Thực hư chuyện chữa vô sinh bằng lá cây

Thời gian gần đây, người bị bệnh vô sinh ở khắp trong Nam, ngoài Bắc đã lần tìm đến một phụ nữ người dân tộc Pa Cô ở thôn Xi La, xã Xi, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị để được chữa dứt bệnh bằng lá cây rừng. Sự thật như thế nào?

Từ TP Đông Hà, ngược lên đường số 9 khoảng 70 cây số thì gặp ngã ba Tân Long, xã Tân Long, huyện Hướng Hóa. Rẽ tay trái theo đường Lìa đầy rẫy ổ voi, ổ gà và bùn đất lầy lội, vượt 22 cây số nữa là tới địa phận xã Xi. Tại đây, hỏi bà Pỉ Dung chữa bệnh vô sinh, bà con Pa Cô đều lấp lửng: “Nhà Pỉ Dung ở gần chỗ cột điện rẽ vào. Pỉ Dung khác ở cách đó một đoạn”.

Chúng tôi tìm đến nhà bà Pỉ Dung ở chỗ gần cột điện, nhưng bà này chỉ lắc đầu. Nghĩ chưa đúng địa chỉ thì một cháu gái trong nhà nghe chuyện, bảo chúng tôi: “Dì Pỉ Dung đó, dì có lá cây uống chữa đau bụng, nhưng dì không biết nhiều tiếng Kinh đâu”.

Chúng tôi liền nhờ cháu bé làm “phiên dịch”, song câu chuyện mới bắt đầu, đã có một phụ nữ hàng xóm chạy sang giành lấy việc. Chị ta giới thiệu tên Hồ Thị Tón, khoảng 40 tuổi, nói tiếng Kinh rất sỏi. Qua chị Tón, Pỉ Dung là tên thường gọi, còn tên trong hộ khẩu là bà Hồ Thị Tèn, năm nay 60 tuổi. Bà Tèn ở một mình, không có chồng, con.

Cách đây 20 năm về trước, bà Tèn cư trú ở Lào. Trong một lần bà bị đau bụng nặng, được một cụ ông người Pa Cô (cụ ông này không có vợ, con) chữa trị bằng một phương thuốc nam. Sau đó cụ truyền bài thuốc này cho bà Tèn. Thuốc là một loại lá và củ cây rừng, đặc biệt cây thuốc này có giống đực và cái. Lúc sinh sống ở xã Xi, mỗi lần thấy chị em bị đau bụng với các triệu chứng tương tự như mình năm nào, bà Tèn thường vào rừng tìm hái lá và đào củ cây này về cho uống.

Thực hư chuyện chữa vô sinh bằng lá cây - 1

Bà Hồ Thị Tèn (ngồi bên phải) và chị Tón (giữa) cùng người dân bản Xi La nói về cách chữa bệnh đau bụng ở phụ nữ bằng lá cây rừng

Sau này, bà rút ra được kinh nghiệm, phụ nữ hay bị đau quặn ở vùng bụng, ra khí hư ở vùng kín, kinh nguyệt khô và không đều…  cho uống thuốc trên đều lành bệnh. Bà Tèn nhận định nguyên nhân của các triệu chứng này là do bị “sâu” buồng trứng, phụ nữ như vậy thường ốm yếu, da dẻ xanh vàng và khó có con...

Hỏi, như vậy bà Tèn có khả năng chữa dứt bệnh vô sinh bằng phương thuốc này không? Chị Tón cười nửa miệng: “Về vô sinh thì bà con bản mình mới nghe. Từ sau khi có nhà báo tìm đến đây hỏi và rồi người trong Nam, ngoài Bắc cũng tìm về đây, yêu cầu được chữa bệnh này”. Chị Tón giải thích cặn kẽ rằng, khi có nhiều người dưới xuôi lên, có ngày 4 đến 5 đoàn, nói là bị bệnh vô sinh và nhờ bà Tèn giúp đỡ, chị đã nói lại cho bà Tèn nghe, thì bà bảo không biết vô sinh là gì.

Nhưng, những người tìm tới cứ khăng khăng đòi mua thuốc để uống và trả nhiều tiền. Bà Tèn buộc chị giải thích cho khách thật kỹ những gì bà nói, nhưng khách vẫn không chịu tin nên đành phải bán thuốc cho họ. Thông qua chị Tón “phiên dịch”, bà Tèn cho biết cách dùng thuốc đối với những người bị bệnh nhẹ (đau bụng ở phụ nữ) thì trộn lá cây đực và cái rồi nấu uống. Còn nặng thì ăn củ đực và cái trộn vào nhau, ăn tươi hoặc phơi khô rồi ăn...

Chúng tôi ngỏ ý muốn theo bà Tèn lên rẫy xem cây thuốc quý và sẽ trả tiền công, tiền thuốc cho bà và chị Tón. Chị Tón truyền đạt lại với bà Tèn bằng tiếng Pa Cô, hai người trao đổi hồi lâu, rồi chị Tón bảo chúng tôi phải trả trước 200.000 đồng tiền công và 600.000đồng tiền lễ. Nhưng đưa tiền xong, chị Tón hỏi lại thì bà Tèn lắc đầu từ chối...

Qua tìm hiểu lãnh đạo chính quyền, các ngành chức năng địa phương, họ đều khẳng định ở xã Xi và các xã lân cận, từ trước đến nay chưa có bất kỳ trường hợp nào hiếm muộn, vô sinh được bà Tèn chữa khỏi. Hơn nữa thực tế bà Tèn không chữa bệnh này, phương thuốc của bà chỉ thông dụng như các phương thuốc nam khác của đồng bào các dân tộc ít người ở đây, sử dụng mỗi khi khí huyết trong cơ thể nữ giới không đều, hay nhằm ổn định sức khỏe sớm sau khi sinh nở.

Ông Trần Văn Thành, Giám đốc Sở Y tế Quảng Trị bảo: “Nếu sự thật có một loại lá cây rừng chữa dứt được bệnh vô sinh, thì chúng tôi là ngành chức năng phải sớm vào cuộc để xác minh, tìm hiểu nhằm giúp những ai bị bệnh có được cơ hội tốt. Tuy nhiên, thông tin không có cơ sở này lại được một số người viết báo phao lên, làm nhiều người bệnh từ các nơi kéo về gây ảnh hưởng xấu đến ANTT địa phương...”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Bình (Công an nhân dân)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN