Năm Nhâm Dần 2022, bàn về hổ trong tâm thức văn hóa của người Việt

Sự kiện: Vui xuân Quý Mão

Hổ là loài động vật có sức mạnh vô địch, vũ dũng nhưng hơi ngốc nghếch; tượng hổ để trấn áp ma tà, quỷ quái.

Hổ có rất nhiều ý nghĩa trong tâm thức văn hóa của người Việt. Ảnh minh họa.

Hổ có rất nhiều ý nghĩa trong tâm thức văn hóa của người Việt. Ảnh minh họa.

Hổ vũ dũng nhưng hay quên

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ – nguyên Giảng viên khoa Ngữ văn trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn, hổ còn được gọi với nhiều cái tên khác nhau như: Hùm, cọp, beo, ông kễnh, ông hầm, ông ba mươi...

Trong đời sống, hổ là loài vật ăn thịt sống, có sức mạnh vô địch nằm ở hàm răng nanh, bốn chân khỏe, lao nhanh như gió, mắt tinh, tai thính, tiếng gầm có uy vũ, có thể làm các loài khác bỏ chạy, thậm chí tê liệt thần kinh mà rơi từ trên cây xuống hoặc chết giả. Hổ thường đi săn mồi ban đêm vì có thể xác định chính xác con mồi để vồ… Nhờ những đặc tính vượt trội ấy mà hổ còn được gọi là “Chúa sơn lâm”.

Hổ thích sống ở các đồi cỏ gianh, ngại sống ở rừng tre rừng nứa vì với tốc độ vồ rất nhanh, dễ bị tre nứa chọc, cứa hoặc kẹp chặt. Đi rừng, người ta thường chặt theo bó nứa vác vai thì không bị hổ vồ từ đằng sau. Tiếng thanh nứa đánh vào nhau xoành xoạch hoặc tinh nứa cà vào nhau sen sét cũng khiến hổ bỏ đi. Tập tính hổ là “quen ăn bén mùi” nên thường hay trở về chốn con mồi cũ để bắt tiếp.

Trong tâm thức văn hóa dân gian, hổ thường vũ dũng và tàn ác nhưng cũng có tính hay quên hoặc hơi ngốc nghếch. Chính vì thế, trong các truyện ngụ ngôn, hổ thường bị các con vật yếu ớt khác như thỏ, cóc tía, khỉ, mèo, trâu… dùng trí khôn để lừa.

“Ắt đó cũng là mong muốn của người dân, vốn cũng yếu ớt trước sức mạnh của hổ nhưng trí tuệ thì vượt trội. Tuy nhiên, thỉnh thoảng người ta cũng có những câu truyện nhìn nhận hổ như là loài vật đáng thương và có tình nghĩa, biết đền ân đáp nghĩa”, ông Vĩ chia sẻ.

Trong kiến trúc cổ truyền, ông Vĩ cho hay, trước bình phong người ta thường đắp tượng hổ. Con hổ lẻ là thể hiện uy vũ để trấn áp ma tà, quỷ quái, canh giữ đền miếu hoặc lăng tẩm. Ngũ hổ là chỉ việc gìn giữ cả bốn phương đông tây nam bắc và trung ương.

Ở triều đình, quan văn mặc áo thêu phụng, quan võ mặc áo thêu hổ phù nên có câu là “văn cò, võ cọp”.

Trước đây, trong diễn xướng cung đình Huế, trò múa long hổ được tiến hành ở các lễ hội. Hiện, một số vùng ở miền Trung và Duyên hải Trung Bộ vẫn giữ được loại hình nghệ thuật này. Đây là một trình diễn vũ đạo cần bảo tồn và phát huy.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ - Nguyên Giảng viên khoa Ngữ văn (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn). Ảnh: Gia đình và xã hội.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ - Nguyên Giảng viên khoa Ngữ văn (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn). Ảnh: Gia đình và xã hội.

Bên cạnh đó, nhiều nơi ở vùng núi và chân núi thường có các phường săn hổ. Gần đây nhất, nổi tiếng là phường săn ở xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Trước Cách mạng tháng Tám, phường săn này vẫn được mời vào kinh thành Huế, thực hành săn hổ để cho nhà vua và quan lại xem.

Hiện nay, tại nhà văn hóa xã vẫn còn trương bày bộ đồ săn hổ gồm lưới, sọt và giáo mác. Vẫn còn cụ già đã từng theo phường săn ngày xưa còn sống kể chuyện săn hổ cùng cháu con. Họ săn hổ không phải để ăn thịt hay lấy xương mà mục đích là bảo vệ cuộc sống bình yên cho làng xóm, đồng thời tôi luyện lòng dũng cảm cho con người.

Nghiêm cấm tiêu thụ hổ dưới mọi hình thức

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ thông tin thêm, biết được đặc tính nhanh, mạnh, khỏe của hổ, người ta thường dùng xương hổ để nấu cao bổ dưỡng, dùng xương bánh chè hổ mài uống vì cho rằng chữa được bệnh xương khớp…

“Không rõ tác dụng có thật hay không nhưng việc giết hổ đã trở thành một vấn nạn trong việc bảo vệ sinh thái thiên nhiên.

Với pháp luật Việt Nam hiện nay, hổ đứng đầu danh sách các loài động vật bị nghiêm cấm tiêu thụ dưới mọi hình thức. Nền khoa học y khoa hiện đại đã bào chế được nhiều loại thuốc có công dụng chữa các bệnh, tâm lý dùng cao hổ chỉ là rơi rớt lại của tập tục cổ xưa, nên nghiêm cấm”, ông Vĩ nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Tại sao Tết nay không còn ý nghĩa như Tết xưa?

Tết nay và Tết xưa đều có ý nghĩa. Tuy nhiên, sự phát triển của nền kinh tế thị trường đã khiến Tết truyền thống...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Vui xuân Quý Mão Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN