình, khu tây Hồ Tây như Bộ Nội vụ, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an…

Vấn đề là, di chuyển các bộ ra chỗ mới thì phải theo quy hoạch, không để ngẫu nhiên bộ chiếm chỗ này, bộ chỗ kia, sẽ bất tiện về sau. Một trung tâm hành chính mới phải có quy hoạch. Nhưng tôi thấy chưa có một quy hoạch nào như thế cả.

Xây dựng Thủ đô hiện đại, trong tầm nhìn quy hoạch phải coi việc quy hoạch vị trí trụ sở các Bộ, cơ quan T.Ư là nhiệm vụ hàng đầu. Phải quy hoạch chi tiết, bộ nào ra, bộ nào không ra.

Việc này nên giao Bộ Xây dựng cùng Hà Nội chủ trì vì họ đã từng xây dựng quy hoạch chung Hà Nội. Về đất đai, Hà Nội phải có trách nhiệm tạo mặt bằng, còn đất cũ thì nên giao lại cho thủ đô. Đất mới anh lấy thì anh phải trả lại đất cũ chứ không lẽ để cho anh bán.

Theo ông, trụ sở cũ của các Bộ nên có cơ chế xử lý như thế nào để đảm bảo đúng quy hoạch và không thất thoát, lãng phí?

Vấn đề đang đặt ra là xử lý các trụ sở cũ sao cho hiệu quả nhất. Ai cũng biết, khu vực trung tâm đang bị mất cân đối về quy hoạch: Thiếu công viên, nơi đỗ xe, thậm chí thiếu trường học. Vậy thì phải cân đối lại cho phù hợp.

Thứ hai, bản thân các sở ngành của TP Hà Nội do quá trình phát triển, mở rộng cũng cần có thêm trụ sở, nếu thấy trụ sở bộ ngành nào phù hợp thì chuyển về đó là hay nhất, đỡ phải phá dỡ, xây lại tốn kém và lãng phí.

Cách tốt nhất là giao lại cho Hà Nội để họ cân nhắc, tính toán các nhu cầu trong quy hoạch và nhu cầu bản thân họ.

Quá trình này cần phải làm bài bản, có kế hoạch, tổ chức, chứ không phải để cho các bộ tự làm, cung cách vừa qua giống như là để cho anh tự lo lấy, sẽ dẫn đến lộn xộn, vỡ quy hoạch.

Theo tôi nghĩ, vấn đề trụ sở các bộ cần phải là công việc của Chính phủ chứ không phải để riêng từng bộ lo. Chúng ta xây dựng nhà nước pháp quyền, vấn đề quản lý, sử dụng công sản đã có luật rồi.

Thủ đô Hà Nội có nhiều lớp kiến trúc ngày càng trở nên vô giá theo thời gian. Nhìn từ góc độ này, khi chúng ta di chuyển trụ sở các bộ đi nơi khác, ông thấy cần lưu ý điều gì?

Cái tôi muốn nói là dù làm gì thì đều phải có quy hoạch, tuân thủ theo quy hoạch. Luật cũng đã ghi rõ như thế rồi. Cho nên, nếu để các bộ tự làm sẽ khó tránh khỏi sự lộn xộn, chắp vá.

Nhân đây, tôi cũng nhấn mạnh, một số trụ sở các bộ, cơ quan Trung ương là di sản kiến trúc của Thủ đô Hà Nội: Trụ sở Bộ Ngoại giao, Bộ LĐTB&XH, Bộ Giao thông, cũng như Phủ Chủ tịch, Nhà hát lớn… Những kiến trúc đó là vô giá.

Thay đổi mục đích sử dụng thì được, nhưng không thể phá bỏ kiến trúc, vì phá bỏ tức là phá bỏ lịch sử của Hà Nội.

Bản sắc Hà Nội khác nơi khác là nhờ những công trình ấy. Bây giờ, có những thành phố xây dựng mới như Bình Dương có nhiều công trình rất đẹp, nhưng không thể có lịch sử, có bản sắc như Hà Nội.

Cảm ơn ông.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Tuấn (Tiền phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN