Tan cửa nát nhà vì tiền ảo

Do hoàn cảnh khó khăn, muốn có thêm thu nhập, lại bị những lời dụ dỗ ngon ngọt, rất nhiều người đã không ngại vay tiền, cầm cố tài sản, giấu gia đình để tham gia kinh doanh tiền ảo kiểu đa cấp.

Vỡ mộng làm giàu

Nguyễn Thị Huế (SN 1988, quê Tân Yên, Bắc Giang) là nhân viên một cửa hàng tại Hà Nội với thu nhập khá ổn định. Tiếp xúc với nhân viên Cty cổ phần thương mại và dịch vụ Vbizpon (Cty Vbizpon), Huế được giới thiệu chỉ cần mở một tài khoản 1.000 pon tương ứng với 1.000 USD (khoảng 22 triệu đồng) sẽ được Cty trả lãi suất 2pon/ngày. Đặc biệt, nếu thành viên giới thiệu được người vào sẽ được trả phần trăm hoa hồng.

Tan cửa nát nhà vì tiền ảo - 1

 Nhân viên công ty Martdeal đang tư vấn cho phóng viên.

Chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ thời gian tới không thể đi làm nên Huế đã tham gia nhằm có thêm thu nhập. Tuy nhiên, từ khi tham gia vào kinh doanh tiền ảo theo mạng lưới đa cấp đã khiến Huế lâm vào cảnh nợ nần, vợ chồng thường xuyên mâu thuẫn. Huế cho biết, vì quá lo lắng với các khoản nợ, chị đã bị sẩy thai.

Cũng vì muốn có thêm thu nhập, chị Nguyễn Thanh Hương (SN 1972, ở TP Huế) đã nộp vào Cty Vbizpon hơn 200 triệu đồng. Vài tháng sau, chị Hương nhanh chóng vỡ mộng bởi chị không hề nhận được số tiền lãi mà Cty này hứa. Tìm đến Cty tại địa chỉ đăng ký số 21, ngõ 99 phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân và văn phòng đại diện ở phòng 502, tầng 5, tòa nhà 17T6 Hoàng Đạo Thúy (Hà Nội), chị Hương mới tá hỏa biết Vbizpon đã được Cty Martdeal mua lại. Cty Martdeal cũng có thư xin lỗi, nêu rõ “tất cả các thành viên cũ có mã tương ứng từ 20 đến 1.000 pon sẽ được cấp lại mã số đồng đều bằng nhau là 150 pon”. Lần tiếp theo, chị Hương lên Cty lại nhận được câu trả lời Martdeal đã được bán cho Cty TNHH Minh An Tâm. Giấc mộng làm giàu tiêu tan, cuộc sống gia đình chị Hương lục đục nghiêm trọng.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Hoàng (cán bộ về hưu ở quận Đống Đa, Hà Nội) cũng gia nhập Cty Vbizpon với số tiền hơn 60 triệu đồng. Sau một thời gian chờ đợi, ông lên văn phòng Cty thì nhận được câu trả lời Vbizpon đã được Martdeal mua lại. Martdeal hẹn ông một tuần sau sẽ tiếp tục chương trình trả thưởng, nhưng gần một tháng sau thứ ông Hoàng nhận được lại là một cuộc hẹn với lý do… Cty đang chờ cấp phép.

Tan cửa nát nhà vì tiền ảo - 2

 Báo cáo xác minh thông tin về hoạt động của Martdeal.vn và Vbizpon.com của Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương.

Dấu hiệu đa cấp, lừa đảo

Trong vai người muốn tham gia Cty, phóng viên Tiền Phong đến văn phòng Cty Martdeal và được Nguyễn Văn Tuyên, nhân viên của Cty tư vấn, hướng dẫn. Anh Tuyên cho biết “Martdeal đã mua lại Cty Vbizpon và ngoài những chương trình cũ của Vbizpon, Cty mới còn cung cấp thêm cho khách hàng một gian hàng trên mạng để kinh doanh thương mại điện tử”.

Theo đó, nếu muốn tham gia, khách hàng sẽ nộp số tiền tương ứng với các gói dịch vụ khác nhau và được nhận một số sản phẩm của Cty như áo thun, thẻ ATM, một bộ sách kỹ năng marketing online. Khi đã tham gia hệ thống, người nào giới thiệu được thêm thành viên mới sẽ được trích 5% tiền hoa hồng. Cùng với đó, mỗi người sẽ được nhận phần trăm hoa hồng từ số tiền bán hàng trên mạng của mình cũng như hệ thống mà mình xây dựng.

Để hiểu thêm về hoạt động kinh doanh tiền ảo, phóng viên làm việc với ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động Thương mại điện tử, Bộ Công Thương. Ông Nguyễn Hữu Tuấn khẳng định, cả 3 Cty Vbzipon, Martdeal, Minh An Tâm đều không có giấy phép đăng ký kinh doanh đa cấp cũng như thương mại điện tử và “không thể cấp phép cho họ kinh doanh như vậy”. Cả 3 Cty thực chất chỉ là một, với cùng địa điểm đăng ký kinh doanh cũng như địa chỉ văn phòng. Hoạt động của Vbizpon có dấu hiệu đa cấp, lừa đảo, từng được đăng tải công khai trên cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử của Bộ Công Thương.

Đề cập đến việc xử lý hành vi kinh doanh tiền ảo của các Cty này, ông Tuấn cho biết “hiện nay chưa có bất cứ khái niệm, quy định nào về tiền ảo vì thế mọi giao dịch bằng tiền ảo đều vô hiệu trước pháp luật”. Còn việc hoạt động thương mại điện tử trái phép thì mức phạt cao nhất cũng chỉ là 40 đến 60 triệu đồng, quá ít so với số tiền các công ty này kiếm được từ người tham gia. Đó chính là khoảng trống pháp lý rất lớn khiến nhiều người dân có hiểu biết hạn chế bị vướng vào cảnh khó khăn khi dính dáng đến tiền ảo đặc biệt là hình thức kinh doanh tiền ảo kiểu đa cấp.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn khẳng định, cả 3 Cty Vbzipon, Martdeal, Minh An Tâm đều không có giấy phép đăng ký kinh doanh đa cấp cũng như thương mại điện tử và “không thể cấp phép cho họ kinh doanh như vậy”. Cả 3 Cty thực chất chỉ là một, với cùng địa điểm đăng ký kinh doanh cũng như địa chỉ văn phòng. Hoạt động của Vbizpon có dấu hiệu đa cấp, lừa đảo, từng được đăng tải công khai trên cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử của Bộ Công Thương.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuấn Nguyễn - Xuân Ân (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN