Sự tàn bạo của chế độ Apartheid ở Nam Phi
Sự tàn bạo của chế độ phân biệt chủng tộc apartheid được khắc họa qua ký ức của một nhà báo da màu từng trải qua thời kỳ này ở Nam Phi.
Nelson Mandela trở thành người anh hùng dân tộc của Nam Phi, con người vĩ đại của thế kỷ 20 vì ông là người đã đấu tranh lật đổ chế độ phân biệt chủng tộc apartheid ở Nam Phi. Nhưng có lẽ hiện nay ít người có thể hình dung được sự man rợ của chính sách phân biệt chủng tộc ở cuối thế kỷ 20 bị cả thế giới lên án này.
Trong khi Nam Phi và cả thế giới đang tiếc thương trước cái chết của người anh hùng chống phân biệt chủng tộc, nhà báo Michelle Faul, Trưởng văn phòng châu Phi của hãng thông tấn AP nhớ lại những ngày tháng đau thương mà bà và gia đình đã phải trải qua dưới chế độ apartheid trong một chuyến thăm tới Nam Phi trong một bài báo đăng tải trên AP gần đây:
“Đó là vào thập niên 1960, mẹ tôi và 3 chị em tôi là những người lai da đen sống ở Zimbabwe (hồi đó có tên gọi là Rhodesia). Một hôm bà quyết định đưa cả 3 chị em tôi tới thăm họ hàng ở Nam Phi, đất nước khét tiếng với chế độ phân biệt chủng tộc apartheid trong thời kỳ đó.
Nữ nhà báo Michelle Faul (ngoài cùng bên phải) cùng mẹ và các em lúc còn nhỏ
Mặc dù ở Rhodesia cũng có tình trạng phân biệt chủng tộc, nhưng không ở đâu mà nạn phân biệt màu da lại khủng khiếp và được thừa nhận công khai bằng luật pháp và quy định như ở Nam Phi, nơi những người da đen bị coi là những con người hạ đẳng, thậm chí không được coi là con người.
Mẹ tôi quyết định tự mình lái xe đến Nam Phi, vì hồi đó việc đi tàu hỏa của một bà mẹ đơn thân cùng 3 đứa con và rất nhiều hành lý lỉnh kỉnh là rất khó khăn. Ngoài ra việc đi tàu cũng rất bất tiện đối với người da đen, bởi khi đi đến nửa đường, chúng tôi sẽ phải chuyển sang một đoàn tàu chỉ dành riêng cho người da đen của Nam Phi.
Hành trình lái xe từ Rhodesia tới Nam Phi cũng sẽ vô cùng gian nan, bởi chúng tôi sẽ phải đi liên tục suốt nhiều giờ không nghỉ bởi các nhà trọ và khách sạn chỉ phục vụ người da trắng. Mẹ tôi cũng phải mang theo rất nhiều đồ ăn, nước uống vì bà không chấp nhận việc phải vào các nhà hàng bằng cửa sau, còn cửa trước chỉ dành riêng cho người da trắng.
Khi chúng tôi dừng lại tại một trạm xăng, người chủ ở đó đã kiên quyết không đưa chìa khóa nhà vệ sinh cho chúng tôi, với lý do rằng nhà vệ sinh công cộng đó chỉ dành cho người da trắng. Quá tức giận và bất mãn, mẹ đã ra lệnh cho 3 đứa trẻ chúng tôi tè một cách công khai ngay trước trạm xăng. Chúng tôi đã sợ hãi khóc òa nhưng vẫn phải làm theo mệnh lệnh của mẹ.
Trong những ngày đó, người ta không gọi là “người da đen” hay “người da trắng” như ngày nay. Ở Nam Phi, người da đen được gọi là “người Phi”, còn chúng tôi được gọi là “da mầu” để chỉ sắc tộc lai, còn người da trắng được gọi là “người Âu”.
Tuy nhiên ranh giới này nhiều khi không được phân biệt rõ ràng. Nam Phi có một hệ thống xác định chủng tộc rất điên rồ, trong đó họ có những biện pháp phân biệt “người Phi” hay “người Âu” rất quái gở. Chẳng hạn như nếu “hình lưỡi liềm” trên móng tay bạn ngả sang màu tím chứ không phải màu trắng, điều đó có nghĩa bạn là “người Phi”.
Ngoài ra họ còn có một phép thử để xác định chủng tộc, đó là đặt một chiếc bút chì lên trên tóc. Nếu chiếc bút chì bị giữ lại, chứng tỏ bạn thuộc chủng tộc da đen tóc xoăn, còn nếu chiếc bút chì trượt xuống, bạn có thể được coi là người da trắng.
Dưới những quy định quái gở này của chế độ apartheid, người Trung Quốc bị coi là “da mầu” mặc dù họ có tóc thẳng, trong khi đó người Nhật Bản lại được coi là da trắng.
Những người da đen muốn được xác định là “da mầu” cũng phải trải qua bài kiểm tra bút chì này: Nếu chiếc bút chì rơi ra khi bạn lắc lắc đầu, bạn có thể trở thành người da mầu.
Hàng chục ngàn người đã thay đổi chủng tộc của mình theo cách này. Đôi khi việc thay đổi chủng tộc này không phải là tự nguyện, và nó dẫn tới bi kịch gia đình ly tán nếu một người được coi là không cùng chủng tộc với các thành viên khác trong gia đình. Trong thời kỳ đó, nhiều anh em, bố mẹ, con cái đã bị chia cắt chỉ vì có màu tóc khác nhau.
Tôi nhớ mãi nỗi đau mà gia đình tôi từng phải chịu đựng khi một người dì của tôi được coi là “người da trắng”. Người bà của tôi đã nhớ lại giây phút đứa con gái do mình dứt ruột đẻ ra lạnh lùng bước qua mặt bà ở trên phố và giả vờ như không quen biết bà. Nhưng bà vẫn bảo với tôi với nỗi đau hằn sâu trong đáy mắt: “Đó là những gì dì ấy phải làm để có cuộc sống tốt đẹp hơn cho dì ấy và con cái.”
Là người da trắng, bạn sẽ được chăm sóc y tế tốt hơn, con cái bạn được phép tới trước, và bạn có thể sống bất cứ nơi nào mình muốn.
Trong khi đó, người da đen bị dồn vào các khu ổ chuột trong thành phố nếu họ có thể kiếm được việc làm ở đây. Nếu không có việc làm, những chiếc lều lụp xụp của họ sẽ bị xe ủi san bằng, và họ sẽ bị cưỡng chế trở về quê. Đó chính là cốt lõi của chính sách apartheid, hay còn gọi là “sự phân biệt”.
Tấm biển đề phòng người da đen của chính quyền apartheid Nam Phi
Những gì khiến tôi nhớ nhất chính là sự ti tiện đến ngu xuẩn của chế độ apartheid hơn là những biện pháp bạo lực dã man mà nhà nước Nam Phi áp dụng để duy trì chính sách đó.
Nếu bạn là người da trắng, bạn có thể xin được những việc làm mà người da đen không bao giờ mơ tới được. Những nghề “cao quý” nhất mà người da đen có thể làm là giáo viên (giống như mẹ tôi), y tá và bác sĩ chuyên điều trị cho người da đen, ngoài ra còn có nghề luật sư, nghề đã được Mandela lựa chọn với niềm tin rằng ông có thể dùng lý lẽ và tranh luận để chấm dứt chế độ apartheid.
Sau khi mẹ tôi kết hôn với một người da trắng, chúng tôi chuyển tới Anh. Tôi vẫn nhớ mãi chuyến tàu cập cảng Southampton. Trên chuyến tàu tới London, khi nhìn thấy những người da trắng làm công việc tay chân bình thường, tôi đã thốt lên với mẹ: “Mẹ nhìn những người Âu đang nhặt rác kìa!” Đó quả là một bất ngờ quá lớn đối với tôi.
Nhiều năm sau, khi trở lại Nam Phi với tấm hộ chiếu Anh, tôi được coi là một “người da trắng danh dự”, đồng nghĩa với việc tôi được ở trong khách sạn dành cho người da trắng, ăn trong nhà hàng của người da trắng, vào rạp chiếu phim và những địa điểm khác dành riêng cho người da trắng khi xuất trình cuốn hộ chiếu này. Tuy nhiên tôi vẫn không được phép đặt chân tới các bãi biển phân biệt chủng tộc.
Lần đầu tiên trong đời tôi phát hiện ra rằng Johannesburg không chỉ là những khu ổ chuột bẩn thỉu, trơ trọi với những mái nhà lụp xụp chật chội, mà ở đó còn có những khu vực xanh tươi dành cho người da trắng với những con đường lát gạch và vỉa hè sạch sẽ, những ngôi nhà cùng mảnh vườn tươi tốt, những hồ bơi và sân tennis sang trọng.
Những người da đen làm việc trong các cơ ngơi này phải được phép sống trong các “khu đầy tớ” ở cuối vườn, và giấy phép này phải được gắn vào cuốn “sổ thông hành” đầy tính kỳ thị chủng tộc. Nếu không có cuốn sổ này, họ sẽ phải rời khỏi khu dành cho người da trắng trước khi màn đêm buông xuống.
Về giáo dục, chính quyền phân biệt chủng tộc ở Nam Phi đã thông qua một điều luật tuyên bố ngôn ngữ Afrikaans có nguồn gốc từ tiếng Hà Lan là ngôn ngữ “tối thượng” ở đất nước này và ép buộc học sinh, sinh viên phải sử dụng nó thay cho tiếng Anh.
Phong trào phản đối “ngôn ngữ của kẻ áp bức” này đã dẫn đến cuộc nổi dậy năm 1976 ở Soweto, nơi cảnh sát Nam Phi đã nổ súng vào 15.000 sinh viên đang diễu hành hòa bình. Hình ảnh về sự dã man của chính quyền Nam Phi này đã được lan truyền trên khắp thế giới, tạo ra một bước ngoặt lịch sử dẫn tới sự sụp đổ của chế độ apartheid, mở ra thời kỳ hòa hợp dân tộc dưới sự dẫn dắt của nhà lãnh đạo Nelson Mandela.
Khi chế độ phân biệt chủng tộc đầy man rợ và tàn bạo đó sụp đổ, chúng tôi đều rất băn khoăn trước chính sách hòa hợp dân tộc và không trả thù người da trắng của Mandela. Khi người anh hùng dân tộc của Nam Phi này ra đi, chúng tôi có thể tự hào rằng mình đã thực hiện đúng tôn chỉ mà nhà lãnh đạo vĩ đại này đã đề ra, đó là “tha thứ nhưng không quên lãng”.”