Thách thức “tử thần" hồ Đá
Bỏ qua các biển báo nguy hiểm, nhiều bạn trẻ vẫn đến “hồ tử thần” tắm, vui chơi, câu cá… Một số đoạn rào chắn xung quanh hồ còn bị cắt bỏ.
Rạng sáng 24-11, tại hồ Đá (phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương; gần khu vực ĐHQG, quận Thủ Đức, giáp ranh giữa TP HCM và Bình Dương), người dân phát hiện một thi thể nổi giữa hồ. Đây là thi thể thứ 4 được phát hiện tại khu vực hồ Đá trong vòng 1 tháng.
Nhiều người tử nạn
Trước đó, ngày 14-11, những người dân câu cá phát hiện 1 thi thể nam thanh niên trong tình trạng phân hủy, nổi trên mặt hồ. Cũng tại khu vực này, sáng 6-11, những thợ câu hoảng hồn khi phát hiện một cô gái trẻ chới với giữa dòng nước, kêu cứu thất thanh rồi chìm xuống mặt hồ. Dù nhiều thanh niên lao xuống cứu nhưng cô gái đã không qua khỏi. Trưa 30-10, anh Lý Trí Tín (19 tuổi, ngụ quận 9) cùng nhóm công nhân 4 người bơi ra mỏm đá ở giữa hồ Đá chơi. Anh Tín không may bị nước cuốn trôi, mất tích, 2 người bạn nhảy xuống cứu nhưng bất thành. Anh Trần Minh Thiện (19 tuổi, quê Kiên Giang) kể: “Thấy Tín vùng vẫy, tôi và 1 người nữa lao ra định cứu nhưng mới bơi được nửa đường thì Tín đã chìm sâu xuống nước”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Chinh, Phó Phòng Quản lý an ninh trật tự thuộc Trung tâm Quản lý và Phát triển khu đô thị ĐHQG TP HCM, cho biết trong khoảng 5 năm trở lại đây, có khoảng 30 vụ chết đuối tại khu vực hồ Đá. Riêng năm 2016 có 5 vụ, trong đó 4 vụ xảy ra chỉ 1 tháng.
Công nhân đang thi công hàng rào chắn xung quanh khu vực bờ hồ Đá (ảnh chụp ngày 25-11)
Phớt lờ cảnh báo
Theo Trung tâm Quản lý và Phát triển khu đô thị ĐHQG TP HCM, trước tình trạng thiệt mạng liên tục tại hồ Đá, nhiều năm trước, cơ quan chức năng đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm, lập rào chắn thép gai xung quanh hồ nhưng nhiều người vẫn phớt lờ, cố ý phá rào để vào bên trong hồ. Vừa qua, trung tâm đã kết hợp cùng chính quyền địa phương vá dặm hàng rào, lắp đặt thêm nhiều biển báo, băng-rôn cảnh báo. Trung tâm cũng đề xuất tăng cường tuyên truyền bằng các loa phát thanh tại khu vực hồ Đá.
Ngoài ra, trung tâm đang xây dựng một hàng rào bằng song sắt bao bọc xung quanh hồ Đá. Hàng rào mới kiên cố sẽ được xây dọc hồ cảnh quan số 1 dài khoảng 3 km, cao khoảng 1,8 m, dự tính có thể hoàn thành trong 3-4 tháng nữa. Lực lượng chức năng sẽ cho gắn những hình ảnh tuyên truyền, biển báo cấm dọc hàng rào này nhằm tăng mức cảnh báo.
Chiều 25-11, khi chúng tôi trở lại khu vực hồ Đá, vẫn thấy rất đông học sinh, sinh viên và người dân địa phương tụ tập vui chơi, giải trí và ăn uống ngay khu vực mép hồ. Tại khu vực bờ vách đá dựng đứng, một nhóm thanh thiếu niên thi nhau nhảy xuống lòng hồ đùa giỡn hoặc thả lưới đánh cá. Khi được hỏi, sinh viên Hồ Văn Hậu (Trường ĐH Công nghệ Thông tin) nói: “Biết hồ Đá nguy hiểm nhưng sinh viên hạn hẹp về tiền bạc, khó tìm được chỗ nào thoáng mát, sạch đẹp hơn để hội họp, vui chơi. Hơn nữa, tụi em chỉ ngồi ở mép ngoài hồ, không xuống tắm nên không sao”.
Nguy hiểm Theo người dân địa phương, hồ Đá trước đây là công trường khai thác đá cung cấp cho ngành xây dựng. Sau khi bỏ hoang, nước mưa đọng lại cùng với các mạch nước ngầm chảy vào đã biến thành hồ chứa nước ngọt rộng lớn và sâu. Mỗi khu vực hồ đá có cấu tạo khác nhau, có chỗ từng là con đường vòng trôn ốc để phương tiện chở đá lên xuống, có khu vực bờ hồ là những vách đá sừng sững, có chỗ sâu tới 50 m... Ngoài ra, mép bờ hồ có các tảng đá nhọn, sắc, trơn nên nguy cơ gây tai nạn chết người. “Khi đứng ở gần bờ, nhìn nước chỉ xăm xắp đầu gối khiến người tắm chủ quan. Chỉ cần bước chân ra một chút thì có thể hụt xuống vực sâu cả chục mét, không chỗ bấu víu khiến người gặp nạn càng vùng vẫy càng chìm xuống đáy. Hơn nữa, nước hồ lạnh buốt do được bao bọc bởi những vách đá, nếu nhảy từ trên cao xuống, không va phải đá thì cũng bị chuột rút mà chết đuối” - một người dân giải thích. |