Săn “lộc rừng” ở đại ngàn Trường Sơn

Sự kiện: 24h vạn dặm

Từ tháng 7 đến tháng 10 dương lịch hằng năm, ở những cánh rừng già trên dải đất miền Trung với thiên nhiên trù phú, nhiều loại cây rừng, hoa dại bắt đầu đơm hoa, kết trái, tỏa ngát hương thơm... Đây cũng là dịp đồng bào dân tộc thiểu số vào rừng săn mật ong. Những chuyến đi săn mật ong mang lại nguồn thu nhập đáng kể song cũng tiềm ẩn nhiều hiểm nguy.

Ăn của rừng...

Cơn mưa dông kéo đến bất ngờ, sấm sét đánh liên tục khiến nhiều người đồng bào dân tộc thiểu số Pahy, Pa Cô... ở huyện biên giới A Lưới chạy vào hầm A Roàng 1 (xã A Roàng, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế) để trú ẩn. Nơi đây, nhóm người đi rừng trở về đang nghỉ chân trò chuyện. Trong nhóm đi rừng tránh mưa hôm đó có hơn chục người nhưng chỉ có 2 người kiếm được mật ong. Anh Hồ Văn Rưng ở xã A Roàng gương mặt hớn hở, trên vai gùi 8 kg mật ong rừng. Lần này anh không bán vì muốn để dành chờ lúc giá cao hơn. “Không phải ai vào rừng kiếm cái ăn cũng có mô (đâu - PV). Mình đi 2 ngày mới kiếm được số mật đó. Lâu lâu may mắn thì mới gặp tổ ong, còn không có mật thì tranh thủ kiếm ít rau, măng, ốc suối về để đỡ tiền thức ăn”, anh Rưng nói.

Số mật ong anh Po khai thác được sau nhiều ngày vào rừng già.

Số mật ong anh Po khai thác được sau nhiều ngày vào rừng già.

Về xã Hồng Kim (huyện A Lưới), ai cũng biết tiếng anh Nguyễn Văn Nam, ngoài 30 tuổi, một “thợ rừng” thiện chiến. Người đàn ông Pa Cô này có khiếu trong việc dò tổ ong. Hỏi chuyện, anh xuề xòa: “Chẳng qua đi nhiều nên có kinh nghiệm chứ giỏi giang gì đâu”. Theo ong uống nước, xem các loài hoa và dấu vết, anh Nam có thể phát hiện ra tổ của chúng. Mỗi tháng, anh Nam đi rừng vài chuyến, chuyến dài nhất kéo dài nửa tháng đến gần một tháng. Đây là thời điểm mật ong cho thu hoạch nhiều nhất, có lần anh và nhóm săn mật gùi về hơn 70kg mật ong rừng, con số khiến nhiều “đồng nghiệp” kính nể...

Chị Hồ Thị Đoan, vợ anh Nam cho hay, có những ngày không có việc làm, mùa hè, hai con nhỏ được nghỉ học, thế là cả gia đình chị cơm đùm gạo bới theo chồng, theo bố đi tìm “lộc rừng”. Chị tâm sự: “Đi rừng rồi mình mới thấy thương chồng, bởi chuyến nào cũng vất vả, gian nan, hiểm nguy. Lần nào kiếm được mật ngọt thì ấm lòng mà không có gì đành chờ may chuyến sau”. Mỗi chuyến vào rừng chuẩn bị gạo, nồi, thực phẩm, đèn pin, giày, ống nhòm... tốn không ít tiền. Tháng trước, anh Nam và người bạn tên Po đi vào rừng giáp với khu vực Quảng Nam, trèo lên cây cao 50m, bán kính gần chục người ôm, lấy mật ròng rã 3 tiếng đồng hồ. Hai anh em đặt các thiết bị đi rừng và ròng rọc leo cây cho an toàn. Ăn uống, nghỉ ngơi tại lán tự dựng, khi nào có thu hoạch kha khá mới ấm lòng ra về...

Theo chị Đoan, đây là thời điểm vào mùa nên mật ong đang rẻ, giá sỉ cho thương lái trên dưới 200 nghìn đồng/kg. Thế nhưng, nhiều người dân đồng bào dân tộc vẫn chấp nhận bán để trang trải cuộc sống và có tiền mua sắm dụng cụ cho chuyến đi mới, song cũng có không ít người cất lại làm “của để dành”. Chị Đoan kể, vừa rồi, vượt quãng đường gần 100 cây số để về thành phố Huế khám bệnh, chị mang mấy chai mật ong dự trữ bán cho người quen được gần 3 triệu đồng. “Với đồng bào mình, dược liệu, mật ong cũng giống như của để dành phòng khi cần tới. Tiền cho con ăn học, xây sửa nhà cửa, lo việc lớn... đều nhờ mấy can mật này đó”, chị Đoan chia sẻ.

Ông Hồ Văn Kìn (46 tuổi, trú xã Hồng huyện A Lưới) kể, ông theo nghề săn mật ong khi mới 13-14 tuổi. Không chỉ tìm mật ong, trên đường đi “tiện tay” thấy gì chúng tôi thu hoạch nấy, nào nấm, đọt mây, phong lan, các loại dược liệu khác. “Hơn 30 năm đi khai thác mật, tôi nghiệm ra rằng, nếu nhìn thấy cây ươi, cây xoay và nhiều loại cây trên rừng khác ra hoa nhiều thì năm đó ong rừng được mùa mật. Muốn biết khu vực nào có ong rừng làm mật, những người có kinh nghiệm chỉ cần đi dọc các khe nước hướng về phía thượng nguồn, tìm đến những chỗ có thác nước hay những bãi cát rộng, thoáng. Vì ở đó ong thường đến uống nước rồi bay về hướng tổ. Muốn tìm thấy tổ ong thì nhìn theo hướng ong bay, đến những cây to có nhiều nhánh nằm ngang, ít người qua lại và tránh được những trận gió lớn”, ông Lìn chia sẻ.

Khi phát hiện được cây có ong làm tổ, người khai thác sẽ đốt đuốc dưới thân cây. Với cây nào quá cao, sau khi trèo lên gần tổ ong mới châm đuốc, xua ong bay đi, để lộ sáp và mật ong vàng ươm. Lúc bấy giờ, mới bắt đầu dùng dao cắt phần tổ chứa ong non, để lại phần bọng mật và phấn hoa. Sau đó dùng túi nilon loại to, quấn ôm lấy phần bọng mật, dùng tay bẻ hoặc vuốt cho toàn bộ bọng mật rơi vào dụng cụ đựng mật rồi dòng dây thả xuống hoặc trực tiếp đeo vào người đu xuống.

Đây là thời điểm nhiều người dân đồng bào dân tộc thiểu số đi săn “lộc rừng”.

Đây là thời điểm nhiều người dân đồng bào dân tộc thiểu số đi săn “lộc rừng”.

Hai anh em Nguyễn Văn Nơi và Nguyễn Văn Nối ở xã Hồng Kim (huyện A Lưới) xem đi rừng là nghề mưu sinh chính. Điểm đến của hai người là những cánh rừng sâu thượng nguồn sông Bồ, Khe Lu, thượng nguồn đập thủy điện A Sáp, khu vực giáp biên giới Lào... Cũng nhờ nghề săn mật ong, Nơi và Nối đã có thu nhập khá để lo trang trải cuộc sống cho gia đình. Có những chuyến đi không săn được mật ong, Nơi và Nối chuyển sang đánh bắt cá suối và làm giàn phơi khô tại chỗ. Cá suối khô mỗi cân bán từ 280- 300 nghìn đồng, nếu chăm chỉ cũng kiếm được tiền triệu/ngày.

Hiểm nguy người đi rừng phải đối mặt là tình trạng cây cối gãy, trượt ngã khi băng suối, rắn cắn, vắt hút máu... Chưa kể phải ăn sương ngủ núi, dãi nắng dầm mưa, để bám nghề cần sức khỏe và bền gan. “Năm nay được mùa mật, hai anh em cũng kiếm được chút ít phụ xây sửa nhà cửa. Vất vả, gian nan đến mấy cũng được, miễn thần rừng thương cho lộc. Chứ thời gian qua một số người khi vào rừng săn mật đã phải trả giá đắt...”, đang kể hăng say, giọng Nối chùng xuống. Nơi vẫn chưa quên câu chuyện anh N.N.Ng., người nhóm anh vào rừng sâu A Roàng, không may bị rắn độc cắn vào chân. Thời điểm ấy năm ngoái, 4 anh em trong nhóm làm võng cáng anh Ng. băng rừng trong đêm, gần sáng về trạm y tế huyện. Do không có huyết thanh kháng độc loại rắn này nên bệnh nhân được chuyển về Bệnh viện Trung ương Huế điều trị trong 1 tuần. Sau chuyến đi ấy, anh Ng. đã bỏ đi rừng về đồng bằng làm thuê trong một trang trại để có thu nhập nuôi gia đình...

Rưng rưng nước mắt

Mới đây, một người dân ở xã Hồng Thủy (huyện A Lưới) khi vào rừng lấy mật bị rơi từ trên cây xuống, tử vong khiến ai cũng xót thương. Nhiều đồng nghiệp cùng đi săn mật trên địa bàn xã Hồng Thủy đến dự đám tang mà không cầm được nước mắt trước sự ra đi đột ngột của thanh niên này và để lại biết bao dự định dang dở. Theo người dân ở huyện A Lưới, vào dịp tết năm ngoái, một người đàn ông ở xã Trung Sơn đi khai thác mật ong và măng rừng cũng đã trượt ngã bên thác, tử vong, để lại vợ cùng con thơ. Lần đó, trước khi đi khai thác mật, người đàn ông còn nói với vợ, chuyến đi này phải cố gắng kiếm được nhiều mật để có tiền về sắm sửa cho con bộ áo quần mới. Nhưng, không ngờ, chuyến đi ấy, người đàn ông đã không trở về...”, một người dân ở xã Trung Sơn xót xa kể lại.

Một ngày trung tuần tháng 7/2022, nhiều người dân ở xã Thượng Quảng (huyện Nam Đông, Thừa Thiên-Huế) đi làm rẫy tại vách núi đá vôi thuộc thôn 4 (xã Thượng Quảng) thì bất ngờ phát hiện xe máy, quần áo và sợi dây thừng đang treo lơ lửng trên vách núi. Phía trên cao có tổ ong mật. Lúc này, người dân đã gọi liên tục nhưng không thấy có ai trả lời. Nghi ngờ có người đi lấy mật ong gặp nạn, người dân đã nhanh chóng trình báo vụ việc cho Công an xã Thượng Quảng, Công an huyện Nam Đông cùng đến hiện trường tổ chức tìm kiếm. Sau hơn 5 giờ tìm kiếm, lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế, Công an huyện Nam Đông và người dân đã tìm thấy thi thể một người đàn ông nằm bất động dưới chân núi.

Săn “lộc rừng” ở đại ngàn Trường Sơn - 3

Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế nỗ lực đưa thi thể anh Trần Công T. bị tử vong khi vào rừng lấy mật ong về an táng.

Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế nỗ lực đưa thi thể anh Trần Công T. bị tử vong khi vào rừng lấy mật ong về an táng.

Với địa hình hiểm trở trong rừng sâu, lực lượng chức năng phải mất nhiều giờ mới đưa được thi thể người đàn ông này ra khỏi khu rừng. Danh tính của nạn nhân được xác định là ông Trần Công T (46 tuổi, trú xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông). Ông T. được xác định tử vong là do quá trình trèo lên vách núi lấy mật ong và bị trượt chân ngã xuống núi. Theo chính quyền địa phương, ông T. làm nghề lao động tự do, thường xuyên đi rừng lấy mật ong để kiếm sống. Ông T gặp nạn để lại người vợ và ba đứa con nhỏ với cuộc sống rất khó khăn.

“Cũng nhờ nghề khai thác mật ong mà nhiều năm nay, gia đình tôi cũng như nhiều gia đình trong xã đã có tiền để lo cho con cái đến trường. Nhưng, giờ anh mất rồi nên cuộc sống của mấy mẹ con rất chật vật. Chồng tôi là lao động chính, mọi việc trong gia đình đều nhờ vào tay anh. Từ ngày anh ấy ra đi, trong căn nhà luôn nguội lạnh, buồn bã. Thi thoảng đứa con nhỏ lại hỏi, bố vào rừng đi lấy mật mà răng lâu rồi vẫn chưa trở về. Tôi nghẹn ngào...”, vợ ông T. nói trong xót xa.

Hay, mới đây, giữa tháng 9/2023, anh Vi Văn Ngh. (24 tuổi, trú xã Nghĩa Lợi, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) trong quá trình đi săn ong mật thì tử vong. Kết quả khám nghiệm tử thi của cơ quan điều tra cho thấy, nạn nhân bị gãy xương cổ, gãy xương sườn... Cơ quan công an nhận định, nạn nhân bị ngã từ trên cây xuống trong lúc tìm mật ong. Trước đó, sáng 14/9, như thường lệ, anh Ngh. mang dụng cụ, chạy xe máy vào rừng săn ong. Đến tối không thấy con về, gia đình nhiều lần gọi điện thoại nhưng chỉ thấy đổ chuông, không ai nghe máy. Tối 16/9 thì điện thoại không thể liên lạc được nữa. Nhận được tin báo, hàng trăm người gồm lực lượng chức năng cùng người dân địa phương đã khoanh vùng, lùng sục khắp cánh rừng rộng gần 1.000 ha suốt hơn 1 tuần qua nhưng vẫn không có tung tích. Trong khi đó, trong 3 ngày liên tục sau khi Ngh. mất tích, khu vực này mưa lớn nên việc tìm kiếm gặp rất nhiều khó khăn. Cũng theo lãnh đạo xã Nghĩa Lợi, anh Vi Văn Ngh. là người đi rừng chuyên nghiệp, công việc chính là vào rừng săn ong, đặc biệt là ong khoái. Để săn ong, Ngh. sắm nhiều vật dụng chuyên nghiệp... Anh Vi Văn Ngh. ra đi khi còn trẻ khiến người thân và nhiều người dân trong làng thương tiếc.

Qua những câu chuyện với thợ săn ong rừng, chúng tôi còn được nghe kể, cũng vì cuộc sống mưu sinh mà không ít người đàn ông trong hành trình đi lấy mật trong rừng sâu phải bỏ mạng mà thi thể không còn nguyên vẹn.

Nguồn: [Link nguồn]

Dân bản đồng lòng tuần tra bảo vệ ‘báu vật’ giữa đại ngàn

Để tránh bị lâm tặc chặt trộm, mỗi tháng người dân bản Na Hang lại tổ chức một đội tuần tra, kiểm đếm các gốc đinh hương trong rừng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hải Lan – Phú Giang ([Tên nguồn])
24h vạn dặm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN