Sẽ chia đối tượng để thu phí ATM

Khách hàng đồng loạt tố chất lượng các cây ATM khi NHNN đang có ý định thu phí dịch vụ. Mặc dù, theo luật thị trường, có sử dụng-có trả phí, nhưng chất lượng dịch vụ ATM còn thua xa mức phí đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề xuất.

Trong khi đó, theo tính toán, mặc dù chưa thu phí nhưng số tiền “lãi” thu về từ các cây ATM đã rất khổng lồ.

Thu phí mới tốt?

NHNN đang công bố rộng rãi, lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Thông tư quy định phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa. Nếu dự thảo được thông qua, từ ngày 1.1.2013 tới đây, chủ thẻ ATM sẽ phải “gánh” thêm rất nhiều loại phí.

Theo đó, phí phát hành thẻ từ 0-100.000 đồng/thẻ; phí thường niên từ 0- 60.000 đồng/thẻ/năm. Phí in sao kê tài khoản hoặc in chứng từ vấn tin tài khoản nội mạng từ 100-500 đồng/giao dịch; ngoại mạng từ 300-800 đồng/giao dịch.

Khách hàng sẽ mất từ 0-1.000 đồng/phí dịch vụ rút tiền nội mạng, từ 1/3/2013-31/12/2013;; từ 0-2.000 đồng/giao dịch áp dụng từ 1/1/2014-31/12/2014 và từ 1/1/2015 trở đi, mức phí này từ 0-3.000 đồng/giao dịch. Phí rút tiền ngoại mạng tối đa là 3.000 đồng/giao dịch. Phí chuyển khoản tối đa là 15.000 đồng/giao dịch.

Sẽ chia đối tượng để thu phí ATM - 1

Chất lượng dịch vụ ATM ai cũng hiểu (ảnh minh họa)

Khung giá phí này, NHNN xây dựng dựa trên cơ sở đề xuất, kiến nghị dày đặc thời gian gần đây từ phía các NH và Hiệp hội thẻ với lý do: chủ thẻ cần chia sẻ chi phí đầu tư, vận hành cây ATM và để nâng cao chất lượng phục vụ.

Theo thông tin từ một cán bộ một NH lớn, để đầu tư một máy ATM mất từ 20.000– 30.000 USD. Khi vận hành, cây ATM sẽ ngốn “hàng trăm thứ tiền” như thuê địa điểm, điện, nhân công bảo hành bảo trì….Đây là hoạt động bình thường, không chỉ ở Việt Nam mà các nước khác cũng thu phí loại hình này.

Theo Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT NH BIDV Cấn Văn Lực, BIDV sẽ làm theo chỉ đạo của NHNN khi Dự thảo được ban hành. Tuy nhiên, chiến lược của BIDV là sẽ cân nhắc mức phí thích hợp cho từng đối tượng khách hàng. Điều đó có nghĩa là, không phải khách hàng nào cũng chung một mức phí như nhau.

Theo ông Lực, việc thu phí thẻ ATM là một việc cần làm. Cũng theo cam kết của ông Lực: NH đang dần hoàn thiện tiện ích hỗ trợ tốt nhất cho khách hàng, chứ không phải thu phí rồi mới cố "làm tốt".

Theo lời giải thích từ phía NH này thì việc thu phí để NH cung cấp dịch vụ được tốt hơn. Đơn cử như chuyện in hóa đơn thanh toán trước đây không thu phí, người dân in hóa đơn để nguyên không đọc, hoặc quăng luôn tại chỗ, làm cây ATM như bãi chiến trường. Khi thu phí, hiện tượng này giảm, mọi người chuyển sang xem số trên màn hình, chỉ khi nghi ngờ họ mới in.

Tuy nhiên, với khung phí đang được đề xuất trong dự thảo thì chỉ cần vấn tin trên màn hình, chủ thẻ cũng phải mất 500 đồng/giao dịch nếu là tài khoản ngoại mạng.

Thành viên HĐQT NH An Bình (ABB) Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc thu phí là nên làm. Tuy nhiên, các NH không phải chỉ kêu "lỗ", mà phải biết khẳng định vị trí, thương hiệu của NH mình trên thị trường bằng chất lượng, dịch vụ, cơ sở hạ tầng rồi mới tính đến việc thu phí.

Theo tiết lộ từ ông Hiếu, không chỉ ABB mà rất nhiều NH khác cũng đã phải lên kế hoạch tăng phí khi dự thảo này thông qua.

"NH ABB cam kết phục vụ tốt hơn khi thực hiện thu phí, bởi phí đó có nhiệm vụ bảo trì, bảo dưỡng hệ thống giao dịch qua ATM", ông Hiếu khẳng định.

Có tiền không được làm chủ

Khi được thắc mắc về chuyện không rút được tiền ở nhiều cây ATM, các NH thường biện hộ rằng, đó chỉ là hy hữu. Thế nhưng, trên thực tế, từ các vùng quê cho đến thành thị, đâu đâu cũng thấy các cây ATM gặp…trục trặc.

Theo TS. Cao Sĩ Kiêm, nguyên thống đốc NHNN, các NH chưa nên áp dụng thêm các khoản phí cũng như tăng mức phí đối với người sử dụng thẻ ATM như hiện nay. Bởi, tình hình kinh tế hiện nay khá khó khăn nên lượng tiền “tồn” trong thẻ ATM không phải là nhiều. Hơn nữa, Nhà nước đang khuyến khích người dân nên sử dụng các dịch vụ thanh toán qua thẻ, hạn chế tối đa việc thanh toán bằng tiền mặt. Những đề xuất trên của NH liệu có đi ngược lại với chủ chương của Chính phủ hay không?

Chị Thu Hằng (TP.Hồ Chí Minh) chủ tài khoản ATM NH T cho biết, thường xuyên không rút được tiền ở NH này.

Theo lời kể của chị Hằng, có lần đi rút tiền bị máy báo hết, chị đã vào thẳng NH để rút bằng chứng minh thư. Tuy nhiên, chị đã gặp rắc rối ở khâu xác nhận lại chữ ký.

“Làm thẻ 8 năm rồi, nay bảo mình ký lại giống chữ ký đó mới cho rút tiền thì nhớ sao nổi?”

Chị Hằng đành ra về tay không sau khi ký đi ký lại đầy 2 mặt giấy A4 nhưng không thể giống chữ ký cũ.

Kinh nghiệm hơn, lần làm thẻ ở một NH khác, chị Hằng ký ngay một dấu “+” cho “dễ nhớ”.

Anh Nam, chủ tài khoản ATM ở một NHTM cho biết, công ty trả lương qua thẻ ATM nhưng chuông đổ lương từ NH thường vào cuối giờ chiều những ngày cuối tuần. Theo phân tích của anh này, các NH cũng có tính toán trong việc đổ chuông về tài khoản cho khách hàng.

“Khách hàng thường đợi hết giờ làm việc rồi ra rút tiền. Lúc này, các cây ATM sẽ thường xuyên “hết tiền” và theo lý giải của các NH, “không phải là ngày làm việc nên chưa chưa cho tiền vào cây”. Đương nhiên, tiền của khách sẽ được lưu lại qua 2 ngày đêm cuối tuần. Mỗi công ty hàng trăm, nghìn nhân viên thì bảo sao không có biểu lãi suất qua đêm của các NH”, anh Nam bức xúc.

Sẽ chia đối tượng để thu phí ATM - 2

Không "hết tiền" thì cũng "ngừng hoạt động" (ảnh minh họa)

Xung quanh câu chuyện làm, đổi thẻ cũng gây nhiều bức xúc cho khách hàng. Chị Hoa (Hoàn Kiếm-HN) cho hay, cách đây 3 năm, cơ quan chị được NH này chào mời gói dịch vụ trả lương qua tài khoản cho tất cả nhân viên. Mấy trăm người trong cơ quan chị đều được sở hữu thẻ ATM phát hành miễn phí có ghi rõ thời hạn sử dụng trên thẻ là 5 năm. Tính đến năm 2012 mới chỉ hết 3 năm. Cuối tháng 11 vừa qua, cầm thẻ ra cây ATM rút tiền, chuyển qua chuyển lại mấy máy, máy nào cũng báo dịch vụ không tồn tại. Không hiểu chuyện gì xảy ra, chị Hoa mang thẻ đến chi nhánh giao dịch của NH thì nhận được câu trả lời: thẻ đã bị hủy.

Nhân viên NH này cho biết, đó là chủ trương của NHNN buộc phải đổi tất cả các loại thẻ. Theo đó, việc đổi sang thẻ mới phải mất 110.000 đồng/năm. Trong khi đó, thẻ của chị Hoa trước đó được báo là dùng miễn phí trong vòng 5 năm.

Tuy các NH đều kêu ca mức chi phí đầu tư cơ sở vật chất và duy trì hoạt động cho các máy ATM quá lớn nhưng theo một công bố mới đây của NHNN và Hiệp hội thẻ, đến cuối tháng 6, toàn hệ thống có khoảng 37,7 triệu tài khoản thanh toán cá nhân bằng thẻ ATM, với trên 90% là thẻ thanh toán nội địa. Tổng số tiền để trong số lượng thẻ trên là 70.000 tỷ đồng, chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn 2% một năm. Trong khi đó, mức lãi suất mà các NH huy động cao hơn nhiều.

Tính với mức lãi suất tiết kiệm các NH đang huy động, để có được số tiền này, mỗi năm các NH phải bỏ ra 4.900 tỷ đồng. Nếu đem chia đều cho 13.920 cây ATM trên cả nước, bình quân mỗi cây ATM thu lợi trên 350 triệu đồng một năm.

Mức phí như dự thảo nếu được thực hiện thì khoản thu về từ các máy ATM cho hệ thống NH còn khổng lồ hơn nhiều.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Sơn Trà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN