Tết Nhâm Dần, kể chuyện Thần Hổ ở miền Tây

Sự kiện: Vui xuân Quý Mão

Ngoài việc khiến người dân khiếp sợ, thì cọp (hổ) cũng là ân nhân cứu người, giúp bà con trừ đi các loài thú dữ để bảo vệ mùa màng…

Cọp làm Hương Cả

Vùng đất châu thổ Cửu Long vào vào thế kỷ XVII- XVIII còn hoang vu với những đầm lầy và rừng rậm. Công cuộc khai hoang mở cõi của lưu dân phải đối mặt với nhiều hiểm nguy, nhất là các loài thú dữ; trong đó: hổ và sấu là hai loài vật đáng sợ nhất. Thế nên mới có câu: “Cà Mau khỉ khọt trên bưng. Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um”.

Tranh thờ Ông Cọp ở Đình Tân Thành, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau.

Tranh thờ Ông Cọp ở Đình Tân Thành, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau.

Cọp được xem là chúa sơn lâm, là loài vật uy mãnh. Mỗi khi chúng kéo đến làng mạc tìm mồi là mang đến nỗi khiếp sợ cho người dân. Để sinh tồn, người dân phải tìm cách diệt cọp. Nhưng khi diệt cọp xong người ta lại lập miếu thờ, vì sợ hãi trước sức mạnh của loài thú này. Do tương quan lực lượng giữa con người và tự nhiên vào buổi đầu, nên dù diệt cọp nhưng những người dân đi khai phá vẫn phải tôn thờ nó.

Có nhiều giai thoại về cọp khiến con vật này trở nên huyền bí, linh thiêng. Một trong số đó là truyền thuyết về “cọp cả” ở Bến Tre. Truyện kể rằng: Từ khi lập làng - theo tục truyền, hễ ai được cử làm Hương Cả đều bị bệnh chết. Do đó, suốt nhiều năm, không ai dám nhận chức ấy.

Một năm nọ, có người can đảm nhận chức Hương Cả liền bị cọp vồ suýt mất mạng. Từ đó, hương chức trong làng bàn nhau, cử cọp làm Hương Cả. Hàng năm, làng đều phải làm lễ cử “Cả Cọp”, cúng một đầu heo quay và viết một tờ cử, cuộn tròn, để trong một ống tre đặt ở hốc đá, nơi cọp đã vồ ông Cả. Đúng lệ, năm nào, cọp cũng về ăn đầu heo và đổi tờ cử cũ lấy tờ cử mới.

Có thể nói ở Nam Bộ, cọp là con vật rất được người dân kiêng nể, tôn sùng xem là biểu hiện của quyền lực, sức mạnh vô hình của đấng siêu nhiên. Vì vậy cọp được thờ rất trang trọng ở hầu hết các đình, chùa, miếu với nhiều hình thức khác nhau như: tượng điêu khắc, tranh vẽ, hình ảnh…

Ở Nam Bộ ngày nay còn lưu truyền nhiều địa danh liên quan đến cọp như: đìa Cứt Cọp (Bến Tre), rạch Ông Hổ (Tiền Giang), cù lao Ông Hổ (An Giang), miếu Ông Cọp ( Cần Thơ )... Tại các đình, đền ở Nam Bộ đều có thờ cọp nhằm trấn qủy, trừ ma...

Tướng trời xuống giúp đời

Trong khi hầu hết tại các nhiều địa phương, câu chuyện thờ cọp thường gắn liền với sự tôn kính, sợ hãi; thì tại Cần Thơ, cọp lại là ân nhân của con người, giúp con người trừ các loài thú dữ để bảo vệ mùa màng.

Người dân trông coi, quét dọn miếu Ông Hổ ở phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.

Người dân trông coi, quét dọn miếu Ông Hổ ở phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.

Chuyện rằng, xưa kia ở làng Long Tuyền (phường Long Tuyền, quận Bình Thủy ngày nay) còn âm u, rừng rú, cọp đến ở rất nhiều. Trong đó, có một con cọp rằn thường phá phách, đe dọa cuộc sống người dân. Một đêm trăng nọ, mọi người nghe tiếng gầm thét dữ dội, và thấy một con cọp bạc không biết từ đâu đến đang tử chiến với cọp rằn.

Trận chiến kéo dài hơn một ngày, mà bất phân thắng bại, sau đó, cả hai đều bỏ mạng vì kiệt sức. Người làng Long Tuyền với lòng nhân ái, bao dung, lại vốn khiếp nhường, nên mang xác hai ông chôn cất.

Mấy hôm sau, có người trong làng chiêm bao thấy hai ông về báo mộng rằng, hai ông vốn là người nhà trời, phạm thiên giới nên bị đày, giờ đã mãn hạn. Hai ông bày tỏ ăn năn vì những chuyện đã gây ra với dân làng và hứa sẽ phù hộ cho dân làng phong điều vũ thuận, bình an, sung túc. Đời sống bà con từ đó trở nên ấm no. Cảm kích hai ông, dân làng đã lập miếu thờ, tục gọi miếu Ông Hổ.

Đình Bình Thủy ở Cần Thơ.

Đình Bình Thủy ở Cần Thơ.

Từ thời Pháp thuộc, cạnh miếu ông có dựng một ngôi chợ nhỏ, dần mở rộng quy mô, gọi là chợ Miễu Ông. Chợ Miễu Ông bây giờ vẫn còn. Con rạch sát Miễu Ông chạy dài vào tận Giai Xuân, huyện Phong Điền được bà con đặt tên là rạch Miễu Ông. Chiếc cầu bắc ngang con rạch, nối thông đường Bùi Hữu Nghĩa bây giờ, cũng được gọi là cầu Miễu Ông.

Ông Văn Thiết Phú, 61 tuổi, người đang trông giữ ngôi miếu này, cho biết: "Ngôi miếu có tuổi đời từ 120 năm trở lên. Bà con ở đây tín cẩn lắm, mỗi ngày đều có người lại thắp nhang. Đặc biệt, mỗi năm đáo lệ một lần là vào ngày mùng 10 tháng 5 âm lịch, miếu Ông diễn ra lễ cúng rất long trọng".

Theo lời ông Phú, không chỉ bà con xung quanh mà đông đảo bà con từ khắp các địa phương, thậm chí cả bà con kiều bào quê Bình Thủy cũng gửi lòng thành cho ngày cúng Ông.

Miếu thờ cọp trong khuôn viên đình Bình Thủy.

Miếu thờ cọp trong khuôn viên đình Bình Thủy.

Một câu chuyện huyền bí khác thì kể rằng: Ngày xưa, ở vàm ngã tư có một phụ nữ tên Bé sống một mình, chồng đi lính triều Nguyễn. Trước lúc ra đi, người chồng đứng trước một gốc đại thụ khấn xin Thành Hoàng, thổ địa bảo trợ người vợ trẻ để ông ta yên tâm làm nhiệm vụ với đất nước. Một con cọp đã tu lâu năm, tính hiền, nấp sau gốc đại thụ nghe lời khấn.

Một đêm nọ, con cọp nghe tiếng bà vợ rên rỉ đau bụng chuyển dạ đẻ đã chạy thẳng đến nhà một bà mụ (người đỡ đẻ ở quê - PV). Bà mụ đang ngủ mơ màng, mở mắt ra trông thấy con cọp sợ quá ngất xỉu. Cọp tha bà mụ đến tận cửa nhà bà Bé. Khi tỉnh dậy, bà mụ quáng quàng chạy vào nhà bà Bé và giúp hai mẹ con vượt cạn thành công.

Sáng sớm hôm sau, khi mở cửa ra, bà mụ đã trông thấy một con heo rừng nằm chết trong sân. Trên thân heo đầy vết móng cọp. Sực nhớ diễn biến đêm qua, bà mụ biết, con cọp đã bắt heo trả lễ. Cho rằng đó là hổ thần bảo vệ dân làng, bà mụ và bà Bé cùng dựng một ngôi miếu để thờ Thần Hổ.

Nhiều ý kiến cho rằng, ngôi đình cổ Bình Thủy nổi tiếng hiện nay, được nâng cấp từ ngôi miếu cổ Long Tuyền, vốn thờ Thần Hổ. Tại đình Bình Thủy hiện nay có hai khu vực thờ cọp. Một nơi thờ ở khuôn viên đình. Ở đây cọp được thờ trong miếu.

Nơi thờ còn lại ở chánh tẩm, được thờ bởi bộ da. Bộ da cọp thờ trong chánh tẩm được cúng bằng vật phẩm tam sên; Còn miếu thờ cọp được cúng bằng một con heo trắng và xôi bánh trong các dịp Kỳ Yên…

Cọp hay Thần Hổ còn có tên gọi khác là là “Ông Ba Mươi”. Có nhiều giả thuyết khác nhau về tên gọi này, như: cọp chỉ xuất hiện vào đêm 30 âm lịch là thời điểm không có trăng để tiện việc bắt mồi.

Giả thiết khác cho rằng Vua Gia Long nhớ ơn cọp đã cứu sống mình trong cơn hoạn nạn nên ra lệnh cấm bắt, giết hổ. Nếu ai lỡ tay giết chết hổ thì bị phạt ba mươi trượng. Còn nếu bắt sống thì được thưởng ba mươi quan tiền. Cũng vì lệ này mà hổ còn được gọi là “Ông Ba Mươi”.

Nguồn: [Link nguồn]

Năm Nhâm Dần 2022, bàn về hổ trong tâm thức văn hóa của người Việt

Hổ là loài động vật có sức mạnh vô địch, vũ dũng nhưng hơi ngốc nghếch; tượng hổ để trấn áp ma tà, quỷ quái.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trần Lưu ([Tên nguồn])
Vui xuân Quý Mão Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN