Tham nhũng làm “quả đấm thép” tan chảy

Tập đoàn, tổng công ty nhà nước được ví là quả đấm thép. Nhưng nay những quả đấm này đang tan chảy.

Thảo luận tại hội trường Quốc hội về tình hình kinh tế- xã hội ngày 30/10, chưa đồng tình với những đánh giá thực trạng và hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, ĐB Nguyễn Văn Thịnh (Hưng Yên) nhận định: “Nếu trước đây ví tập đoàn, tổng công ty nhà nước là những cú đấm thép của nền kinh tế thì hiện nay chúng ta lại đang thất vọng bởi những quả đấm thép đang tan chảy khi họ vi phạm pháp luật gây thất thoát lớn tài sản nhà nước”

Theo Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội Lê Như Tiến, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên là do tham nhũng đang “đồng hành, đồng lõa” với lãng phí. “Quốc nạn tham nhũng làm khuynh đảo chính sách, thao túng quyền lực, tha hóa con người, giảm sút lòng tin, suy kiệt nhựa sống xã hội. Hàng chục tập đoàn, tổng công ty, hàng trăm doanh nghiệp nhà nước do tham nhũng thất thoát, do năng lực quản trị kém thì hoặc đột quỵ hoặc chết lâm sàng”, ông Tiến nói.

Cụ thể hơn, ông Tiến cũng nêu những dẫn chứng: Chưa tính các tập đoàn, tổng công ty khác, riêng Vinashin đã thất thoát 107 nghìn tỷ đồng, trên 40 nghìn tỷ nợ nước ngoài, hơn 60 nghìn tỷ nợ trong nước. Trong khi đầu tư một phòng học theo chương trình kiên cố hóa chỉ là 500 triệu đồng. Suất đầu tư 1 nhà văn hóa là 1 tỷ đồng. Nếu không thất thoát như vậy sẽ xây thêm 214 nghìn phòng học, 107 nghìn nhà văn hóa 53 nghìn trạm xá xã. Trong khi cả nước có 11 nghìn xã phường thì mỗi xã phường có thêm 20 phòng học, 10 nhà văn hóa và 5 trạm xá và chúng ta không phải lùi hạn tăng lương vì không bố trí được nguồn.

“Không thể hứa gì về xử lý nợ xấu”

Đa phần ý kiến đại biểu Quốc hội đều tỏ ra lo lắng trước tình hình nợ xấu và yêu cầu Chính phủ cần đưa ra biện pháp hiệu quả hơn nữa để khắc phục tình trạng này. Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ đầu năm đến nay, diễn biến của nợ xấu trong hệ thống ngân hàng (NH) phù hợp diễn biến kinh tế vĩ mô. Đầu năm tỷ lệ hàng tồn đọng lớn. Sau đó, tỷ lệ này dần giảm. Theo dõi thấy, tỷ lệ nợ xấu tăng trong những tháng đầu năm nhưng từ tháng 6 trở lại đây tốc độ tăng đã chậm hẳn lại. Về xử lý nợ xấu, Thống đốc khẳng định, đây là công việc không phải chỉ phụ thuộc ý chí của hệ thống NH là đủ mà phải coi đây là một nội dung của cả nền kinh tế. Phải có sự phối hợp đồng bộ của tất cả các cơ quan, lĩnh vực mới có thể xử lý được nợ xấu.

Nợ xấu nếu chỉ là của NH và DN thì thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh, trước tiên NH phải có trách nhiệm xử lý cùng DN. Nhưng riêng hàng tồn kho lớn thì đấy cũng là nợ xấu. Thống đốc cũng dẫn chứng nợ đọng trong xây dựng cơ bản hiện nay mà theo số liệu báo cáo ban đầu vẫn còn khoảng trên 90.000 tỷ thì nếu xử lý được khoản này của chính quyền địa phương các cấp thì chúng ta cũng xử lý được một khối lượng nợ xấu rất lớn. "Ngoài ra, một khối lượng lớn nợ xấu nằm trong bất động sản. Nếu chúng ta có những giải pháp để khai thông được thị trường bất động sản thì cũng góp phần xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng” ông Bình cho biết.

“Còn với tư cách là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tôi cũng không thể hứa gì về việc xử lý nợ xấu này. Đây phải là một quyết tâm chính trị của cả hệ thống chúng ta. Do vậy, chúng ta không thể đơn phương. Theo đề án chúng tôi đã trình và được Chính phủ thông qua thì đến năm 2015 sẽ đưa nợ xấu của hệ thống ngân hàng dưới 3% theo đúng thông lệ và chuẩn mực quốc tế” – Thống đốc nhận định.

Cũng tại phiên thảo luận, đa phần ý kiến đại biểu đều giữ nguyên quan điểm không nên hoãn lộ trình tăng lương khối công chức năm 2013. Thay vào đó Chính phủ nên rà soát cắt giảm đầu tư công một cách dàn trải để dành nguồn lực ưu tiên lộ trình tăng lương. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ KH- ĐT Bùi Quang Vinh, cho biết Chính phủ đã lên kế hoạch phân bổ cho từng danh mục đầu tư tới các địa phương. Theo đó, năm 2013 nguồn lực ngân sách phân bổ về địa phương là 180.000 tỷ đồng.

“Trong khi nhu cầu phát triển đầu tư tại địa phương lại rất lớn thì nguồn lực này quả thật rất hạn hẹp không đáp ứng đủ nhu cầu, nếu tiếp tục cắt giảm nữa để tăng lương thì phần đầu tư cho địa phương sẽ còn bị thu hẹp nữa”- Bộ trưởng nhận định.

 

Đề nghị dừng Thủy điện sông Tranh II để an dân:

Đại biểu Lê Phước Thanh (Quảng Nam) cho biết nếu như ban đầu Thủy điện sông Tranh II được coi là công trình tạo điều kiện giảm nghèo cho người dân địa phương thì nay nó lại đang là nguyên nhân gây bất an hàng ngày hàng giờ. “Thực tế cho thấy từ khi thủy điện vào giai đoạn tích nước đã liên tục xảy ra những trận động đất lớn. Bình quân cứ 5 ngày lại có cơn động đất, khiến người dân hoang mang ngày đêm không ngủ.Tại nhiều huyện lân cận đã diễn ra tình trạng người dân chạy khỏi nơi cư trú vì bất an” ông Thanh nói.

Từ đây, đại biểu Thanh đề nghị Chính phủ và Quốc hội chỉ đạo đặc biệt quan tâm sát sao tới những tác động của thủy điện tới tình hình địa chất nơi đây. “Trong trường hợp cấp thiết đề nghị dừng thủy điện để an dân” ông Thanh kiến nghị.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tuyết Mai-Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN