Sự thật 1.200 bao tải tiền ở chùa Hương

Sư trụ trì chùa Hương - Thượng tọa Thích Minh Hiền cho rằng, 1.200 bao tải tiền lẻ là của Ngân hàng nông nghiệp huyện Mỹ Đức (Hà Nội), không phải của chùa Hương.

Tại cuộc họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 7/1, sư trụ trì chùa Hương - Thượng tọa Thích Minh Hiền giải thích về thông tin “mỗi mùa lễ hội, chùa Hương thu khoảng 1.200 bao tải tiền lẻ”.

Theo Thượng tọa Thích Minh Hiền, đây là số tiền của Ngân hàng Nông nghiệp huyện Mỹ Đức, Hà Nội (Chùa Hương nằm ở huyện Huyện Mỹ Đức).

Theo thông tin Thượng tọa Thích Minh Hiền được biết, số tiền trên là của người dân và tiền từ lễ hội chùa Hương được mang gửi lên ngân hàng huyện Mỹ Đức, sau đó được chuyển lên ngân hàng Trung ương. Tuy nhiên, một số báo chí lại viết rằng, 1.200 bao tiền của chùa Hương.  "Tôi không có một xu nào trong đó”, Thượng tọa cho hay.

Sự thật 1.200 bao tải tiền ở chùa Hương - 1

Sư trụ trì chùa Hương - Thượng tọa Thích Minh Hiền

Thượng tọa cũng chia sẻ, hai chữ “chùa Hương” hay bị gán ghép vào các loại hình dịch vụ, khiến người ta hiểu rằng đó là dịch vụ của chùa Hương.

Thượng tọa Thích Minh Hiền phân trần: “Thấy có khách sạn mang tên chùa Hương, có người bảo sao thầy lại kinh doanh khách sạn? Chùa cấm uống rượu sao thầy lại kinh doanh rượu mơ chùa Hương? Rồi tôi cũng bị ngộ nhận là kinh doanh xe buýt chùa Hương…”.

Cũng tại buổi giao ban báo chí, Trưởng BTC lễ hội – ông Nguyễn Văn Hậu cho biết, mỗi năm huyện thu được khoảng 80 tỷ đồng từ lễ hội chùa Hương.

Trong đó, chủ yếu từ tiền vé thăm quan 50.000 đồng/người và 1.400 đồng/người tiền thuế giá trị gia tăng từ vé đò của hành khách. Trung bình mỗi năm có 1,4 triệu khách đến dự lễ hội.

Số tiền này được dùng đầu tư xây dựng cơ bản các công trình trong chùa Hương, xử lý nguồn nước suối Yến phục vụ hành khách đi lại. Ngoài ra, mỗi năm huyện cũng phải chi ra 14 tỷ đồng cho 600 người của BTC lễ hội phục vụ suốt 3 tháng lễ hội.

Ông Nguyễn Văn Hậu cho biết thêm, lễ hội chùa Hương 2014 có nhiều đổi mới, trong đó hệ thống giao thông vào chùa Hương có thêm một tuyến mới đi theo cổng Hang Vò, nâng tổng số đường vào khu vực này lên 4 tuyến.

Tuyến đường theo cổng Hang Vò đi vào khu vực giáp đền Trình, độ dài tuyến đường này bắt đầu từ thành phố Phủ Lý tới chùa Hương dài 7km, mặt cắt 14m đổ bê tông, có hành lang hai bên.

Cũng để phục vụ lễ hội chùa Hương 2014, huyện Mỹ Đức còn đầu tư xây dựng cổng Hội Xá Hương Tích Môn với tổng mức đầu tư lên tới 11 tỷ đồng, Phổ Độ Môn với tổng đầu tư 7 tỷ đồng. Riêng Phổ Độ Môn kiểu dáng giống ngôi chùa, đặt ngay bến Thiên Trù sử dụng làm nơi kiểm soát vé.

Năm nay giá phí tham quan chùa Hương không thay đổi; cụ thể, vé thắng cảnh 50.000 đồng/người, vé đò ra vào 35.000 đồng/người. Đáng lưu ý, giá vé cáp treo tăng từ 120 nghìn đồng lên 140 nghìn đồng/vé.

Lễ hội chùa Hương chính thức khai hội vào ngày 5/2/2014 (tức 6 tháng Giêng năm Giáp Ngọ).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN