Thăm lại ngôi nhà lịch sử từng 2 lần đón Bác

Ở gian giữa ngôi nhà là một bàn thờ có ảnh Bác Hồ, lá cờ Đảng, cờ Tổ quốc và câu khẩu hiệu: “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”.

Ngôi nhà của gia đình ông Công Ngọc Dũng ngày nay và ngày xưa

Ngôi nhà của gia đình ông Công Ngọc Dũng ngày nay và ngày xưa

Thế hệ những người trực tiếp gặp Bác hai lần tại ngôi nhà thôn Phú Gia ngày ấy đều không còn. Song những hồi ức, niềm tự hào vẫn luôn được con cháu gìn giữ, lưu truyền mãi mãi.

“Cách mạng rồi, chúng mình đều là anh em…”

Từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội, trước khi vào nội thành soạn thảo “Tuyên ngôn độc lập” chuẩn bị cho ngày Quốc khánh 2/9, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dừng chân và làm việc 3 ngày (từ chiều 23/8 - 25/8/1945) tại nhà cụ Nguyễn Thị An, một cơ sở cách mạng ở thôn Phú Gia, xã Phú Thượng, Từ Liêm (nay là nhà số 6, ngõ 319, đường An Dương Vương, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội)

Sau đúng 75 năm, trong những ngày đầu tháng 8 lịch sử này, PV Báo Giao thông đã tìm đến ngôi nhà lịch sử trên. Giờ đây, thế hệ những người trực tiếp có mặt đón Bác năm xưa như cụ Nguyễn Thị An, ông Công Ngọc Kha (con trai cụ An)..., đều đã không còn. Hiện, ông Công Ngọc Dũng, chủ nhà (con trai ông Công Ngọc Kha, cháu nội cụ Nguyễn Thị An) là người đang giữ trọng trách trông nom di tích.

Bước vào sau 2 cánh cổng gỗ ghép tấm đã phai màu theo thời gian, là ngôi nhà cấp bốn truyền thống với 5 gian, 3 gian chính, 2 gian chái cổ kính. Từ trong nhà ra sân được lát cùng một loại gạch bổ (gạch bát). Trải qua gần trăm năm với những thăng trầm lịch sử nhưng nó vẫn giữ được màu của gạch nung.

Ở gian giữa ngôi nhà là một bàn thờ có ảnh Bác Hồ, lá cờ Đảng, cờ Tổ quốc và câu khẩu hiệu: “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”. Phần đất bên cạnh, gia đình ông Dũng xây dựng một ngôi nhà mới để tiện trông nom, chăm sóc và đón tiếp, hướng dẫn khách tham quan.

Những vật dụng được kê trong nhà gồm có chiếc tủ chè và chiếc sập gụ cổ, bộ tràng kỷ, tất cả đều là những kỷ vật từng phục vụ khi Bác ở và làm việc. Toàn bộ ngôi nhà đều được giữ vẹn nguyên như vốn có, kể cả cây mộc đầu hè cũng đã ngót trăm năm tuổi.

Ông Công Ngọc Dũng năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn rất khỏe mạnh, từ từ mở tủ, lấy ra cặp tài liệu buộc dây, được cất giữ rất cẩn thận. Vừa chăm chú lật tìm từng trang tư liệu, ông vừa nói: “Tôi không được trực tiếp tham gia đón Bác. Những gì tôi chia sẻ đều là những tài liệu do ông cha tôi để lại. Có nhiều người hiểu lầm tôi là người trực tiếp gặp Bác và kể lại làm tôi ngại lắm”.

Nói xong, ông Dũng tìm thấy trang viết hồi ký của ông Công Ngọc Kha lúc sinh thời. Trang viết trải qua 40 năm (năm 1980), giấy đã úa màu, dòng chữ đã phai mờ theo thời gian, nhưng hình ảnh lần đầu tiên gặp Bác trong trang viết vẫn rõ từng nét.

“Khi ấy mọi người không biết là Bác Hồ, càng không phải là một vị Chủ tịch nước”, ông Kha viết.

“Tôi còn nhớ mãi, 20h tối 23/8/1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội vừa hoàn thành được mấy ngày, tôi thay mặt UBND lâm thời xã dự họp với giới phụ nữ cứu quốc ở nhà bà Hai Vẽ thì cô em tôi đến gọi phải về ngay có khách.

Tôi và anh Lương, cán bộ xã vội vàng chạy về. Đến nhà... tôi quan sát kỹ. Người đang làm việc trên chiếc bàn nhỏ là một cụ già, mặc bộ quần áo nâu, tóc hoa râm, râu thưa, nước da ngăm đen, vóc người gầy yếu, hình như vừa qua một cơn sốt. Tôi đoán chắc đây là đồng chí thượng cấp.

Đồng chí đó xem ra bận lắm, đang chăm chú ghi ghi chép chép điều gì vào cuốn sổ tay nhỏ... Trên chiếc sập gỗ đặt giữa nhà sau chiếc bàn làm việc, tôi thấy có cả 1 chiếc mũ lá, 1 chiếc túi công tác nhỏ, chiếc gậy để tựa bên cạnh sập, chắc là hành lý của đồng chí ấy…”.

Bộ bàn ghế Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi làm việc năm 1945 đến nay vẫn được gìn giữ nguyên vẹn

Bộ bàn ghế Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi làm việc năm 1945 đến nay vẫn được gìn giữ nguyên vẹn

Cũng theo hồi ký của ông Kha, lần thứ 2 trở lại thăm ngôi nhà vào cuối năm 1946, với cương vị Chủ tịch nước, Bác đến trên một chiếc ô tô với bộ đồ ka ki trắng. Được thông báo và chuẩn bị trước, ai cũng trong tâm thế đón một nguyên thủ, một chính trị gia tôn kính.

Nhưng không ai ngờ, trở lại ngôi nhà lần này, Bác nhớ từng người một. Bác gọi ông Kha bằng tên thân thiện “chú Hai”. Bác hỏi chú Hai về sức khỏe ông cụ (Cụ Phó Trường, ông nội ông Kha), hỏi tới chiếc ao mà bác đi thể dục, hỏi tới cây mộc toả đầy hương trong sương sớm.

Khi gặp lại Bác, để tỏ lòng thành, cụ Phó Trường chắp hai tay định vái. Bác đã nhanh chân rảo bước từ trong nhà ra đỡ lấy hai tay cụ, thân thiện nói: “Không, không, bây giờ cách mạng rồi, chúng mình đều là anh em, không còn như chế độ phong kiến thực dân trước đây nữa”.

Tình nguyện hiến đất làm di tích

Ông Công Ngọc Dũng lần giở những tư liệu về Bác Hồ trong căn nhà lịch sử

Ông Công Ngọc Dũng lần giở những tư liệu về Bác Hồ trong căn nhà lịch sử

Được biết, ngôi nhà do cụ Phó lý Công Văn Trường xây dựng năm 1929, sau đó để lại cho con trai là Chánh tổng Công Ngọc Lâm. Từ năm 1929 đến năm 1941, bà Trần Thị Sáu, cán bộ đầu tiên của T.Ư Đảng cử về vùng tả ngạn Sông Hồng để xây dựng vùng an toàn khu.

Trong quá trình hoạt động, bằng những câu chuyện buôn bán thường nhật, bà Sáu tiếp cận, vận động gia đình ông Công Ngọc Lâm theo cách mạng. Ông Công Ngọc Lâm mắc bệnh hiểm nghèo mất sớm, còn lại vợ là bà Nguyễn Thị An và con trai là ông Công Ngọc Kha giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng.

Nhẹ nhàng đặt tập tài liệu và chiếc kính lão xuống bàn, xoa xoa đôi mắt khô mỏi do tuổi già, ông Dũng chia sẻ: “Đối với gia đình tôi, Bác luôn là một tấm gương cách mạng, một nhân cách lớn, một lãnh tụ giản dị, hiền hoà, gần gũi và thương dân. Sự hiện diện của Bác tại đây luôn là niềm tự hào của gia đình và dòng họ Nguyễn Công”.

Để tiếp lửa truyền thống, gia đình lấy ngày 23/8 hàng năm làm lễ kỷ niệm, quây quần con cháu, cùng kể cho nhau nghe những câu chuyện về Bác, về ông cha, những người đã hy sinh vì Tổ quốc. Bởi thế hệ sau này, 1 con trai và 2 cháu của cụ An cũng là liệt sỹ.

Cũng theo ông Dũng, sau 51 năm cách mạng tháng 8 thành công, đến năm 1996, gia đình tình nguyện hiến ngôi nhà cho Nhà nước để gìn giữ, phát triển di tích lịch sử.

Ngày 17/8/2019, TP Hà Nội chính thức công nhận ngôi nhà là di tích cách mạng, là địa điểm lưu niệm sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc. Bản thân ông Dũng cũng tự nguyện làm hướng dẫn viên.

Trong suốt khoảng thời gian 1942 - 1945, ngôi nhà trở thành nơi trú ẩn, cung cấp thực phẩm, dấu và bảo vệ cán bộ Việt Minh. Năm 1944, ông Hoàng Tùng (biệt danh Khánh) được T.Ư cử về thay ông Lê Đức Thọ phụ trách vùng an toàn khu, ông Tùng đã ở và làm việc tại đây.

Đến ngày 23/8/1945, T.Ư Đảng chọn Phú Gia, Phú Thượng làm nơi đón Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng 13 chiến sỹ từ Tân Trào, Tuyên Quang về Thủ đô.

Tại đây cũng đánh dấu sự kiện đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Đàm Quang Trung đến báo cáo Bác về tình hình kết quả cách mạng của Hà Nội và cả nước.

Sau ngày Cách mạng tháng 8, ngôi nhà này tiếp tục làm nơi liên lạc, trú ẩn của các đoàn quân phục vụ chiến tranh chống Mỹ.

Nguồn: [Link nguồn]

Thủ đô Hà Nội khác lạ trong ngày Quốc khánh 2/9

Dịp Quốc khánh 2/9 trùng thời điểm dịch COVID-19 quay trở lại, có lẽ vì thế mà người dân Thủ đô Hà Nội đón Tết Độc...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hùng ([Tên nguồn])
Ngày Quốc khánh 2/9 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN