Thương tâm, bé gái 2 tuổi bị máy xát gạo cán cụt chân

Sau giây phút kinh hoàng đó, người nhà vội vã đưa cháu đến trạm xá cầm máu tạm thời rồi chuyển cháu đến Bệnh viện Nhi Trung Ương với một bên chân vẫn còn lủng lẳng.

Ngày 21.10, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, tai nạn thương tâm trên xảy ra với bé gái Phương Hà Trang (Sóc Sơn, Hà Nội) cách đây 1 tuần (chiều ngày 13.10).

Các bác sĩ cho biết, sau khi bị máy xát gạo cán, người nhà vội vã đưa cháu đến trạm xá cầm máu tạm thời rồi chuyển cháu đến Bệnh viện Nhi Trung Ương với một bên chân vẫn còn lủng lẳng.

Tại đây, bé Trang nhập viện trong tình trạng nguy kịch: sốc mất máu, mạch đập yếu, không thể đo được huyết áp. Đặc biệt, vùng đùi của cháu đã bị máy xát nghiến nát đến tận bẹn.

Ngay lập tức, bé Trang được các bác sĩ tích cực hồi sức. Sau 6 tiếng cấp cứu, bé Trang đã qua cơn sốc, các bác sĩ mới phẫu thuật cho cháu.

Thương tâm, bé gái 2 tuổi bị máy xát gạo cán cụt chân - 1

Bé trang phải cắt cụt hoàn toàn chân phải

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Tuấn Anh, chuyên khoa Chỉnh hình Nhi, Bệnh viện Nhi Trung ương, người trực tiếp thực hiện ca mổ cho biết, đây là một trong những trường hợp chấn thương rất nghiêm trọng. Cháu Trang bị gãy xương, đứt mạch, vùng đùi dập nát chỉ còn dính lại vạt da và cơ ở 1/3 sau đùi.

Do dó, các bác sĩ buộc phải cắt hoàn toàn chân bị thương để bảo toàn tính mạng cho cháu bé.

Theo bác sĩ Lê Tuấn Anh, tai nạn trong sinh hoạt với các trường hợp bệnh nhân nhỏ tuổi như cháu Trang phần lớn bắt nguồn từ sự bất cẩn của người lớn.

“Tai nạn của cháu Phương Hà Trang một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo dành cho các bậc cha mẹ, chỉ một phút lơ là của người lớn có thể khiến trẻ em phải gánh chịu những hậu quả nặng nề cả về thể chất và tinh thần”, bác sĩ Lê Tuấn Anh cho hay.

Do đó, để đề phòng những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra với trẻ, ngoài việc luôn để mắt đến các em, gia đình cần trang bị các bị kiến thức sơ cấp cứu cơ bản.

Trong trường hợp bệnh nhân bị mất máu quá nhiều, gia đình cần thực hiện một số biện pháp sơ cứu tạm thời như: Loại bỏ dị vật ở trên vết thương nếu có thể. Tuyệt đối không cố gắng loại bỏ các dị vật quá lớn hoặc đâm quá sâu.

Người nhà dùng vải sạch hoặc bông gạc băng áp chặt lên vết thương trong vòng ít nhất 20 phút (không mở ra xem máu đã ngừng chảy hay chưa).

Nếu có gãy xương thì cần nẹp cố định vết thương. Nếu máu không ngừng chảy, ép động mạch bằng cách chặn vị trí phía trên khuỷu tay và dưới nách; Chặn vị trí phía sau đầu gối, gần háng.

*Tên bệnh nhi đã được thay đổi

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN