Thợ khóa: Rất sợ hàng xóm... mất trộm

Mỗi lần xóm trọ có vụ phá khóa mất trộm là y như rằng mấy anh thợ sửa khóa thuê nhà trong khu vực bị công an gọi lên “hỏi thăm” còn hàng xóm nhìn mấy anh này bằng con mắt “đề cao cảnh giác”.

Quen “phục vụ công tác điều tra”

Ngõ 53 đường Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân, Hà Nội chả hiểu sao lại tập trung 20 thợ sửa khóa đến thuê nhà cùng bầu đoàn thê tử. Trong số ấy, Thiêm (cậu bé có tài mở khóa dính vào vụ định tráo bài thi tại Học viện Ngân hàng) thuộc hàng trưởng lão.

Cũng không phải bởi Thiêm nhiều tuổi, Thiêm kể: “Có quá nửa trong số thợ ở khu này do em truyền nghề, có nhiều anh nhiều tuổi hơn em nhưng vẫn gọi em là sư phụ vì em dạy nghề cho họ”. Hôm nay, xóm trọ lại nhận thêm một thành viên của “tập đoàn mở khóa” đến thuê trọ.

Chị Thanh - vợ của Long (cặp vợ chồng mới đến) nhăn nhó: “Trước em ở bên làng Định Công vì nhà em đặt chỗ sửa khóa ở cổng sân bay đường Trường Chinh, đi lại cũng gần. Nhưng đợt này chồng em sống chết đòi sang đây thuê cùng với mấy anh em bạn nghề”.

Long cười như mếu: “Ai đời, vợ tôi đang cho con bú, mấy ông dân phòng mò đến bảo: “Mày gửi con đi rồi đi gọi thằng Long về đây. Khu này vừa có vụ mở khóa trộm đồ”. Có quá mình là thằng tội phạm chuyên nghiệp”.

Thợ khóa: Rất sợ hàng xóm... mất trộm - 1

Với tất cả các loại khóa cơ, chỉ cần dụng cụ đơn giản thế này, các thợ khóa đều có thể dễ dàng mở

Khu Định Công lại nổi tiếng với tình hình an ninh không tốt bởi nơi đây đã là khu quy hoạch, người dân đã nhận tiền đền bù, chủ nhà chuyển đi nhưng nhà vẫn còn vì công trình mới chưa triển khai. Chủ nhà cho thuê “tá lả” theo kiểu vớt vát được tí nào hay tí đó nên người thuê nhà nhiều và rất lộn xộn.

Hầu như có bất cứ vụ trộm nào liên quan đến chuyện “mở khóa, trộm đồ” là thợ sửa khóa Long lại phải lên phục vụ công tác điều tra, hoặc ít nhất cũng bị các anh dân phòng đến hỏi: “Thời gian xảy ra vụ trộm đang ở đâu? Có ai làm chứng?”. Những cuộc “hành hạ” ấy kéo dài gần năm nay nên Long đã quá “oải” và quyết định đến xóm “chữa khóa” để ở cùng anh em dù phải đi xa hơn đến 3km.

Thịnh (quê Nam Định) cũng vừa chuyển đến đây tháng trước kể: “Trước đây, tôi ở bên khu Cầu Giấy, chỗ đó cũng phức tạp lắm mà mấy ông công an khu vực lại quý mình mới chết chứ”. Mỗi khi có vụ mở khóa trộm đồ nào đó, các anh công an lại nhờ Thịnh đến hiện trường để xem mức độ chuyên nghiệp của bọn trộm ra sao để có biện pháp phá án.

Thịnh cười mặt nhăn như khỉ: “Công an nhờ, ai dám chối! Mới đầu giúp các anh ấy phục vụ công tác điều tra, mình còn thấy oai mới… ngu. Sau thấy vợ kể có bà hàng xóm sang hỏi: Chú nhà cô có mấy tiền án rồi mà vụ trộm nào cũng bị công an gọi lên hỏi cung vậy? Thế có nhục không chứ?”.

Giúp người còn bị oán

Thiêm ra mặt “lãnh đạo” cười bảo: “Ở xóm thợ khóa, chỗ bọn tôi thuê thật đắc địa với nghề. Ở đối diện ngay với trụ sở Công an quận Thanh Xuân, số 58 Vũ Trọng Phụng, để tránh tiếng “chôm chỉa”. Thật không có gì “quang minh, chính đại” cho bằng?”.

Long bảo: “Nhiều lúc biết người ta cảnh giác với mình cũng đúng thôi nhưng nghĩ nó tội thân lắm ông ạ”. Rồi Long kể chuyện về bà hàng xóm trước đây của mình, nhà bà bị mất chìa khóa, nhờ Long sang giúp, sửa xong Long không dám lấy tiền bởi thao tác mở khóa khi mất chìa là thao tác đơn giản, sơ đẳng nhất của nghề này (nhiều anh cố làm ra vẻ khó khăn, phức tạp để vòi thêm tiền mà thôi). Thế rồi chỉ buổi tối hôm ấy, đi làm về Long tủi thân chảy nước mắt khi thấy chủ nhà đó đang thay ổ khóa mới (chắc sợ Long lén đánh chìa khóa khác rồi tìm cách trộm cắp)… Khổ thân!

Tuy nhiên, câu chuyện của Tùy (cậu thanh niên duy nhất chưa có vợ ở khu nhà thuê của các thợ khóa tại đây) cũng cho thấy cái nhìn “lạ” của xã hội về những người theo nghiệp này. Tùy nói chuyện với chúng tôi mà như chửi rủa cuộc đời: “Em “cưa” mấy đứa, yêu đương hẳn hoi mà chỉ vài hôm sau bỗng nhiên bị “cắt” mà không hiểu tại sao. Mãi sau em mới biết đó là mình làm nghề thợ khóa”. Tùy cao ráo, mặt phương phi... vậy mà vẫn ế vợ. Thế mới sầu đời!

Biết mình mang phận dễ bị nghi ngờ, Tùy chẳng “kén cá, chọn canh” mà tìm hiểu những cô gái chẳng sắc nước hương trời gì, miễn là ngoan. Nhưng chỉ vài ba bận đến nhà “đối tượng” chơi thì lại nhận được lệnh “giải tán”, khi gia đình nhà người yêu “chẳng may” lại biết Tùy làm nghề thợ khóa. Ôm nỗi đau khổ, Tùy bảo: “Ở cái đất Hà Nội, 1 mét vuông có 4 thằng ăn cắp thì cũng chẳng trách người ta được. Nhưng nghĩ vẫn cú. Đợt tới em về quê Ninh Bình lấy vợ cho xong, em gần 30 tuổi đầu rồi còn gì”.

(Còn nữa)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuấn Lệ (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN