Thế hệ khủng bố mới lớn lên trong nước Mỹ?

Một tuần sau vụ đánh bom kép ở giải marathon Boston, nhiều người Mỹ cảm thấy khó tin trước sự thật anh em nhà Tsarnaev không liên quan tới nhóm khủng bố nào cả, mà trước đó vẫn sống đàng hoàng, công khai như bao người dân bình thường khác.

Người Mỹ trước vẫn nghĩ rằng những kẻ khủng bố phải sống chui sống lủi, còn những người như họ thì không cần trốn tránh. Nhưng khi càng hiểu hơn về anh em nhà Tsarnaev – hai đối tượng bị cáo buộc đánh bom ở giải marathon Boston, thì suy nghĩ của họ đã đến lúc cần thay đổi. Anh em Tsarnaev không để râu như quân Taliban, dường như không mơ tưởng đến trinh nữ trên thiên đường, mà thậm chí còn có một bạn gái ở Mỹ.

Tsarnaev sống ở khu ký túc có thể coi là hiện thân của giấc mơ Mỹ. Người thanh niên Chechen đang học tại một trong ngôi trường tốt nhất ở Mỹ, nơi đào tạo rất nhiều người nổi tiếng như ngôi sao điện ảnh Matt Damon hay Ben Affleck. Nhiều người tốt nghiệp ở đây được nhận thẳng vào Havard hay Viện Công nghệ Massachesetts danh giá.

Thế hệ khủng bố mới lớn lên trong nước Mỹ? - 1

Anh em nhà Tsarnaev

Dzhokhar Tsarnaev thậm chí còn được cấp học bổng, và, như anh ta nói trên mạng, mục tiêu cuộc đời anh ta là “sự nghiệp” và “kiếm tiền”. Anh ta nói tiếng Anh trôi chảy. Anh ta uống rượu, hút thuốc, thích nhạc rap, chụp ảnh với gương mặt rạng rỡ tự hào trong bộ quần áo tốt nghiệp. Khi cảnh sát lùng sục kẻ đánh bom, anh ta bình tĩnh đi dự tiệc trong trường đại học. Bạn bè nói anh ta không khác gì người Mỹ bình thường, thậm chí còn đang tiến nhanh trên con đường làm nên câu chuyện thành công ở Mỹ. Nhưng rốt cục, một sinh viên đầy triển vọng trở thành kẻ giết người, kẻ đã đặt ba lô chứa bom ngay giữa đám đông.

Sự thay đổi đó khiến người Mỹ lo ngại hơn cả những kẻ thù như Osama bin Laden. Người Mỹ lâu nay vẫn tin rằng họ thành công hơn châu Âu trong việc giúp cộng đồng Hồi giáo hòa nhập. Về cơ bản, điều đó đúng. Điều mà người Mỹ thường sợ là người từ bên ngoài vào, chứ không phải thành viên của dân số nước mình đột nhiên quay sang chống lại đất nước. Họ tự tin rằng giấc mơ Mỹ đủ sức hấp dẫn, nên không có lý gì một người đang sống trong vùng đất của cơ hội lại muốn thực hiện âm mưu biến nước Mỹ thành ác mộng”.

Không thể hòa nhập 

Nhưng Tamerlan, anh trai của Dzhokhar, lại cảm thấy xa lạ trên đất Mỹ ngay cả khi đã có vợ con người Mỹ và bản thân cũng là tay đấm bốc thành công. “Tôi không có người bạn Mỹ nào cả. Tôi không hiểu họ”, Tamerlan từng nói.

Khi nhìn lại, có lẽ niềm tin của người Mỹ về việc giúp người nhập cư hòa nhập không chỉ là câu chuyện quốc tịch. Faisal Shahzad, người đàn ông Pakistan cố gắng đánh bom Quảng trường Thời đại năm 2010, vừa được chấp nhận thành công dân Mỹ không lâu sau khi bị phát giác. Nidal Malik Hasan, kẻ bắn chết 13 người tại căn cứ quân sự Fort Hood ở Texas cách đó 1 năm, trước đó còn là bác sĩ tâm thần trong quân đội.

Trong cuốn tiểu thuyết "The Reluctant Fundamentalist" (Kẻ chính thống bất đắc dĩ), tác giả Mohsin Hamid kể câu chuyện thành công của một nhà môi giới Phố Wall gốc Pakistan dần trở nên cực đoan sau vụ 11/9. Kết luận của Hamid là ngay cả những người đã đạt tới thành công vẫn cảm thấy bị xã hội ruồng bỏ, và chủ nghĩa khủng bố không chỉ thu hút những người không có tương lai, triển vọng.

Chỉ riêng các video và đoạn tweet không thể giải thích về suy nghĩ thực sự của những kẻ thực hiện vụ đánh bom ở Boston. Nhưng trong thời đại internet, những tư tưởng cực đoan gây ảnh hưởng tới cộng đồng người Hồi giáo ở Mỹ. “Người Hồi giáo ở Mỹ tương đối khác, nhưng không hẳn miễn nhiễm với những thông điệp cực đoan đó”, Tạp chí phố Wall trích lời báo cáo của sở cảnh sát New York năm 2007.

Bài báo trên Bưu điện Washington chỉ ra nguy cơ nước Mỹ sẽ phải đối mặt với một loại khủng bố mới, có nhiều điểm chung với những kẻ Hồi giáo châu Âu vỡ mộng giết người tại Madrid hay London dù lớn lên ở đó. “Được dạy dỗ và lớn lên ở châu Âu, những thanh niên trẻ đó vẫn cảm thấy không thuộc về châu Âu. Không thể hòa nhập, một số người quay về quê nhà để tìm kiếm một bản sắc chắc chắn hơn, khốc liệt hơn.

Liệu anh em nhà Tsarnaev có tìm kiếm một bản sắc như thế? Người anh đã trở về quê nhà Dagestan trong cả nửa năm 2012, nơi được cho là đã khiến anh ta trở nên cực đoan. Ngay cả khi họ có rất ít khái niệm về cuộc sống thường ngày ở đất nước tổ tiên, nhưng anh em nhà Tsarnaev có vẻ ngày càng nhận ra Chechnya là quê hương thực sự của mình. Có lẽ nước Mỹ nên chú ý hơn tới cộng đồng Hồi giáo đang sinh sống ở đây. Vấn đề là liệu họ có thực sự cảm thấy nước Mỹ chính là nhà mình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trúc Quỳnh (theo Spiegel) ([Tên nguồn])
Khủng bố đánh bom ở giải Marathon Boston Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN