Tổng cục Thuế: Cần xác minh rõ thông tin đề cập tại "Hồ sơ Panama"

Ngày 9/5, Hiệp hội Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đã đăng tải lên mạng một phần bộ dữ liệu mật trong vụ rò rỉ "Hồ sơ Panama", bao gồm thông tin liên quan tới hơn 200.000 thực thể tại nước ngoài do công ty luật Mossack Fonseca thành lập và điều hành.

Theo dữ liệu hồ sơ Panama vừa công bố trên, đã chỉ rõ từng cá nhân, doanh nghiệp có liên quan tới vụ việc này, trong đó có đề cập tới 189 cá nhân có liên quan tại Việt Nam .

Trước thông tin này, ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, hồ sơ vừa được công bố chỉ là những thông tin ban đầu, cần có xác minh rõ ràng. Hiện, ngành thuế chưa thể đưa ra những đánh giá hay nhận định nào cụ thể.

“Đây là vấn đề không chỉ riêng của ngành thuế mà cần sự tham gia của nhiều bộ, ngành liên quan thậm chí cả cơ quan quốc tế”, ông Nguyễn Đại Trí nói.

Liên quan tới vấn đề này, trên quan điểm cá nhân ông Vũ Tiến Dũng, đại diện Đại lý thuế Tâm Việt, chuyên gia trong lĩnh vực thuế cho rằng, nếu chỉ dựa trên những thông tin đưa ra trong hồ sơ Panama không tổ chức, cơ quan nào có thể khẳng định ngay dữ liệu này là đúng hay sai? Trước thông tin, mỗi cá nhân, tổ chức có tên trong danh sách sẽ có những phản ứng khác nhau.

Theo ông Vũ Tiến Dũng, hiện chỉ có những người có tên trong danh sách mới có thể xác định chính xác mức độ của vấn đề. Trong khi đó, để xác thực được vấn đề này, cần nhiều thời gian, chi phí, nhiều cơ quan chức năng, tổ chức quốc tế vào cuộc. Lúc này, chỉ có thể nói rằng, phụ thuộc nhiều vấn đề đạo đức của mỗi tổ chức cá nhân trước thông tin được đưa ra.

Hồ sơ Panama trở thành tâm điểm của dư luận sau vụ rò rỉ 11,5 triệu tài liệu mật của Công ty luật Fonseca ở nước này. Theo điều tra ban đầu của ICIJ, Mossack Fonseca đã tạo ra một "thiên đường trốn thuế", qua đó giúp khoảng 140 chính trị gia, gồm cả 12 nhà lãnh đạo hoặc cựu lãnh đạo các nước, cùng những ngôi sao thể thao, trùm ma túy... trốn thuế. Số tài liệu này ghi lại hoạt động hàng ngày của công ty luật Mossack Fonseca trong suốt 40 năm (từ năm 1975). Đây được xem vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất từ trước tới nay và nó hé lộ danh tính nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới có những tài sản khổng lồ ở nước ngoài, cũng như những bí mật của giới nhà giàu trên toàn thế giới. Trước vụ bê bối trốn thuế nghiêm trọng trên, Pháp đã cảnh báo sẽ đưa Panama trở lại danh sách đen các quốc gia và vùng lãnh thổ không hợp tác trong cuộc chiến chống nạn trốn thuế.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo TTXVN
Hồ sơ Panama Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN