TP HCM có công văn khẩn, kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương nắn đường Vành đai 4

Sự kiện: Thời sự

UBND TP HCM vừa kiến nghị "nắn" chỉnh một đoạn dài 14,7 km về phía nam 0-1.300 m tránh đường hiện hữu, giúp chi phí đầu tư đường Vành đai 4 tiết kiệm hơn 4.000 tỉ đồng.

UBND TP HCM vừa có công văn khẩn, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan tổ chức điều phối triển khai thực hiện các dự án trên toàn tuyến Vành đai 4.

Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với UBND TP HCM và các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An rà soát, điều chỉnh hướng tuyến Vành đai 4; trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh cục bộ quy hoạch đường Vành đai 4 để làm cơ sở cho các địa phương tổ chức lập, trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, quyết định chủ trương đầu tư Dự án.

Thành phố sẽ cập nhật phương án điều chỉnh cục bộ hướng tuyến trên địa bàn thành phố vào Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP HCM đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2060.

Ba phương án hướng tuyến Vành đai 4 TP HCM đoạn qua thành phố được đưa ra đánh giá, so sánh - Ảnh: Sở Giao thông vận tải TP HCM

Ba phương án hướng tuyến Vành đai 4 TP HCM đoạn qua thành phố được đưa ra đánh giá, so sánh - Ảnh: Sở Giao thông vận tải TP HCM

Trước đó, Sở Giao thông vận tải đã tham mưu UBND TP HCM 3 phương án hướng tuyến đường Vành đai 4 để giảm khối lượng và chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, giảm chi phí đầu tư Dự án.

Trong đó, phương án khả thi nhất là "nắn" chỉnh một đoạn dài 14,7 km về phía nam 0-1.300 m tránh đường hiện hữu, đoạn còn lại trùng quy hoạch. Hướng tuyến tránh xa các đường hiện hữu nên số hộ dân di dời ít nhất.

Tuyến cắt ngang qua khu quy hoạch Khu công nghiệp Tây Bắc giai đoạn 2 được quy hoạch từ năm 2007 đến nay chưa xây dựng.

Theo Sở Giao thông vận tải, việc chọn phương án này do hướng tuyến thẳng nhất, con đường ngắn nhất. Chi phí đầu tư khoảng 13.631 tỉ đồng, thấp nhất so với các phương án còn lại và đặc biệt là giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến cuộc sống ổn định của người dân.

Như vậy, so về chi phí đầu tư, phương án trên khi làm sẽ tiết kiệm gần 4.160 tỉ đồng. Phương án này cũng chỉ di dời 481 căn nhà, công trình, trong khi phương án 1 có 1.150 trường hợp, phương án 2 có 486 trường hợp.

Liên quan đến cơ chế vốn cho dự án, UBND TP HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, bố trí vốn ngân sách Trung ương tham gia thực hiện các dự án trên đường Vành đai 4 (công tác giải phóng mặt bằng và một phần chi phí xây dựng).

Theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, đường Vành dai 4 TP HCM là tuyến vành đai cao tốc, có chiều dài khoảng 199 km, quy mô 8 làn xe, đầu tư trước năm 2030.

Tuyến đường dài khoảng 199 km đi qua 5 địa phương: TP HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu; điểm đầu tại đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, điểm cuối tuyến nối trục Bắc - Nam tại khu vực cảng Hiệp Phước TP HCM.

Tháng 9-2021, Thủ tướng đã có văn bản giao các địa phương làm cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án thuộc tuyến đường này. TP HCM làm cơ quan có thẩm quyền triển khai đoạn cầu qua sông Sài Gòn - kênh Thầy Cai (gồm cầu vượt sông Sài Gòn) chiều dài 17km.

Dự án Vành đai 4 có quyết định chủ trương đầu tư vào quý II-2023, quyết định đầu tư vào quý IV-2023. Công tác tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và khởi công vào quý IV-2024. Công trình dự kiến hoàn thành vào quý I-2026.

Nguồn: [Link nguồn]

Hà Nội chuẩn bị di dời 15.000 phần mộ để xây vành đai 4

Theo thống kê, TP. Hà Nội hiện có gần 15.000 phần mộ trên địa bàn 7 quận, huyện cần phải di dời để phục vụ giải phóng mặt bằng vành đai 4.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phan Anh ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN