Tin mới nhất về bé sơ sinh bị bỏ rơi cùng lá thư của mẹ

Bé gái sơ sinh bị bỏ rơi cùng bức thư "nhờ nuôi hộ" sẽ được Ban Thương binh xã hội của phường Hà Cầu (quận Hà Đông, Hà Nội) chăm sóc hoặc trao nhận con nuôi sau khi xuất viện.

Phường Hà Cầu tiếp quản

 

Bé gái sơ sinh bị bỏ rơi cùng bức thư "nhờ nuôi hộ" sau 2 ngày điều trị ở Bệnh viện đa khoa Hà Đông sức khỏe đã ổn định, môi hồng, bú tốt. Hiện cháu đang được chăm sóc tốt tại bệnh viện.

Bác sỹ Phạm Thị Thục Anh, Khoa Nhi - Bệnh viện đa khoa Hà Đông (Hà Nội) cho biết, lúc mới tiếp nhận, cháu được quấn một chiếc tã và rất sạch sẽ, rốn tươi. Bé giá nặng khoảng 2,5 kg, chỉ bị viêm da nhẹ, da bị vàng.

Về trách nhiệm của cơ quan chức năng, UBND phường Hà Cầu cho biết đã bàn giao cho Ban Thương binh xã hội của phường Hà Cầu có trách nhiệm liên hệ, xử lý về việc chăm sóc, hoặc trao nhận con nuôi đối với cháu bé sau khi xuất viện.

Trước đó, rạng sáng ngày 10/8, một người phụ nữ đã nhặt được bé gái này tại công viên trên địa bàn quận Hà Đông kèm theo 1 bức thư có nội dung là nhờ nuôi hộ; bức thư đó hiện cơ quan công an đang cất giữ .

Người phụ nữ phát hiện cháu bé bị bỏ rơi có ý định nhận cháu làm con nuôi. Tuy nhiên, trước mắt phía bệnh viện cho biết, bệnh viện chỉ có trách nhiệm chăm sóc làm sao cho cháu bé đảm bảo sức khỏe tốt, khi đủ điều kiện xuất viện, cá nhân và tập thể nào muốn xin cháu bé về nuôi thì phải liên hệ với công an và cơ quan chức năng liên quan.

Tin mới nhất về bé sơ sinh bị bỏ rơi cùng lá thư của mẹ - 1

Bé gái sơ sinh bị bỏ rơi cùng lá thư "nhờ nuôi hộ" đang được chăm sóc tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Ảnh tư liệu

Thủ tục nhận làm con nuôi như thế nào?

Người phụ nữ nhặt được bé hay cá nhân khác muốn nhận làm con nuôi phải đủ các điều kiện quy định tại điều 14 - Luật nuôi con nuôi 2010 như: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên, có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi, có tư cách đạo đức tốt.

Cá nhân người muốn nhận con nuôi không thuộc các trường hợp sau: Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên; Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh; Đang chấp hành hình phạt tù; Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của người khác…

Theo điều 15 Luật Nuôi con nuôi, trường hợp trẻ em bị bỏ rơi thì UBND cấp xã nơi phát hiện trẻ em bị bỏ rơi có trách nhiệm tìm người hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng trẻ em.

Nếu có người nhận trẻ làm con nuôi thì UBND cấp xã nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật. Nếu không có người nhận trẻ làm con nuôi thì lập hồ sơ đưa trẻ vào cơ sở nuôi dưỡng.

Thành phần hồ sơ của người nhận nuôi con nuôi bao gồm:

1. Đơn xin nhận con nuôi theo mẫu quy định; (Bản chính)

2. Hộ chiếu/Chứng minh nhân dân hoặc giầy tờ có giá trị thay thế; (Bảo sao)

3. Phiếu lý lịch tư pháp; (Bản chính, được cấp chưa quá 06 tháng)

4. Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân (Bản sao nếu là Giấy chứng nhận kết hôn hoặc bản gốc nếu là giấy xác nhận tình trạng độc thân;

5. Giấy khám sức khỏe do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp (Bản chính, được cấp chưa quá 06 tháng);

6. Văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do UBND cấp xã/phường nơi người nhận con nuôi thường trú cấp (bản chính, được cấp chưa quá 06 tháng).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Phương (Báo Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN