Sao không làm sạch biển ngay thay vì đợi hồi phục?

Thay vì cứ khẳng định biển đang dần phục hồi, sao không đưa phương án xử lý biển ngay? Formosa đã sử dụng bao nhiêu hóa chất để gây ra thảm họa môi trường biển? Vùng biển phía bắc Hà Tĩnh (từ hòn Sơn Dương trở ra) có an toàn hay không?...

Sao không làm sạch biển ngay thay vì đợi hồi phục? - 1

 Nhiều câu hỏi đặt ra về vấn đề môi trường biển miền Trung

Đó là những câu hỏi được đặt ra tại Hội nghị báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế ngày 26/8 tổ chức tại Hà Tĩnh.

Phải chủ động giám sát nguồn thải

Hội nghị báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế có sự tham gia lãnh đạo nhiều bộ, ngành, các nhà khoa học lớn trên cả nước. Hội nghị tập trung vào thông tin kết quả điều tra, đánh giá mức độ, phạm vi ô nhiễm môi trường biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế.

Tại hội nghị, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã thông tin tình hình khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, cũng như công tác kê khai, xác định thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng; kiểm soát chất lượng môi trường tại Khu kinh tế Vũng Áng và Dự án Formosa.

Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, để đảm bảo chắc không xảy ra sự cố môi trường biển do chất thải từ Formosa, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai lắp đặt hệ thống quan trắc tự động và cập nhật dữ liệu trực tuyến 24/24 giờ hàng ngày về Sở TN&MT để theo dõi, giám sát theo quy định. Phải chủ động giám sát chặt chẽ nguồn thải  của Formosa.

Ông Hoàng Văn Thức – Phó tổng cục trưởng Tổng cục môi trường cũng nhấn mạnh: “Đối với kiểm soát rác thải của Formosa ra biển, Bộ TN&MT phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập đoàn giám sát để giám sát toàn bộ quy trình xả thải của Formosa; Yêu cầu Formosa thực hiện nghiêm cam kết đã ký với Bộ TN&MT và khắc phục toàn bộ sự cố môi trường do Formosa gây ra.

Hiện tại, có 6 cán bộ trực tiếp giám sát tại Formosa, trong đó có 3 cán bộ của Bộ TN&MT và 3 cán bộ của tỉnh Hà Tĩnh. Về máy móc, bắt đầu từ 22/7 có lắp hai trạm quan trắc tự động, một trạm tại khu xử lý nước thải sinh hóa, một trạm tại khu xử lý nước thải công nghiệp".

Làm sạch biển như thế nào?

Đó là câu hỏi đáng quan tâm nhất tại hội nghị. Đặc biệt là sau khi Bộ TN&MT tổ chức Hội nghị công bố kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế tại Quảng Trị vào ngày 22/8. Tỉnh Hà Tĩnh đề xuất với Bộ TN&MT tổ chức tại Hà Tĩnh hội nghị này để cán bộ và người dân được trực tiếp nghe và chất vấn những vấn đề liên quan đến sự cố môi trường biển vừa qua và được Bộ TN&MT chấp thuận.

Sau phần thông tin các kết quả điều tra, quan trắc hiện trạng môi trường biển như đã công bố tại Quảng Trị của GS.TS Mai Trọng Nhuận, Trưởng nhóm điều tra, đánh giá mức độ, phạm vi ô nhiễm môi trường biển do sự cố môi trường gây ra, rất đông cán bộ và người dân Hà Tĩnh đã đưa ra những câu hỏi "nóng" như: Tại sao các nhà khoa học không đưa ra phương án xử lý biển ngay mà cứ cho rằng biển đang tự phục hồi? Formosa đã sử dụng bao nhiêu hóa chất để gây ra thảm họa Formosa? Vùng biển phía bắc Hà Tĩnh (từ hòn Sơn Dương trở ra) có an toàn hay không?...

Sao không làm sạch biển ngay thay vì đợi hồi phục? - 2

  Hội nghị báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh miền Trung sáng ngày 26/8

PGS.TS Trịnh Văn Tuyên - Viện Hàn Lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam cho biết,  tại Formosa, hiện hoạt động một lò cốc mỗi ngày sản xuất 2.000 tấn cốc, trong đó 1 tấn cốc áp dụng công nghệ của thế giới và của Formosa thì có khoảng 0,6 tấn nước thải. Như vậy 2.000 tấn cốc thải ra khoảng hơn 1.000m3 nước thải ô nhiễm. Như vậy mỗi một ngày có hơn chục tấn phenol thải ra.

GS.TS Mai Trọng Nhuận và các cộng sự nhấn mạnh với kết quả phân tích hiện nay chưa nên áp dụng can thiệp công nghệ để làm sạch trầm tích biển vì tài nguyên sinh vật có thể tái tạo được và thực tế tại các vùng biển có san hô bị tẩy trắng hiện cá đã xuất hiện trở lại và các tập đoàn san hô có dấu hiệu hồi phục. Các chuyên gia cũng cho rằng, để áp dụng công nghệ làm sạch trầm tích biển rất khó khăn và tốn kém. Các phương án trước mắt được các chuyên gia đưa ra là cần xây dựng chà, rạn để giúp các loài cá có chỗ sinh sản. Hoặc can thiệp giải pháp kỹ thuật như thả sinh vật như bào ngư để tái tạo san hô.

GS.TS Mai Trọng Nhuận khẳng định vùng biển Nghi Xuân nằm phía bắc Khu kinh tế Vũng Áng theo quy luật dòng chảy từ 10 nghìn năm trở lại đây ở tầng đáy mà dòng chảy ở tầng đáy mới lan tỏa, gây ô nhiễm thì nó chảy theo hướng từ Bắc vào Nam. “Vì thế chất độc từ Vũng Áng đi xuống khu vực Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế nên vùng biển Nghi Xuân an toàn và tắm được. Ngay cả khi có sự cố thì khu vực Nghi Xuân vẫn an toàn với khía cạnh môi trường”, GS.TS Mai Trọng Nhuận nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Hoa (Infonet)
Cá chết hàng loạt ở biển miền Trung Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN