Sợ Ebola, người Mỹ tự “vũ trang” bằng đồ bảo hộ
Sự lo sợ trước đại dịch Ebola tại Mỹ đã nâng lên một cấp độ hoàn toàn mới, khi vào ngày 15/10, một hành khách tại sân bay Dulles, ở Washington đã tự bảo vệ mình bằng cách mặc đồ bảo hộ kín mít khi chờ máy bay.
Người phụ nữ này đã mặc một bộ đồ bằng nhựa màu xanh trong suốt, đeo khẩu trang cùng găng tay khi ngồi chờ tại sân bay Dulles, Washington, tại thời điểm nữ y tá thứ hai tại bang Texas bị xác định nhiễm virus Ebola. Biện pháp phòng ngừa có vẻ cực đoan này cho thấy sự lo ngại về đại dịch Ebola bùng phát ngày càng gia tăng của người Mỹ.
Người phụ nữ trong trang phục bảo hộ kín mít vì lo ngại Ebola tại sân bay Dulles, Washington, Mỹ
Vào tháng trước, bệnh nhân nhiễm Ebola đầu tiên tại Mỹ Thomas Eric Duncan đã bay từ Liberia, tâm dịch Ebola tới bang Texas, Mỹ, quá cảnh qua sân bay Dulles, tuy nhiên tại thời điểm đó, các quan chức y tế cho biết Duncan không có triệu chứng nhiễm virus Ebola.
Tuy nhiên Amber Vinson, nữ y tá thứ 2 nhiễm virus Ebola tại Mỹ sau khi tham gia điều trị cho Duncan, đã xuất hiện trên chuyến bay thương mại 1143 của hãng Frontier Airlines đi từ Ohio tới Texas với dấu hiệu sốt nhẹ vào đầu tuần qua, một ngày trước khi cô thừa nhận đã tới bệnh viện với các triệu chứng nhiễm virus Ebola.
Trước đó vào hôm thứ 2, nữ y tá Amber Vinson, 29 tuổi, nữ y tá thứ 2 nhiễm Ebola tại Mỹ, đã lên chuyến bay thương mại 1143 của hãng Frontier Airlines đi từ Ohio tới Texas với dấu hiệu sốt nhẹ
Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC) xác nhận họ cho phép Vinson lên máy bay vì thân nhiệt của cô lúc ấy là 37,5 độ C, dưới ngưỡng cấm bay là 38 độ C của cơ quan này. Tuy nhiên, giám đốc của CDC Thomas Frieden cho biết, Vison cùng những người tham gia vào quá trình điều trị cho Duncan tại bệnh viện Presbyterian, ở Texas là những đối tượng có nguy cơ cao nhiễm Ebola, đáng lẽ ra họ không được phép lên máy bay.
Hiện nữ y tá Vinson, 29 tuổi đã được đưa tới điều trị tại bệnh viện Đại học Emorny ở Atlanta, bang Georgia, Mỹ. CDC đang cố liên hệ với 132 hành khách trên cùng chuyến bay với Vinson, đồng thời trấn an dư luận rằng khả năng lây nhiễm là rất thấp.
Trong khi đó 2 quan chức y tế cấp cao của Mỹ là Daniel Varga, giám đốc bệnh viện Texas, nơi 2 nữ y tá bị nhiễm virus Ebola, và Thomas Frieden, giám đốc CDC sẽ phải điều trần trước Quốc hội Mỹ vì những thất bại trong việc đối phó với virus Ebola tại Dallas, bang Texas.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC) Thomas Frieden (trái), và Giám đốc điều trị lâm sàng bệnh viện Texas Daniel Varga (phải) sẽ phải điều trần trước Quốc hội vì những thất bại trong việc đối phó với Ebola
Trước đó, tiến sĩ Varga cũng đã lên tiếng thừa nhận lỗi trong quá trình điều trị cho bệnh nhận Thomas Eric Duncan.
Ông nói: “Thật không may, trong quá trình điều trị ban đầu cho ông Duncan, mặc dù với đội ngũ bác sĩ có tay nghề cao, chúng tôi đã mắc sai lầm. Chúng tôi đã không chẩn đoán chính xác các triệu chứng của Ebola. Chúng tôi vô cùng xin lỗi.”
Bệnh nhân nhiễm Ebola đầu tiên tại Mỹ Thomas Eric Duncan đã qua đời vào ngày 8/10 vừa qua, một tuần sau khi được chẩn đoán nhiễm virus Ebola.