"Quy định 'chính chủ' chó, mèo khả thi"

Nhiều người băn khoăn mức độ khả thi của quy định chủ nuôi phải đăng ký nuôi chó, mèo với UBND phường xã, nhưng Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y) Văn Đăng Kỳ cho rằng hoạt động này hoàn toàn khả thi.

Trao đổi với PV, ông Kỳ cho biết điều tra trên 1.200 hộ dân ở Phú Thọ cho kết quả 90% đồng ý với hoạt động này. Ông nói:

"Tổng điều tra ngày 1/4 vừa qua cho biết cả nước có 10 triệu con chó, mèo, nhưng cách đây mấy năm các chi cục thú y thống kê gửi lên thì chỉ có 6 triệu con. Ngay số lượng chó, mèo hiện có là bao nhiêu cũng chưa có con số chính xác.

Chúng tôi dự định đầu năm 2013 sẽ triển khai thực hiện quy định đăng ký nuôi chó, mèo tại các tỉnh. Trong đó, sẽ thiết kế một “phiếu đăng ký nuôi chó, mèo”, trưởng thôn, xóm hoặc thú y viên sẽ đi phát phiếu này đến các hộ gia đình.

Các gia đình nuôi chó, mèo sẽ đăng ký về thú nuôi của mình như loài, tên, giới tính, màu lông, đã tiêm phòng dại ngày nào và dưới phiếu đăng ký, chủ nuôi phải cam kết phòng chống bệnh dại bằng tiêm phòng theo lịch của cơ quan thú y. Ngoài ra, khi đàn chó, mèo của gia đình tăng, giảm do nuôi thêm hoặc thú nuôi bỏ đi, bị mất, có biểu hiện mắc bệnh dại, người nuôi cũng phải khai báo cho trưởng thôn hoặc trạm thú y gần nhất."

"Quy định 'chính chủ' chó, mèo khả thi" - 1

Trưởng phòng dịch tễ (Cục Thú y) Văn Đăng Kỳ - ông Văn Đăng Kỳ - Ảnh: Quang Thế

Quy định việc đăng ký tên, giới tính, biến động tăng giảm... của chó, mèo nuôi liệu có khả thi, khi mà người dân còn rất nhiều việc khác phải lo?

Thật ra đây là việc các nước đã làm từ lâu, như khu vực Đông Nam Á thì Thái Lan, Indonesia, Philippines đều đã thực hiện, VN chỉ là đi sau. Vừa rồi chúng tôi điều tra 1.200 hộ dân ở ba huyện, thành phố thuộc tỉnh Phú Thọ, đến 90% hộ gia đình được hỏi đều cho rằng cần có quy định này. Lý do là nhiều gia đình nuôi chó, mèo nhưng không quản lý, không đảm bảo vệ sinh, không tiêm phòng đúng lịch dẫn đến kết quả là xuất hiện nhiều ổ dịch dại trên đàn chó và số người tử vong do bị chó dại cắn đã tăng trở lại trong mấy năm nay.

Sau khi có phiếu đăng ký, trưởng thôn, xóm, thú y viên sẽ mang ra UBND xã phường và tại đây sẽ có một sổ theo dõi nuôi chó mèo, bao gồm thông tin tổng hợp từ chó mèo của các gia đình. Trong số này còn có hướng dẫn kỹ về các hình thức xử phạt nếu phát hiện thả rông chó, mèo, nuôi không đảm bảo vệ sinh, không chấp hành tiêm phòng... với các mức phạt từ 60.000-1 triệu đồng. Ngoài ra, khi phát hiện chó mèo thả rông, cơ quan thú y có thể bắt nhốt để bảo đảm an toàn cho người. Tôi nghĩ quy định rõ các hình thức xử phạt sẽ tăng mức độ khả thi của quy định.

Thưa ông, TP.HCM là địa phương đầu tiên thực hiện đăng ký nuôi chó mèo và đến nay mới có một số phường, xã triển khai được, chứng tỏ quy định này sẽ khó khăn nếu mở rộng toàn quốc?

Tại TP.HCM hiện có 40 phường, xã an toàn bệnh dại. Chúng tôi đang muốn mở rộng ra toàn thành phố. Về việc mở rộng ra toàn quốc có khả thi không, tôi cho là hoàn toàn khả thi, vì không phải từng hộ gia đình đến UBND phường xã đăng ký nuôi chó mèo mà thông qua trưởng thôn xóm, thú y viên như tôi đã nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lan Anh (Tuổi trẻ)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN