Tổng Thư ký QH không đồng tình với đề xuất "thu phí chia tay"

Sự kiện: Thời sự

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng đề xuất là quyền của đại biểu, nhưng cá nhân ông không đồng ý với đề xuất thu phí chia tay khi công dân Việt Nam ra nước ngoài của đại biểu Nguyễn Quốc Hưng.

Tổng Thư ký QH không đồng tình với đề xuất "thu phí chia tay" - 1

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại buổi họp báo bế mạc kỳ họp

Chiều nay 14-6, Văn phòng Quốc hội (QH) tổ chức họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 7, QH khóa XIV.

Tại cuộc họp báo, Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc đã nhận được câu hỏi: "Tại phiên thảo luận về dự luật xuất nhập cảnh vừa qua, đại biểu (ĐB) QH Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) đã đề xuất thu thêm "phí chia tay" với người dân khi xuất cảnh ra nước ngoài. QH đã tiếp thu như thế nào đối với đề xuất này. Quan điểm của cá nhân ông về đề xuất này như thế nào?".

Trả lời câu hỏi trên, Tổng Thư ký QH cho biết Luật Xuất cảnh, nhập cảnh mới chỉ trong giai đoạn cho ý kiến và đây mới chỉ là ý kiến phát biểu của một ĐBQH. Về chính thức sau này cơ quan soạn thảo tiếp thu và sẽ có trao đổi về việc này.

"Còn có tiếp thu hay không tiếp thu thì sau này QH thảo luận lần hai về dự luật này sẽ rõ. Riêng cá nhân tôi thì không đồng tình với việc thêm một loại phí cho nhân dân thế này. Cá nhân tôi nếu biểu quyết thì không đồng tình"- Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh.

Trước đó, chiều 12-3, QH thảo luận về dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Đề cập đến nghĩa vụ của công dân ra nước ngoài, ĐB Nguyễn Quốc Hưng nhấn mạnh phải dứt khoát, nói rõ trong luật là tuân thủ luật pháp nước sở tại, quy định của nhà nước Việt Nam, giữ gìn hình ảnh, bản sắc văn hoá của Việt Nam.

Tổng Thư ký QH không đồng tình với đề xuất "thu phí chia tay" - 2

ĐB Nguyễn Quốc Hưng

ĐBQH TP Hà Nội cũng đưa ra đề xuất mong muốn QH và cơ quan soạn thảo xem xét.

Ông cho hay có một số nước áp dụng chính sách visa và phí xuất nhập cảnh để điều chỉnh việc xuất nhập cảnh của công dân, có nước không khuyến khích công dân xuất cảnh thì họ áp dụng thuế, phí này.

Ông dẫn ví dụ năm 2018, QH Nhật Bản đã ban hành đạo luật thuế xuất cảnh có hiệu lực từ 7-1-2019. Theo đó, mỗi công dân Nhật Bản ra nước ngoài thì phải đóng 1 loại phí (gọi là phí chia tay), mỗi phí này là 1.000 yen/người (khoảng 9,3 USD).

"Phí này để sử dụng, thực hiện một số dự án nhằm phát triển ngành công nghiệp không khói của Nhật Bản, cũng như chính phủ Nhật Bản dự kiến hằng năm sẽ thu khoảng 400 triệu USD để hoàn thiện việc xuất nhập cảnh của công dân được tốt hơn..."- ông Hưng nói.

Ông Hưng cho rằng Việt Nam nên làm theo một số nước, khi công dân ra nước ngoài thì có trách nhiệm đóng góp một khoản tiền, gọi là phí chia tay, khoảng 3-5 USD/người khi xuất cảnh.

Số tiền này sẽ được trích một phần cho các cơ quan ngoại giao dùng để có kinh phí bảo hộ công dân Việt Nam, hỗ trợ khi công dân ra nước ngoài gặp khó khăn.

Một phần để cho xuất nhập cảnh Việt Nam đầu tư, nâng cấp máy móc kỹ thuật cũng như các việc khác để đảm bảo cho việc công dân xuất cảnh được tốt hơn, chu đáo hơn, thân thiện hơn, các chiến sĩ khi công dân xuất cảnh thì tươi cười vui vẻ, ân cần hơn đối với công dân.

Ngoài ra, dành một phần cho quỹ xúc tiến phát triển du lịch để đẩy mạnh du lịch nước nhà.

BẾ MẠC KỲ HỌP THỨ 7 QUỐC HỘI KHÓA XIV

Chiều ngày, 14-6, tại Hội trường Diên Hồng, nhà QH, QH khóa XIV đã tiến hành bế mạc kỳ họp thứ 7 dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân.

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ sau 20 ngày làm việc với tinh thần dân chủ, nghiêm túc và trách nhiệm, QH khóa XIV đã hoàn thành toàn bộ chương trình làm việc của kỳ họp thứ 7 với nhiều nội dung trên tất cả các lĩnh vực: lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Các luật, nghị quyết được QH xem xét một cách thận trọng, kỹ lưỡng, đã cân nhắc đến từng phương án và được thông qua với sự đồng thuận cao. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Tại kỳ họp này, QH đã thông qua 7 luật: Luật Giáo dục; Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế; Luật Đầu tư công; Luật Thi hành án hình sự; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ.

Cho ý kiến 9 dự án luật: Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật Thư viện; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước; Bộ Luật Lao động (sửa đổi).

Thông qua 10 nghị quyết: Nghị quyết gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017; Nghị quyết bổ sung một điều vào Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 24-11-2014 của QH về việc thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 7, QH khóa XIV; Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; Nghị quyết về Chương trình giám sát của QH năm 2020; Nghị quyết thành lập đoàn giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em"; Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và Nghị quyết kỳ họp thứ 7, QH khóa XIV.

Xem xét báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018 và tình hình triển khai thực hiện những tháng đầu năm 2019; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6 và các báo cáo khác của cơ quan, tổ chức hữu quan theo nội dung, chương trình kỳ họp.

QH giao Chính phủ khẩn trương sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trong đó, cần tăng chế tài, xử phạt nghiêm các trường hợp sử dụng ma túy, rượu, bia, chất kích thích khác khi điều khiển phương tiện giao thông.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng: Thu phí chia tay là để bảo vệ công dân và cán bộ tươi cười!

Trả lời báo chí, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hưng giải thích việc ông đề xuất thu "phí chia tay" 3 đến 5 USD...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Văn Duẩn ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN