Thôn ung thư ở Hà Nội: Do thuốc sâu?

Lãnh đạo nhà máy chế tạo kết cấu thép Yên Thường phủ nhận việc xả thải gây ra bệnh ung thư ở thôn Xuân Dục (Yên Thường, Gia Lâm, Hà Nội).

Liên quan đến vụ người dân "thôn ung thư" kêu cứu, trả lời chúng tôi, ông Đặng Văn Nghĩa, Phó TGĐ công ty CP Xây lắp Điện I Hà Nội, khẳng định, quy trình sản xuất của nhà máy chế tạo kết cấu thép Yên Thường vẫn đảm bảo tiêu chuẩn môi trường.

Người dân thôn Xuân Dục và xung quanh nhà máy đang kêu cứu vì nguồn nước nhiễm bẩn. Họ cho rằng nguyên nhân là vì chất thải từ nhà máy, thưa ông?

Nhà máy chế tạo kết cấu thép Yên Thường từ trước đây là xưởng làm cơ khí. Nhà máy nằm khoảng giữa thôn Xuân Dục và Yên Khê (xã Yên Thường) và giữa cánh đồng, cách xa khu dân cư. Từ hai thôn này đến nhà máy gần 1km. Xung quanh chỉ là một bộ phận công nhân của nhà máy từ ngày xưa.

Hằng năm các cơ quan chức năng vẫn vào kiểm tra định kỳ việc đảm bảo vệ sinh môi trường. Một số cơ quan kết luận là nước nhiễm sắt. Ngoài ra không có gì vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

Thôn ung thư ở Hà Nội: Do thuốc sâu? - 1

Nhà máy thép Yên Thường

Nhưng, tôi cho rằng nước ở đâu mà chẳng nhiễm sắt đâu riêng gì các khu này? Còn nước giếng khoan từ dưới đất lên bao giờ cũng phải lọc mới dùng trong ăn uống được. Kể cả trong nội thành có nước máy, nhiều gia đình vẫn phải dùng bình lọc rồi mới đem vào sử dụng.

Nước thải của nhà máy ra môi trường là hoàn toàn không có.

Dây chuyền sản xuất với quy trình khép kín của nhà máy được xây dựng từ bao giờ, thưa ông?

Từ năm 2005. Dây chuyền sản xuất của chúng tôi là quy trình khép kín với máy móc công nghệ từ các nước tiên tiến như Đức, Pháp... Và không có chuyện cho chất thải ngấm ra ngoài.

Vậy có phải bao nhiêu năm trước, Nhà máy để nước thải ngấm tự do hay không?

Trước hay sau thì nước hóa chất của Nhà máy không phải là cái gì thừa thãi để ngấm ra ngoài cả. Và trong nhà máy có bể chứa chứ không có nước chảy ra ngoài.

Thôn ung thư ở Hà Nội: Do thuốc sâu? - 2

Cách hồ mấy trăm mét là nhà máy Nhà máy Chế tạo kết cấu thép Yên Thường

Hồi tháng 5 vừa qua, Phòng PC49 phối hợp một số cơ quan kiểm tra, kết luận nước thải vượt quá tiêu chuẩn cho phép, ông giải thích thế nào về điều này?

Mẫu nước thải này sau đó đã kết luận lại, là do cán bộ kiểm tra của PC49 lấy ở cuối nguồn đường ống nước sinh hoạt của khu tập thể quanh nhà máy chảy ra. Và mẫu nước này cho thấy không có đủ lượng ôxy trong nước chứ không phải là nhiễm độc.

Theo một lãnh đạo xã Yên Thường, Nhà máy đã từng phải bồi thường cho một nông dân vì làm chết cá của họ. Nếu không thải độc, sao lại có chuyện này?

Tôi khẳng định từ hồi tôi chịu trách nhiệm quản lý Nhà máy này, không phải bồi thường cho ai cả. Câu chuyện đó tôi có từng nghe người ta truyền miệng, xảy ra cách đây khoảng 15 năm trước. Nhưng thực hư thế nào, tôi không rõ.

Vậy ông đánh giá tại sao những khu vực ở xa hơn có thể dùng nước giếng khoan bình thường, trong khi mấy thôn lân cận phải sử dụng máy lọc ô zôn?

Chúng ta có thể thấy, xung quanh Nhà máy là đồng ruộng trồng lúa và hoa màu. Buổi chiều người trong thôn ra tưới nước, chăm bón rất đông. Mà trồng hoa màu là phải phun thuốc trừ sâu. Chính những nước tưới này ngấm ngược trở lại đất gây ô nhiễm nguồn nước của người dân.

Làng Xuân Dục, Yên Khê hay các khu xung quanh hiện chưa có nước máy sinh hoạt. Vì vậy, chúng tôi rất ủng hộ nếu các cơ quan ban ngành quan tâm cung cấp nước sạch về cho người dân ở đây.

Ông Đặng Văn Nghĩa thừa nhận trong quá trình sản xuất, Nhà máy thường gây ra tiếng ồn ào. Nhiều người xung quanh tỏ ra khó chịu, nên lãnh đạo Nhà máy đã cố gắng hạn chế làm việc vào ca đêm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Đoàn, Phó chủ tịch UBND xã Yên Thường cũng như những người dân sông xung quanh cho biết, họ chỉ yêu cầu Nhà máy tuân thủ đúng quy trình sản xuất, không xả thải ra môi trường đảm bảo nguồn nước sạch cho đời sống sinh hoạt.

Ông Ngô Đình Thụ, phó thôn Xuân Dục cho rằng cần các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra kỹ càng và sớm có giải pháp đối với nguồn nước cho người dân ở đây.

Như đã đưa tin, theo phản ánh của người dân thôn Xuân Dục (Yên Thường, Gia Lâm, Hà Nội), gần chục năm nay, nhiều người trong thôn đã lần lượt chết vì bệnh ung thư. Họ nghi ngờ, nguyên nhân là nguồn nước sinh hoạt của họ đã bị ô nhiễm nặng nề do nước thải từ Nhà máy thép Yên Thường.

Tuy nhiên, trong khi chờ đợi các cơ quan có trách nhiệm làm rõ thì hàng ngày, người dân quanh đây vẫn phải sống chung nguồn nước bẩn bằng các hệ thống bể và máy lọc nước ô zôn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trịnh Thu - Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN