Sắp xét xử cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng

Vụ án Vũ Huy Hoàng - nguyên Bộ trưởng Công Thương và đồng phạm bị truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý tài sản gây thất thoát tài sản xảy ra tại Bộ Công Thương và Sabeco Sài Gòn đã được Tòa án nhân dân thành phố thụ lý, dự kiến tháng 1/2021 đưa ra xét xử công khai.

Ông Vũ Huy Hoàng

Ông Vũ Huy Hoàng

Sáng 7/12, tại kỳ họp thứ 18 của HĐND thành phố Hà Nội, Chánh án TAND thành phố Hà Nội Nguyễn Hữu Chính cho biết, năm 2020, Tòa án nhân dân hai cấp thành phố đã giải quyết được 34.157 vụ án các loại, tăng 6.449 vụ so với cùng kỳ năm 2019, trong đó có nhiều vụ án hình sự trọng điểm, nhạy cảm, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm.

Các vụ án tham nhũng đã được Tòa án phối hợp tốt với các cơ quan tố tụng tại T.Ư và thành phố khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, đáp ứng yêu cầu chính trị của địa phương, được dư luận đồng tình, ủng hộ.

Theo đó, Tòa án nhân dân thành phố đã xét xử vụ án “Đưa, nhận hối lộ” và “Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Cty Viễn thông Mobifone; vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại thành phố Đà Nẵng; vụ án Hà Văn Thắm, Nguyễn Hoàng Long bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động ngân hàng”; vụ án Bùi Văn Hải bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng Oceanbank; vụ án Trương Duy Nhất phạm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Báo Đại Đoàn Kết; vụ án Hà Văn Thắm, Vũ Thị Thùy Dương và đồng phạm bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”; vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức…

“Bản án có hình phạt áp dụng nghiêm khắc đối với đối tượng chủ mưu, cầm đầu, khoan hồng đối với những đồng phạm giúp sức có vai trò thứ yếu, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, chú trọng đếm việc thu hồi tài sản tham nhũng. Bản án thể hiện tính nhân văn sâu sắc, đảm bảo sự công bằng của pháp luật, có tác dụng cải tạo, giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung”, ông Chính nêu.

Theo ông Chính, công tác thu hồi tài sản tham nhũng trong hoạt động xét xử đạt được những kết quả tốt, đặc biệt trong vụ án xảy ra tại Tổng Cty Viễn thông Mobifone, đã thu hồi được toàn bộ số tiền bị thiệt hại của nhà nước và số tiền các bị cáo chiếm hưởng. Vụ án xảy ra tại thành phố Đà Nẵng đã thu hồi, sung quỹ Nhà nước 13 nhà, đất và kê biên đối với 39 bất động sản để đảm bảo thi hành án tương đương với tài sản thất thoát của nhà nước.

Theo ông Chính, hiện nay Tòa ánh nhân dân thành phố Hà Nội đang thụ lý một số vụ án thuộc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi. Đó là vụ án Nguyễn Nhật Cảm và đồng phạm bị truy tố về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại CDC Hà Nội. Vụ án này Tòa án nhân dân thành phố đã thụ lý và dự kiến đưa ra xét xử ngày 10- 12/12.

Vụ án Vũ Huy Hoàng - nguyên Bộ trưởng Công Thương và đồng phạm bị truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý tài sản gây thất thoát tài sản xảy ra tại Bộ Công Thương và Sabeco Sài Gòn cũng đã được Tòa án nhân dân thành phố thụ lý, dự kiến tháng 1/2021 đưa ra xét xử công khai.

Vụ án Đinh La Thăng giai đoạn 2 và các đồng phạm bị truy tố về tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ethanol Phú Thọ, dự kiến xét xử trước Tết Nguyên đán.

Trước đó, VKSND Tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố đối với cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng và đồng phạm.

Theo đó, bị can Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương, và Phan Chí Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương), bị truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí, quy định tại khoản 3 điều 219 bộ luật Hình sự, với khung hình phạt lên tới 20 năm tù.

Theo cáo trạng, hành vi của Vũ Huy Hoàng và các đồng phạm ở Bộ Công Thương đã vi phạm quy định về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý sử dụng tài sản tại doanh nghiệp, gây thiệt hại, thất thoát hơn 2.700 tỷ đồng.

Cáo trạng cũng nêu rõ, trong quá trình điều tra, bị can Vũ Huy Hoàng chỉ thừa nhận trách nhiệm với vai trò người đứng đầu Bộ Công Thương và cho rằng, trách nhiệm chính thuộc về bà Hồ Thị Kim Thoa.

Bị can Hoàng cho rằng, việc chấp nhận cho Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư dự án, được thuê đất tại khu 2-4-6 Hai Bà Trưng thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của UBND TP Hồ Chí Minh.

Việc phê duyệt giá cổ phần làm giá khởi điểm và giá cổ phần khi dự án có thêm chức năng căn hộ ở trên cơ sở báo cáo của Sabeco, bị can chỉ nêu chủ trương chứ không kết luận, phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá.

Tuy nhiên, với các chứng cứ, tài liệu đã thu thập được trong quá trình điều tra đủ căn cứ xác định hành vi của bị can Vũ Huy Hoàng đã phạm tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Trong vụ án này, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đã bỏ trốn nên Cơ quan CSĐT tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự với bị can và ra quyết định truy nã. Khi nào bắt được sẽ xử lý sau.

Đối với vụ án liên quan ông Đinh La Thăng, cáo trạng của VKSND tối cao cáo buộc ông Thăng và đồng phạm có sai phạm khi chỉ định nhà thầu thực hiện dự án Ethanol Phú Thọ, gây thiệt hại hơn 540 tỷ đồng.

VKSND Tối cao xác định ông Thăng có vai trò chính nên truy tố về tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 3 điều 224 Bộ luật Hình sự 2015, khung hình phạt 10-20 năm tù.

Nguồn: [Link nguồn]

Ông Vũ Huy Hoàng - Từ người đầu tiên bị ”xóa tư cách nguyên bộ trưởng” đến khi bị khởi tố

Ông Vũ Huy Hoàng là cựu bộ trưởng đầu tiên bị kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Ban Cán sự Đảng khi đã nghỉ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trường Phong ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN