TP.HCM: F1 chưa được đi học, đi làm trực tiếp, phải cách ly theo quy định

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết F1 đáp ứng điều kiện theo định nghĩa của Bộ Y tế không nhiều, cách ly F1 vẫn là biện pháp phòng chống dịch hiệu quả.

Chiều 7-3, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở  Y tế TP.HCM đã có những trả lời phóng viên xoay quanh đề xuất của Bộ Y tế F1 được đi làm tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2. Bà Mai cho biết theo định nghĩa đối tượng F1 của Bộ Y tế thì số F1 đáp ứng điều kiện trên địa bàn không có nhiều. TP vẫn đang thực hiện mục tiêu kiểm soát F0, F1 để ngăn lây nhiễm cho cộng đồng và các đối tượng có nguy cơ, giảm đi tỉ lệ tử vong.

Hiện Bộ Y tế chưa có hướng dẫn F1 được đi học và đi làm bình thường nên TP vẫn đang tiếp tục thực hiện cách ly, quản lý F1 theo quy định. Theo bà Mai, đây là một trong những biện pháp giảm tải cho ngành y tế để giảm số ca mắc bệnh tăng và hạn chế các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết TP vẫn cách ly F1 theo quy định. Ảnh: TN

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết TP vẫn cách ly F1 theo quy định. Ảnh: TN

Theo định nghĩa F1 do Bộ Y tế ban hành, người tiếp xúc gần (F1) là một trong số các trường hợp sau:

+ Người có tiếp xúc cơ thể trực tiếp (bắt tay, ôm, hôn, tiếp xúc trực tiếp với da, cơ thể...) với ca bệnh xác định (F0) trong thời kỳ lây truyền của F0.

Người đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp trong vòng 2 mét hoặc trong cùng không gian hẹp, kín và tối thiểu trong thời gian 15 phút với (F0) khi đang trong thời kỳ lây truyền của F0.

Người không đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp gần trong vòng 2 mét hoặc ở trong cùng không gian hẹp, kín với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0.

Người trực tiếp chăm sóc, khám và điều trị ca bệnh xác định (F0) khi đang trong thời kỳ lây truyền của F0 mà không sử dụng đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân (PPE).

Thời kỳ lây truyền của F0 được tính từ 2 ngày trước khi khởi phát (đối với ca bệnh xác định không có triệu chứng thì thời kỳ lây truyền được tính từ 2 ngày trước ngày được lấy mẫu có kết quả xét nghiệm dương tính) cho đến khi kết quả xét nghiệm âm tính hoặc giá trị CT≥30.

F1 đã tiêm đủ ít nhất 2 liều vaccine phòng COVID-19 phải thực hiện cách ly y tế 5 ngày tại nhà, nơi lưu trú hoặc các khu vực đủ điều kiện cách ly khác do cơ quan, tổ chức, đơn vị địa phương, trường học bố trí, thiết lập kể từ ngày phơi nhiễm cuối cùng. Bên cạnh đó, thực hiện xét nghiệm virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR, test nhanh vào ngày cách ly thứ 5 do nhân viên y tế thực hiện hoặc người cách ly tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa.

Nếu kết quả âm tính thì F1 tiếp tục tự theo dõi sức khoẻ trong 5 ngày tiếp theo và nghiêm túc thực hiện 5K và thông báo cơ quan y tế để theo dõi, xét nghiệm nếu có dấu hiệu bất thường. Nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe (sốt; ho; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác; giảm hoặc mất khứu giác; đau, nhức đầu; khó thở; tiêu chảy; viêm đường hô hấp thì báo cho cơ quan y tế để theo dõi, xét nghiệm và xử trí theo quy định.

Những người chưa tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 phải thực hiện cách ly y tế 7 ngày, xét nghiệm vào ngày cách ly thứ 7. Nếu âm tính thì tiếp tục tự theo dõi sức khoẻ trong 3 ngày tiếp theo và nghiêm túc thực hiện 5K.

Nguồn: [Link nguồn]

Dư luận trái chiều xung quanh đề xuất cho F0 làm việc trực tuyến, F1 đi làm trực tiếp

Theo ý kiến của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia, trong bối cảnh F0, F1 quá nhiều, nếu không có phương án phù hợp thì sẽ thiếu lao động, ảnh hưởng đến sản xuất…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Lan ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN