Sự thực về bệnh “hai chân chết khô”

Như đã đưa tin về trường hợp anh Cil Ha Toàn ở Đà Lạt định trốn viện do bàn chân bị hoại tử, bác sĩ yêu cầu cắt cụt chân. Vậy đây có phải bệnh hiếm gặp và không thể chữa ngoài cắt cụt chi?

Không phải cắt cụt chi nếu phát hiện sớm

TS Lê Văn Trường, Trưởng khoa Chẩn đoán và can thiệp tim mạch BV TƯ Quân đội 108 cho biết, trường hợp hoại tử chi của chồng chị Ka Rưng là thuộc bệnh tắc động mạch chi.

Cũng theo TS Trường, viêm tắc động mạch chi khá phổ biến. Tại khoa Chẩn đoán và can thiệp tim mạch, BV TƯ Quân đội 108 hiện có gần chục bệnh nhân bị viêm tắc động mạch chi dưới đang nằm điều trị.

Trước đây mỗi tháng, khoa chỉ tiếp nhận 1- 2 bệnh nhân. Nay bệnh nhân đến nhập viện ngày càng nhiều, tăng lên cả chục lần so với trước. Điều đáng nói, hầu hết bệnh nhân đến viện trong tình trạng nặng, chân hoại tử nhiều. Với những trường hợp nhiễm độc nặng, nhiều bệnh nhân phải cắt cụt chân khẩn cấp để cứu tính mạng.

Nguyên nhân là do bệnh nhân không biết bệnh, tự chẩn đoán, thường nhầm là do bệnh cơ xương khớp, do đau thần kinh ngoại vi, hoặc do tuổi già… Trong khi đó, nếu phát hiện sớm bệnh có thể chữa khỏi.

Sự thực về bệnh “hai chân chết khô” - 1

Chi hoại tử ở các bệnh nhân đến điều trị tại Viện 108

Đi bộ để bắt bệnh

Ở giai đoạn sớm, bệnh nhân không có triệu chứng gì, sau đó xuất hiện: đau, mỏi và co cứng bắp chân, đùi, hoặc mông. Khi đi bộ phải dừng lại, ngồi nghỉ 1 lúc mới có thể tiếp tục đi được. Hiện tượng đó lặp đi lặp lại. Khoảng cách đi bộ ngắn dần chứng tỏ bệnh đang tiến triển nặng lên.

Tiếp đến, bệnh nhân đau bàn, ngón chân liên tục, kể cả khi nghỉ. Bệnh nhân thường mất ngủ, mệt mỏi vì đau chân. Da chân tái và lạnh, xuất hiện loét và hoại tử các ngón chân, có thể cả bàn chân, kèm theo cảm giác đau liên tục, thuốc giảm đau không có tác dụng.

2 phương pháp điều trị mới

TS Trường cho biết, việc điều trị viêm tắc động mạch chi rất khó khăn và dai dẳng, nhất là khi đã hoại tử và loét.

Hiện nay, hai phương pháp mới được áp dụng để điều trị cho bệnh nhân là: Can thiệp mạch (mở thông động mạch chậu-chi dưới) và phẫu thuật làm cầu nối động mạch.

Phương pháp can thiệp mạch có nhiều ưu điểm so với phẫu thuật, ngày càng được bệnh nhân chấp nhận nhiều hơn, có thể thực hiện được cho phần lớn bệnh nhân, kể cả các trường hợp bị tổn thương mạch nhỏ ở cẳng chân và bàn chân.

Sau can thiệp bệnh nhân cần chú ý: động mạch được băng ép chặt để cầm máu, bệnh nhân cần nằm tại giường 6-8 giờ. Sau 12 giờ bệnh nhân có thể ngồi dậy và đi lại nhẹ nhàng, có bất thường cần thông báo ngay.

Tuy nhiên, mở thông động mạch chậu - chi dưới không có nghĩa là bệnh đã khỏi hẳn. Động mạch có thể bị hẹp/tắc trở lại, hoặc phát sinh tổn thương mới. Cần duy trì kết quả điều trị bằng việc dùng thuốc theo đơn của bác sĩ.

Bệnh hay gặp ở nam giới. Các yếu tố thuận lợi làm cho bệnh phát triển là khí hậu lạnh và ẩm kéo dài, nghiện thuốc lá, ăn uống thiếu các vitamin, tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ, ít vận động, béo phì, tình trạng căng thẳng kéo dài về tâm và sinh lý... tác động lên thần kinh trung ương và thần kinh giao cảm, gây ra các phản ứng co thắt ở động mạch.

Cách phòng bệnh là loại bỏ các yếu tố kích thích gây có thắt mạch máu như lạnh, ẩm. Không hút thuốc. Tránh tình trạn g căng thẳng kéo dài về tâm và sinh lý. Chế độ ăn uống đầy đủ các chất và vitamin. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thúy Nga (Bee.net)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN