Sự thật và huyền thoại về phái tu Đạo Dừa "kì dị"

Đạo Dừa một hiện tượng tín ngưỡng từng được chính quyền chế độ cũ liệt vào hàng tôn giáo “kì dị” trước năm 1975. Người sáng lập ra Đạo Dừa là ông Nguyễn Thành Nam.

Lúc sinh thời, với tính tình kì lạ cùng khát vọng chính trị, ông đã thật sự khuấy động đời sống xã hội Nam Bộ trong khoảng thời gian 20 năm. Đã có lúc người ta tưởng, miền Nam Việt Nam lại có thêm một tôn giáo mới, thế nhưng càng về sau Đạo Dừa bộc lộ những hạn chế và cuối cùng chỉ dừng lại ở một quan niệm tu mang tính cá nhân trước khi chính thức tan rã.

Sự thật và huyền thoại về phái tu Đạo Dừa "kì dị" - 1

Chân dung kỹ sư hóa học Nguyễn Thành Nam- ông Đạo Dừa. Ảnh T.G

Là con của phú hộ giàu nhất vùng, Nguyễn Thành Nam được gia đình cho sang Pháp du học tự túc để sau này làm rạng danh tổ tông. Ông là một trong số ít người ở xứ Đông Dương sang trời Tây học về ngành khoa học tự nhiên thời bấy giờ. Sau bao năm “dùi mài” kinh sử, cuối cùng cũng trở về với tấm bằng kỹ sư hóa học. Dường như những kiến thức Tây học dường như là nền tảng, sau này ông nghĩ ra những quan điểm cao siêu về thời thế và quyết định con đường tu tập không giống ai của mình.

Con phú hộ sang Tây du học

Nguyễn Thành Nam (1909-1990) nguyên gốc ấp Phước Thiện, xã Phước Thạnh, Tổng Hòa Quới, quận An Hóa, tỉnh Định Tường, Mỹ Tho (nay là xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre). Tuy nhiên, dân gian biết đến ông nhiều hơn với danh nghĩa là “giáo chủ” của một tín ngưỡng tôn giáo, người ta thường gọi là ông Đạo Dừa. Nguyễn Thành Nam sinh ra trong một gia đình phú hộ giàu có nhất nhì ở tỉnh Bến Tre lúc bấy giờ, ông cụ thân sinh là Chánh tổng (có hai vợ thì Nguyễn Thành Nam là con trưởng người vợ đầu) có tiếng trong vùng. Là quan lại làm việc cho Pháp nhưng ông lại được lòng dân nhờ không thuộc diện “nợ máu” với đồng bào, ngược lại là gia đình nho giáo, biết coi trọng lễ nghĩa.

Trong số những đứa con của ông Chánh tổng thì Nguyễn Thành Nam bộc lộ bản tính thông minh nhất nên được gia đình vun đắp, cho ăn học đến nơi đến chốn. Thành Nam học tiểu học tại trường dòng dành cho quan lại ở quê, sau đó lên Sài Gòn học trung học tại trường Chasseloup Laubat (nay là trường THPT Lê Quý Đôn). Có chuyện kể rằng, ông học giỏi nên một năm vượt 2 lớp. Năm 1928, với mong muốn con mình sau này làm rạng danh tổ tông, khi chương trình tú tài kết thúc, gia đình tiếp tục cho Thành Nam sang Pháp du học ngành hóa học theo diện tự túc. Những trường hợp du học tự do ở An Nam lúc bấy giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay, chỉ có những gia đình cực kỳ giàu có hoặc quyền thế mới có “cửa”.

Những tài liệu cũ mà các ký giả chế độ cũ, cũng như tín đồ của Nguyễn Thành Nam ghi lại lúc sinh thời thì từ năm 1928-1935 ông từng học qua các trường như Pensionnatdes Lazaristes (tại Lyon), trường Saint Joseph et Sainte Maerie (tại Caen), trường Jean Baptistede la Salle (tại Rouen) và Cao đẳng hóa học Rouen. Những danh sách trường này cũng được Nguyễn Thành Nam liệt kê trong danh mục “thành tích” khi ra tranh cử Tổng thống chế độ cũ vào Năm 1967. Không ai có thể kiểm chứng độ xác thực những trường ông đã học qua, thế nhưng quan dân lúc bấy giờ đều gọi là ông kỹ sư hóa học. Ngoài chuyện học, thì thành tích ăn chơi của cậu ấm nhà Chánh tổng cũng vang xa không kém.

Dân gian có kể lại rằng, vào năm 1931, Bạch Công Tử xứ Bạc Liêu (Trần Huy Trinh) có đưa đoàn cải lương sang Pháp biểu diễn. Thông qua Bạch công tử, ông Chánh tổng có gửi lời sang hỏi thăm cậu ấm nhà mình thì được tin Nam đã bỏ học về Paris chơi, rong ruôỉ cả tháng trời mới quay lại trường. Không biết có phải do mải ăn chơi, mà việc học của Nguyễn Thành Nam bị đình trệ, thay vì 5 năm như dự tính thì phải đến 7 năm mới lấy được bằng kỹ sư.

Tuy nhiên, dường như việc học của Nguyễn Thành Nam chỉ như những chuyến rong chơi ở những nơi đắt đỏ trời Tây mà thôi, chứ thực tình ông không hề mặn mà cho lắm. Sau này về nước, ông có hồi tưởng lại với các đệ tử thế này: “Ngày nay họ (những đồng môn của ông) trở thành kỹ sư vật chất hết, chỉ có cậu Hai (ông tự xưng với đệ tử là cậu) là kỹ sư tinh thần thôi”. Có lẽ chính quan niệm đó mà sau này đã đưa Nguyễn Thành Nam vào con đường tu luyện, ngược lại niềm mong mỏi của gia đình.

Thảm bại kinh tế tìm đường đi tu

Sau 7 năm du học, ngày trở về vinh quy bái tổ, ông Chánh tổng mừng khôn xiết, cho người đưa xe hơi lên Sài Gòn làm lễ đón long trọng. Đường vào tổng Kiến Hòa lúc đó phải dùng thuyền bơi, ông cũng cho hàng đoàn thuyền nào đội lân phụng, cải lương múa hát chào mừng “cậu Hai” du học bên Tây về. Những ngày sau đó là lễ ăn uống linh đình kéo dài, quan trên, quan dưới nườm nượp đến chúc mừng, dân chúng tò mò lũ lượt đến xem mặt mũi ông “bác vật lang” ra sao. Nhìn mặt mũi khôi ngô, tuấn tú của cậu Hai, ai nấy trầm trồ rằng tương lai sẽ có một vị quan mới nối nghiệp cha mình. Thế nhưng, không như niềm mong mỏi của ông Chánh tổng, cậu con trai ưu tú lại khước từ những lời mời đi làm quan, tuyệt đối không hợp tác với Pháp mà ở nhà dài dài.

Sự thật và huyền thoại về phái tu Đạo Dừa "kì dị" - 2

Ông Hải, người em cùng cha khác mẹ với ông Đạo Dừa. Ảnh T.G

Cậu Hai bắt đầu tính chuyện làm kinh tế để chứng tỏ rằng, chuyện học hành ngành hóa học của mình không phải là vô vị. Ông đứng ra thu mua quả dừa, lập nhà máy chiết xuất dừa để làm xà bông tắm, bởi theo kiến thức của ông thì dầu dừa có tác dụng dưỡng da, lại tạo mùi sữa rất tốt cho da. Với ý tưởng này, ông nuôi tham vọng là nhà cung cấp xà phòng tắm hàng đầu ở Nam Bộ và Đông Dương, đánh bại hãng xà bông Cô Ba của Trương Văn Bền trên Sài Gòn. Thế nhưng, mọi thứ không như mong muốn, không biết do kiến thức thực tiễn của ông kỹ sư hóa học còn non tay, hay thời thế chưa đến mà ý tưởng kinh doanh cứ lụi tàn dần.

Trong khi đó ở Sài Gòn hãng xà bông Cô Ba cứ ngày một lớn mạnh, đánh bại cả những nhãn hiệu có tiếng của Pháp xuất sang, thậm chí xà bông Cô Ba còn xuất cảng sang các nước khác như Trung Quốc, Singapore, Ấn Độ. Tại bến tre, xà bông dầu dừa của Nguyễn Thành Nam dù đóng gói nhưng không thể nào cạnh tranh được ngoài thị trường được, một thời gian sau thì phá sản. Công việc kinh doanh hoàn toàn đổ bể, chán nản, gia đình buộc lấy vợ, Nguyễn Thành Nam miễn cưỡng đồng ý.

Theo lời kể của ông Nguyễn Thành Hải (77 tuổi, em cùng cha khác mẹ với Nguyễn Thành Nam), sinh thời anh trai ông không mặn mà chuyện lấy vợ, thế nhưng khi buộc phải lấy để vừa lòng cha mẹ thì cũng kén chọn như bậc vua chúa. Cậu Hai biết ở xứ Gò Công là nơi sản sinh ra những phụ nữ quý tộc, thường là thê thiếp cho vua chúa, quan lại triều đình Huế (hoàng hậu Từ Dũ, Nam Phương Hoàng hậu) nên nhất định phải chọn vợ cho mình quê gốc ở đây. Qua mai mối, ông Chánh tổng cũng tìm được cho mình người con dâu môn đăng hộ đối là Lộ Thị Nga (con của một phú hộ ở Gò Công). Trước khi cưới vợ, cậu Hai có ra một điều kiện buộc gia đình phải ưng thuận là nếu sau này có đi tu thì không được ai ngăn cản. “Anh trai tôi đã có ý định đi tu từ trước, dường như việc kinh doanh xà bông thất bại cũng là do số mệnh của ông ấy”, ông Hải nói.

Cuối năm 1935, đám cưới được tổ chức, hai năm sau Nguyễn Thành Nam có con gái đầu lòng và đây cũng là đứa con duy nhất, hiện nay người này đang định cư tại Mỹ (trong đó một người cháu cũng có bản tính thích tu thiền như ông ngoại mình). Theo những nhân chứng gần như sống cùng thời với ông Nguyễn Thành Nam thì sau khi lấy vợ tính tình bắt đầu thay đổi rõ rệt. Ông ít gần vợ con mà thường nói đến chuyện tu thiền, đến chuyện thực hư trên cõi đời bằng những lí luận cao siêu, vô hình. Ông không màng cuộc sống sung sướng nhung lụa nữa mà thường tìm cách “hành hạ” mình bằng cách nhịn đói, ăn chay trường mỗi ngày một bữa. Một ngày nọ, ông trốn nhà ra đi bảo gia đình rằng về quê vợ Gò Công chơi, nhưng thực tình âm thầm lên ngọn núi Cấm ở An Giang để tầm sư học đạo. Con đường đi tu của ông bác vật bắt đầu khai mở từ đó.

Còn nữa

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hàn Phong - An Nhàn (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN