TP.HCM: Giải pháp chống ngập chỉ là giải pháp
Giải pháp chống ngập đang áp dụng của TP.HCM đa phần chỉ là giải pháp. Công trình chống ngập có tính chất lâu dài, rộng khắp chưa đưa vào sử dụng, hoặc chưa được xây dựng.
Thống kê của TP.HCM cho thấy hiện nay toàn thành phố đang có 86 điểm ngập nghiêm trọng do ảnh hưởng của triều cường và nước mưa. Quận, huyện nào cũng có từ 2 - 7 điểm ngập.
Dự án dở dang
Năm 2001, TP.HCM thông qua dự án 752. Theo đó, dự án chủ yếu tập trung nâng cấp cống thoát nước đô thị giải quyết tiêu thoát nước mưa và xử lý nước thải cho vùng nội thành.
Năm 2003, khi dự án được triển khai, nhiều nhà khoa học đã chỉ ra sự bất cập. Thực tế tính toán các cống triều lúc đó chỉ có 1,3m, khi triều cường liên tục vượt qua 1,3m, các cống hoạt đông không còn hiệu quả.
Người dân đắp đê bằng bao cát để ngăn chặn triều cường
Để khắc phục tình trạng trên, năm 2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình dự án 1547 để bổ sung cho dự án 752 trước đó. Theo dự án này sẽ xây dựng 12 cống ngăn triều và khoảng 170 km đê bao. Mục đích giữ mực nước trong đê bao lúc nào cũng từ 1m trở xuống. Tuy nhiên dự án mới chỉ dừng lại ở khâu thiết kế.
Hai năm trở lại đây, một số nhà khoa học đưa ra đề xuất xây dựng một tuyến đê bao biển từ Vũng Tàu đến Gò Công dài khoảng 30km để ngăn chặn triều cường từ xa. Tuy nhiên đang dự án còn trong giai đoạn nghiên cứu và cũng không nhận được sự đồng thuận cao của các nhà khoa học, cũng như quản lý.
Giải pháp tạm thời
Trong khi các dự án chống ngập có tính căn cơ còn đang chờ triển khai, thì trung tâm chống ngập cũng có những giải pháp giải quyết trước mắt. Lắp hơn 600 cống ngăn triều. Các cống này có tác dụng cho nước mưa ra, nhưng lại ngăn không cho nước triều vào.
Tuy nhiên, cống này lại có nhược điểm, mưa trùng với triều cường thì nước vào không được, nước thoát cũng bó tay. Gặp cảnh này tình trạng còn bi đát hơn. Do vậy, đây chỉ là giải pháp tình thế, giải quyết được một mặt và không phải lúc nào cũng trọn vẹn.
Mưa lớn và triều cường lên khiến đường Hậu Giang (Q.6) như biến thành sông
Cùng với các cống ngăn triều, thành phố cũng đã có hàng chục trạm bơm di động. Cống tiêu thoát triều Thị Nghè dự định cuối năm 2012 đi vào hoạt động, sẽ giải quyết được ngập với diện tích 33km2, ở 7 quận. Tuy nhiên vẫn còn 12 cống chưa được xây dựng.
Ngay cả công trình Nhiêu Lộc - Thị Nghè tiêu tốn nhiều tiền của cũng không giải quyết được ngập tại mọi điểm nằm trong phạm vi của dự án. Mà nguyên nhân, công trình lúc xây dựng không chú ý nhiều đến triều cường, nên một số vùng trũng thấp chưa kiểm soát được ngập.
Nhưng trong lúc chờ đợi giải pháp chống ngập lâu dài, thì những giải pháp tình thế này cũng đã giải quyết được phần nào ngập, lụt của thành phố.
Tập sống chung với… ngập lụt
PGS.TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu, Đại học Quốc gia TP.HCM nói: Ngập và thiệt hại do ngập là điều rất quan trọng với người dân thành phố. Hiện nay đê bao không thể chống ngập an toàn, chưa kể diễn biến của biến đổi khí hậu có thể làm cho dự báo bị sai.
Dân phải tự lo cho mình, thấy được việc sinh sống ở những nơi trũng, thấp dễ xảy ra nguy cơ ngập. Do vậy phải sắp xếp lại cuộc sống hoặc di dời đi hoặc chấp nhận sống chung với ngập.
Đường Lương Định Của (Q.2), một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất bởi triều cường hiện nay
Triều cường ngày càng dâng cao, khổ nhất vẫn là dân. Chính quyền thấy ngập, có tiền của dự án chống ngập thì cứ nâng đường. Đường cao nhưng dân nghèo không có tiền nâng nền nhà nên nhà dân sẽ biến thành hồ chứa nước. Giải quyết vấn đề này, chính quyền phải cùng với dân có cách tiến hành phù hợp.
ThS Lê Thị Xuân Lan, cán bộ Đài Thủy văn khu vực Nam bộ, khuyên: Người dân phải cần có cách để chủ động hơn khi nước ngập vào. Khi ngập cần chú ý các hố ga, chỗ cống bị sập tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.
Cũng theo ThS Lan, đợt triều cường vừa rồi chưa phải lớn nhất trong năm. Theo số liệu trong những năm trước đây, triều cường lớn nhất tập trung vào tháng nửa cuối 11 và nửa đầu 12 dương lịch chứ không phải rơi vào tháng 10.
Người dân phải thích nghi và sẵn sàng với việc sống cùng ngập mỗi khi có mưa to, triều cường. “Các biện phăp chống ngập không thể tốt hết trong mọi tình huống”, PGS.TS Phi nói.