Thực hư nhịn ăn để thanh lọc cơ thể, giảm cân

“Áp dụng phương pháp nhịn ăn 12 ngày để thanh lọc cơ thể, giảm cân là phản khoa học, gây hại cho cơ thể”, các chuyên gia y tế khẳng định.

Nhịn ăn ảnh hưởng đến tiêu hóa, đường ruột

Gần đây, trên các trang mạng xã hội chia sẻ phương pháp nhịn ăn 12 ngày để chữa bệnh như một phương pháp thanh lọc cơ thể của một bác sĩ.

Theo vị bác sĩ này, phương pháp nhịn ăn thanh lọc cơ thể dựa vào kết quả thực tế. “Chúng ta ăn uống lâu ngày nhiều dầu mỡ, hóa chất sẽ hình thành độc tố tích tụ lâu ngày trong cơ thể, sinh bệnh tật. Phương pháp này sẽ giúp thải hết độc tố, thanh lọc cơ thể”, bác sĩ N. nói.

Trong bài viết của mình, vị bác sĩ cho biết, ông đã học và hướng dẫn nhiều người áp dụng phương pháp thanh lọc cơ thể. Họ thường dùng phương pháp này mỗi năm 2 lần. Tất cả đều trẻ hơn, khỏe mạnh hồng hào hơn so với tuổi và không bao giờ bị bệnh tật.

Nói về việc lợi hay hại của phương pháp nhịn ăn thanh lọc cơ thể, các chuyên gia đều khẳng định đây là phương pháp phản khoa học.

Trao đổi với phóng viên, Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Long, Chủ tịch Hội Tiêu hóa Việt Nam cho biết, chưa có nghiên cứu khoa học chính thống nào trong nước khẳng định phương pháp nhịn ăn 12 ngày để thanh lọc cơ thể. Do đó, không thể nói được cái lợi của việc nhịn ăn đối với sức khỏe con người.

Thực hư nhịn ăn để thanh lọc cơ thể, giảm cân - 1

Nhịn ăn ảnh hưởng đến tiêu hóa, đường ruột

Giáo sư Long nhận định, nhịn ăn lâu ngày cơ thể sẽ gầy tọp. Đặc biệt, nhịn ăn ảnh hưởng đến tiêu hóa, đường ruột. Cơ thể không tiết axit ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và có thể nguy hiểm đến tính mạng.

“Nhịn ăn cơ thể bị suy kiệt sức khỏe, bệnh tật đầy mình, nguy hiểm đến tính mạng. Một số người còn bị rối loạn ăn uống, đau bụng, đi ngoài, táo bón, trầm cảm…”, Giáo sư Tạ Long nói.

Tìm hiểu kỹ phương pháp giảm cân

TS. Cù Thị Hậu, Nguyên Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc Gia cho biết, áp dụng phương pháp nhịn ăn 12 ngày trong thời gian đầu có thể cân nặng sẽ giảm nhưng khi ăn trở lại, cân nặng sẽ tăng và có thẻ còn tăng cân nhiều hơn trước.

TS Hậu lý giải, khi nhịn ăn, cơ thể cần tiết kiệm năng lượng và dưỡng chất nên sẽ tự hạ thấp chuyển hóa năng lượng tối thiểu cần thiết để duy trì sự sống, cơ thể giảm nhu cầu năng lượng để đáp ứng với nhu cầu ăn ít. Do đó, khi ăn trở lại có thể sẽ tăng cân nhiều hơn.

TS. Hậu cho biết, nhịn ăn để thanh lọc cơ thể, giảm cân sẽ khiến cho cơ thể không chỉ giảm khối mỡ mà còn giảm cả khối cơ và có thể cả khối xương. Cơ thể bị thiếu các vitamin và khoáng chất dẫn đến thiếu máu, loãng xương, sẽ mệt mỏi nhiều hơn.

“Muốn giảm cân phải giảm khẩu phần ăn hàng ngày bằng cách giảm năng lượng đưa vào. Tuy nhiên, năng lượng trong mỗi bữa ăn phải đảm bảo đủ chất đạm, các vitamin, khoáng chất, nước và chất xơ”, Tiến sĩ Hậu khuyên.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thị Hải, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, về mặt dinh dưỡng, bà chưa bao giờ nghe thấy phương pháp nhịn ăn để giảm cân trong mấy chục năm trở lại đây.

Bác sĩ Hải , khi áp dụng bất cứ phương pháp giảm cân nào, mọi người cũng cần tìm hiểu kỹ. Cần khám sức khỏe để chắc chắn sức khỏe tốt, không bị các bệnh như áp huyết, thiếu máu.

BS Hải khuyến cáo,  thay vì thanh lọc bằng cách nhịn ăn hoàn toàn, mọi người nên ăn một chế độ ăn “sạch”, tức là sử dụng thực phẩm sạch và cân đối các nhóm chất dinh dưỡng, ăn nhiều rau xanh, quả chín, giảm lượng thịt.

Ngoài ra, đối với những người mắc bệnh viêm phổi cấp, bệnh ác tính về máu, thiếu máu, bệnh tim, suy nhược nặng,… Người có thể trạng gầy yếu, trẻ em đang lớn…tuyệt đối không nên áp dụng bất kỳ phương pháp giảm cân nào. Nếu người khỏe mạnh muốn giảm cân, chỉ nên áp dụng vào lúc công việc không quá nhiều và không có áp lực

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN