Thanh lý Gucci - Milano: Giả còn mua nói gì lậu

Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng Thư ký Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, trên thực tế, nhiều nơi công khai bán hàng giả nhưng người tiêu dùng vẫn mua.

Ngày 7/8, người dân Thủ đô chen nhau “bẹp ruột” tại phố Đinh Lễ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) để mua sản phẩm hàng hiệu được thanh lý giảm giá. Đây là lô hàng được thanh lý sau 1 năm Sở Công thương Hà Nội công bố kết quả điều tra hoạt động trốn thuế tại cửa hàng kinh doanh hàng hiệu mang nhãn Gucci và Milano tại 63 phố Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm).

Cửa hàng này có hành vi trốn thuế và không chứng minh được nguồn gốc hàng hóa. Cơ quan chức năng đã tịch thu tất cả những sản phẩm của cửa hàng này. Số hàng hóa bị tịch thu được giám định là hàng thật, có tổng trị giá khoảng 29 tỷ đồng.

Hàng lậu nên tiêu hủy

Nhà xã hội học Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho rằng, người Hà Nội đổ xô tới phố Đinh Lễ mua “hàng hiệu” thanh lý hôm 7/8 vừa qua là những người muốn sành điệu, sính ngoại, nhưng “không chịu chơi”.

Bằng cách đó, họ muốn sở hữu những sản phẩm tươi tắn, mới mẻ, có thương hiệu mà không phải tốn nhiều tiền. Rõ ràng, họ đang mặc định cứ cái gì có xuất xứ từ nước ngoài là hay, là tốt.

Người dân biết hàng bị tịch thu do không rõ nguồn gốc mà vẫn mua, tức là họ có tâm lý thực dụng.

“Theo tôi, trong vụ việc này, nhiều người chịu ảnh hưởng của tâm lý đám đông chứ chưa chắc họ đã sính ngoại tới mức nhịn ăn để đi săn hàng hiệu giảm giá”, ông Bình nhấn mạnh.

Nói về tang vật được thanh lý, ông Bình cho rằng, hàng hóa bị tịch thu do vi phạm chế tài thì phải bị tiêu hủy hoặc chế tạo lại, nhưng họ lại đem ra bày bán công khai. Điều đó khiến mọi giá trị bị đảo lộn.

Ông Bình nói: “Dù là hàng xa xỉ nhưng một khi đã bị tịch thu thì không thể đem ra bán như vậy được. Nên nhớ đã là vi phạm pháp luật rồi thì dù đắt mấy cũng phải hủy hoặc chế tạo lại. Đem bán như thế chẳng khác nào 'đánh bùn sang ao'”.

Thanh lý Gucci - Milano: Giả còn mua nói gì lậu - 1

Người dân xếp hàng, mỏi mòn chờ đợi mua hàng hiệu trốn thuế.

Bán sung công quỹ cho khỏi lãng phí

Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng Thư ký Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam, cho rằng, hàng lậu vẫn có giá trị sử dụng, sau khi tịch thu có thể mang bán phá giá cho người dân.

“Mặt hàng nguy hại cho sức khỏe thì cần tiêu hủy, như: thuốc lá, gà lậu… Nhưng ngược lại, các đồ dân dụng khác nên mang bán sung công quỹ”, ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, cuối cùng vẫn là lựa chọn của người tiêu dùng. Trên thực tế, nhiều nơi bán công khai hàng giả nhưng người tiêu dùng vẫn mua.

Luật sư Lê Văn Kiên (Công ty Luật Ánh sáng công lý) cho biết, về nguyên tắc, cơ quan chức năng được phép bán tang vật vi phạm hành chính sung công quỹ.

Theo quy định, phải tiêu hủy một số mặt hàng tang vật vi phạm hành không có chức năng sử dụng, ví dụ như: xác động vật chết, hàng hóa hết hạn sử dụng... Một số tang vật là động vật rừng thông thường còn sống, phải thả lại nơi cư trú tự nhiên.

Với hàng hóa bán sung công quỹ, cơ quan chức năng phải kiểm định chất lượng, thời hạn sử dụng, giá trị sản phẩm...

Về nguyên tắc, hàng thanh lý sung công quỹ hay bán đấu giá đều phải có thông báo hoặc thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết. Đối với các cuộc đấu thầu lớn, cần phải có giấy mời. Nếu cơ quan chức năng không thông báo thì họ đã vi phạm quy định.

Giá cả của hàng thanh lý đương nhiên thấp hơn thị trường, vì là hàng lậu vào bằng con đường không chính ngạch, giảm chi phí vì trốn thuế...

Luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc Công ty Luật Inteco, cho rằng, thanh lý hàng lậu sung công quỹ không có nghĩa là gián tiếp đưa hàng lậu tới tay người tiêu dùng. Bản thân việc bán hàng lậu ra thị trường cũng là cách để người dân biết buôn lậu bị xử phạt như thế nào? Người buôn lậu bị phạt theo pháp luật, còn toàn bộ hàng hóa bị tịch thu bán sung công.

Theo luật sư, khi mua hàng trốn thuế, người tiêu dùng kiểm tra xem mã vạch, giấy kiểm định chất lượng, cơ sở sản xuất để biết chắc đó là hàng thật.

Sản phẩm được bán thanh lý ngày 7/8 tại phố Đinh Lễ (Hà Nội) là lô hàng do Sở Công thương Hà Nội tịch thu trong quá trình điều tra phanh phui hoạt động trốn thuế của nhãn hàng hiệu Gucci, Milano tại Việt nam.

Theo thông tin báo chí đăng tải, ngày 7/12 và ngày 9/12/2012, cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh quần áo, giày dép, đồ da nhãn hiệu Gucci, Milano tại số 63 Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm).

Qua kiểm tra đã phát hiện và tạm giữ 1.447 đôi giày, dép các loại; 5 chai nước hoa, 5.545 sản phẩm quần, áo, váy, dây lưng… 312 chiếc kính; 320 chiếc túi xách, ví…

Số hàng bị phát hiện là hàng thật 100%. Hãng từ Italia đã bay sang xác nhận không có hàng giả trong đó. Tuy nhiên, toàn bộ hóa đơn giấy tờ đều thuộc lô hàng khác.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồng Anh - Minh Quân ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN