Putin - 100 ngày qua và 100 ngày tới

Vào dịp mà nước Nga đánh dấu 100 ngày trở lại cầm quyền của Tổng thống Vladimir Putin, có một điều mà cả những người ủng hộ và đối lập đều đồng tình với nhau, đó là phong cách của cựu điệp viên KGB chẳng có gì thay đổi, dù chỉ là chút ít.

100 ngày qua

"Về thực chất, khi chính sách của Putin vận hành thì chẳng có gì thay đổi cả" - Sergei Markov, cựu nghị sĩ của đảng Nước Nga Thống nhất nói. "Đã hơn một lần Putin nói rằng ông có thể tiếp tục thực hiện chính sách tương tự mà các cử tri đã từng biết - đó là lý do tại sao họ lại bầu cho ông trong nhiệm kỳ thứ ba này".

Một Putin với nụ cười hân hoan sau chiến thắng vang dội trong đợt bầu cử Tổng thống ngày 4/3 nói với các phóng viên rằng: ông "chắc chắn sẽ siết chặt" phe đối lập.

"Đừng buông lơi" - ông cảnh báo

Sau 100 ngày trở lại cầm quyền của người đàn ông quyền lực nhất nước Nga, phe đối lập nhận ra rằng trong khi Putin mỉm cười khi đưa ra cảnh báo đó, ông thật sự cực kỳ nghiêm túc.

Cũng trong 100 ngày này, người ta chứng kiến các mức phạt tiền tăng cao hơn đối với những người phạm tội có liên quan tới nhóm biểu tình. Chính phủ cũng được trao quyền để đóng cửa các website có hại cho trẻ em.

Trong mùa thu này, một luật khác có thể sẽ được thông qua, theo đó các tổ chức phi chính phủ được nước ngoài gây quỹ và tham gia vào chính trị đều bị coi là "gián điệp nước ngoài".

Nhà phân tích Maria Lipman tại nhóm cố vấn Trung tâm Carnegie có trụ sở tại Moscow cho rằng: "Về mặt chính trị, 100 ngày qua đã đánh dấu một sự chuyển biến rõ ràng sang các chính sách kiềm chế".

"Nhiệm kỳ tổng thống thứ ba của Putin cho thấy ông dựa vào việc kiềm chế hơn là các phương thức có tính chất hấp dẫn mà ông từng sử dụng để thiết lập quyền kiểm soát trong hai nhiệm kỳ đầu tiên" - bà Lipman nói thêm.

"Đây có thể là ví dụ sinh động nhất cho thấy nhiệm kỳ thứ ba của ông khác với hai nhiệm kỳ tổng thống trước đó như thế nào".

Một nhà phân tích chính trị độc lập là Vladimir Statinov cho rằng Tổng thống Putin luôn được coi là một "đối trọng" với các nỗ lực mang tính cải cách của đương kim Thủ tướng Medvedev trong việc tự do hóa chính trị trong suốt nhiệm kỳ của ông tại điện Kremlin.

Ngay từ lúc mới nhậm chức Tổng thống, ông Medvedev đã nói một câu rất nổi tiếng rằng: "Có tự do vẫn còn tốt hơn là không có". Ông Medvedev đã nới lỏng các quy định đăng ký đảng phái chính trị và khởi xướng bầu cử trực tiếp các thống đốc ở địa phương mặc dù vẫn thông qua một "bộ lọc" ở Kremlin.

Mặc dù công nhận thực tế Putin có thể 'siết chặt' hơn đối với phe đối lập, nhưng ông Markov lại cho rằng Putin sẽ không tiến hành các biện pháp đàn áp, và chỉ ra rằng "các lực lượng cấp tiến phục vụ lợi ích nước ngoài" đều buộc phải tuân thủ pháp luật. Markov cũng nói rằng Putin đang đáp lại yêu cầu của xã hội đối với sự thay đổi, với các động thái như nới lỏng các quy định đối với việc đăng ký đảng phái và hứa hẹn thành lập một hãng truyền hình quốc gia "công cộng".

100 ngày tới

Trong một cuộc khảo sát mới đây của Quỹ Công luận (FOM) có trụ sở tại Moscow cho thấy tỉ lệ ủng hộ đối với Tổng thống Putin chỉ còn ở mức 53%, giảm đáng kể so với mức 63% mà ông đạt được khi trở lại ghế Tổng thống hồi tháng Ba. Có 3000 người tham gia vào cuộc khảo sát dư luận này.

100 ngày tới đây sẽ là một giai đoạn thử thách mới cho ông Putin khi mà phe đối lập đang chuẩn bị cho cuộc "tấn công mùa thu", với các cuộc biểu tình rộng khắp trên toàn quốc dự kiến vào tháng Chín và tháng Mười.

"Rõ ràng là xã hội đã phải trải qua ở một chừng mực nào đó và còn tiếp tục phải mệt mỏi trong thái độ với Putin và đó chính là điều gì đó mà phe đối lập đã cố gắng thể hiện" - Alexei Mukhin, giám đốc Trung tâm Thông tin Chính trị tại Moscow nhận định.

"Để đáp trả điều này, Putin sẽ pải thực hiện các lời hứa mà ông đã đưa ra trước kỳ bầu cử, và dường như ông ấy đang thực hiện điều đó" - Mukhin nói.

Trong chiến dịch bầu cử, ông Putin đã đưa ra hàng loạt lời hứa về chi tiêu công, bao gồm cả việc tăng trợ cấp và lương cho các nhân viên trong chính quyền, và ông sẽ cần phải kiếm được 170 tỉ USD trong vòng 6 năm tới để bảo đảm lời hứa của mình. Các nhà phân tích nhận định nếu không thể làm vậy, nước Nga sẽ có thể phải trải qua một thời kỳ bất ổn xã hội sâu sắc hơn.

Nhưng, một số nhà phân tích nói rằng ông Putin đã vượt qua được giai đoạn nguy hiểm tiềm tàng nhất mà phe đối lập gây ra.

"Putin đã thúc đẩy được tính chính đáng của ông và công chúng - bao gồm cả phe đối lập - đều nghiến răng thừa nhận rằng ông đã thắng cử" - nhà phân tích chính trị độc lập Pavel Svyatenkov nói. "Putin đã đẩy lùi được giai đoạn nguy hiểm trong khủng hoảng chính trị, nhưng cuộc khủng hoảng vẫn chưa chấm dứt".

Cùng lúc đó, người đàn ông quyền lực nhất đất nước rộng lớn nhất thế giới còn phải đối mặt với nhiệm vụ hiện đại hóa nền kinh tế Nga, vốn phụ thuộc nặng nề vào thu nhập từ xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt. Các chuyên gia nói rằng nếu như giá năng lượng sụt giảm thì kinh tế Nga sẽ chịu tổn thất nặng nề, đặc biệt là khi giá dầu sụt giảm đi kèm với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

"Nhiệm vụ chính của ông là tohát ra khỏi mô hình kinh tế mà chính ông tạo ra trong suốt 12 năm qua, khiến cho kinh tế Nga phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu các nguồn tài nguyên cho phương Tây" - Svyatenkov nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Thu (Vietnamnet/RIA)
Toàn cảnh bầu cử Tổng thống Nga Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN