Tăng giá điện: BT Vũ Đức Đam lên tiếng

"Giá điện hiện rất thấp, bán dưới giá thành thì đương nhiên nhiều ngành sản xuất tốn điện, ô nhiễm như cán thép, xi măng,… sẽ không muốn đổi mới công nghệ.

Việc này không đảm bảo công bằng cho các ngành khác…" - Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam chia sẻ về sự cần thiết của việc điều chỉnh giá điện vừa qua, tại cuộc họp báo cuối chiều 3/7.

Phải đảm bảo 3 điều kiện nếu muốn tăng giá…

Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam thì vừa qua giá điện được điều chỉnh do giá bán hiện nay quá thấp so với giá thành. Điều chỉnh giá điện ngoài việc theo cơ chế thị trường thì cũng góp phần tạo sự bình đẳng cho các ngành sản xuất, thúc đẩy các DN tập trung vào ngành tiết kiệm điện, phải đổi mới công nghệ, hướng tới một nền kinh tế hiện đại, xanh sạch… Hiện nay việc tăng giá điện trong thời điểm khó khăn có gây ra một số ý kiến trong dư luận, báo chí, nhưng là việc phải làm và cần sự chia sẻ của người dân, các DN vì mục tiêu chung nói trên. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, Chính phủ cũng đã đặt ra một số điều kiện khi muốn tăng giá điện, đó là: Phải đảm bảo công khai, minh bạch về cả giá thành, lỗ lãi, về lý do tăng, giảm,…; Phải tuân theo đúng quy định về mức tăng, thẩm quyền quyết định; và nếu tăng thì phải đảm bảo không được làm ảnh hưởng đến đối tượng nghèo, khó khăn.

Và việc điều chỉnh tăng giá điện vừa qua đã dựa trên 3 tiêu chí trên. "Chính phủ chia sẻ khó khăn với một bộ phận người tiêu dùng điện bị ảnh hưởng, nhưng cũng kêu gọi người dân, DN cần nhìn từ mục tiêu lớn và lâu dài mà chia sẻ cùng Nhà nước. Cũng theo Bộ trưởng Đam, tới đây nhiều mặt hàng thiết yếu khác cũng phải theo quy luật thị trường, để khuyến khích DN, người dân hướng tới tiêu dùng, sản xuất kinh doanh theo quy luật, không bao cấp.

Vừa qua, Bộ KH&ĐT đã trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Nghị định 132/CP về thực hiện quyền chủ sở hữu của Nhà nước đối với vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước. Thông tin về những điểm mới của nghị định này, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, nghị định này sẽ có nhiều điểm mới rất quan trọng. Thứ nhất, các DNNN sẽ buộc phải tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính trong các lĩnh vực mà nhà nước nắm giữ, còn hoạt động đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính vào những mảng nhạy cảm như bất động sản, chứng khoán, ngân hàng thì sẽ phải thoái vốn.

Tăng giá điện: BT Vũ Đức Đam lên tiếng - 1

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam: Tăng giá điện đảm bảo không gây khó khăn cho người nghèo

Thứ hai, thời gian qua các DNNN được giao tự chủ hoạt động sản xuất kinh doanh, điều đó có tác động tích cực, nhưng cũng có mặt xấu, đó là một số DNNN có các quyết định đầu tư không tốt và không được giám sát, chấn chỉnh kịp thời, để mất vốn. Tới đây, sẽ quy định rõ trách nhiệm của lãnh đạo DN trực tiếp quản lý sử dụng vốn, của Bộ Tài chính và của bộ quản lý chuyên ngành. Trong đó sẽ đặc biệt "siết" trách nhiệm của bộ quản lý chuyên ngành đối với các hoạt động toàn diện của DN, về cả tổ chức bộ máy, nhân sự. Một nét mới trong việc siết chặt quản lý vốn nhà nước tại các DNNN tới đây là sẽ "cắm" người của Bộ Tài chính (ăn lương của Bộ Tài chính) tại các DNNN để trực tiếp quản vốn.

Tăng giá điện: BT Vũ Đức Đam lên tiếng - 2

Giá điện thấp, lợi cho các ngành SXKD tốn điện như cán thép,...

Đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng

Những vấn đề trên cũng đã được Chính phủ xem xét tại phiên họp trực tuyến với 63 tỉnh thành trong hai ngày 2 và 3/7. Theo đánh giá của các thành viên Chính phủ, nhìn chung, kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2012 đã đạt được kết quả khá toàn diện, đúng hướng, đúng mục tiêu đề ra trên tất cả các mặt như kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế, bảo đảm phúc lợi, an sinh xã hội... Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cũng bày tỏ lo ngại về một số vấn đề xã hội như tình hình quá tải bệnh viện, dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, tệ nạn xã hội, tội phạm, khiếu nại tố cáo của công dân còn diễn biến phức tạp... 

Xuất phát từ tình hình thực tiễn, Chính phủ thống nhất đề ra nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành 6 tháng cuối năm là: Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, đồng thời tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô để tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững; từng bước thực hiện có kết quả chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; bảo đảm an sinh xã hội; làm tốt công tác đối ngoại; quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng...

Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện mạnh mẽ các biện pháp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Đặc biệt chú trọng lao động mất việc làm từ các DN giải thể, ngừng hoạt động, nhất là ở khu vực công nghiệp tập trung, hộ gia đình thuộc diện giải tỏa, thu hồi đất sản xuất. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cần chú trọng thực hiện hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền tạo sự đồng thuận xã hội đối với các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; chủ động cung cấp, định hướng thông tin, đối thoại về các chủ trương, chính sách, giải pháp chỉ đạo, điều hành liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công; thực hiện nghiêm quy chế phát ngôn, nhất là về các vấn đề, vụ việc nhạy cảm; bảo đảm thông tin trung thực, khách quan tạo tâm lý an tâm, củng cố niềm tin,... trong xã hội.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hải Đăng (Pháp luật & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN