Thủ tướng: Chậm xử lý công chức nhũng nhiễu

“Tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức gây bức xúc trong nhân dân chậm được khắc phục”.

Sáng 21/10, báo cáo tại phiên họp Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho hay, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát. Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm từ 18,13% năm 2011 xuống còn 6,81% năm 2012, 9 tháng năm 2013 là 4,63%, dự báo cả năm khoảng 7% (kế hoạch khoảng 8%).

Năm 2011 tăng trưởng GDP đạt 6,24%, năm 2012 chỉ đạt 5,25%; năm 2013 tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 4,76%, quý II tăng 5%, quý III tăng 5,54%), cả năm ước tăng khoảng 5,4% .

Trong 9 tháng đầu năm 2013, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 10,8% và có trên 11,2 nghìn doanh nghiệp đã hoạt động trở lại.

Ít phát hiện tham nhũng

Thủ tướng cho rằng kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát nhưng chưa vững chắc. Cân đối ngân sách khó khăn, bội chi cao hơn kế hoạch. Việc thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số mặt hàng và dịch vụ thiết yếu còn chậm, chưa tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội. Hoạt động của một số tổ chức tín dụng chưa thật an toàn.

Thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán còn trầm lắng. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP không đạt kế hoạch. Hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp.

Thủ tướng chỉ ra mức nợ xấu còn cao, đến cuối tháng 8, tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng là 4,64%. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động 9 tháng tăng 12,8% so với cùng kỳ. Tăng trưởng GDP chưa đạt kế hoạch (5,4% so với kế hoạch 5,5%).

Thủ tướng: Chậm xử lý công chức nhũng nhiễu - 1

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội năm 2013, kết quả 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm (2011-2015) và nhiệm vụ 2014-2015 (Ảnh: Chinhphu.vn)

Cũng theo Thủ tướng, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu so với mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi. Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng.

Công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra hiệu quả chưa cao, ít phát hiện tham nhũng. Xử lý các vụ việc tham nhũng còn chậm.

“Tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức gây bức xúc trong nhân dân chậm được khắc phục. Lãng phí thời gian, nguồn lực còn lớn. Ý thức tiết kiệm chưa được đề cao”, Thủ tướng phát biểu.

Nâng bội chi ngân sách để phát triển và trả nợ

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, năm 2014 tập trung cao cho ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; đồng thời tranh thủ thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2013.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ đề xuất Quốc hội nâng tỷ lệ bội chi từ 4,8% lên 5,3% GDP. Dành  bội chi đầu tư, trả nợ, đảm bảo mức phát hành trái phiếu năm 2014 không thấp hơn 2013 để tái cơ cấu và phục hồi tăng trưởng. Phát hành trái phiếu trong nợ công cho phép, giới hạn an toàn.

Chỉ tiêu kế hoạch năm 2014, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 5,8%. Giá tiêu dùng tăng khoảng 7%. Kim ngạch xuất khẩu tăng 10%. Tỷ lệ nhập siêu khoảng 6%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bằng khoảng 30% GDP.

Sau phát biểu của Thủ tướng, trình bày Báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013, kế hoạch 2014, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, đa số ý kiến tán thành đề nghị tăng bội chi ngân sách để bảo đảm tăng trưởng ở mức hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên nhấn mạnh phần bội chi tăng thêm cần phải được tập trung cho chi đầu tư phát triển với danh mục công trình cụ thể và có sự giám sát chặt chẽ để bảo đảm hiệu quả cao nhất.

Theo ông Giàu, bên cạnh đó, một số ý kiến không tán thành mức bội chi ngân sách 5,3% GDP như Tờ trình, đề nghị cắt giảm triệt để chi thường xuyên, tiếp tục giữ dưới 5% GDP để bảo đảm an toàn nợ công và cân đối vĩ mô.

Về các chỉ tiêu chủ yếu, một số ý kiến đề nghị tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2014 chỉ nên ở khoảng 5,5% là mức hợp lý, tránh tạo áp lực lạm phát, bảo đảm giữ được việc làm; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng khoảng 6%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 30-31% GDP; tăng tín dụng ở mức 14-15%; đầu tư từ ngân sách tăng ít nhất 10%.

Một số ý kiến khác cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ tăng trưởng kinh tế khoảng 5,8%; nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 13-15% so với ước thực hiện năm 2013, nhập siêu tiếp tục duy trì ở mức hiện nay; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 30% GDP; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng khoảng 7%.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN