“Phù thủy đô la” gốc Phi tái xuất tại TP.HCM

Trò lừa đảo rửa USD không mới, thế nhưng nhiều người vẫn bị sập bẫy bởi những “phù thủy đô la” gốc Phi.

Chiều 29/11, thông tin từ Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cho biết đang củng cổ hồ sơ điều tra vụ một số đối tượng người nước ngoài lừa đảo, chiếm đoạt hàng chục ngàn USD của bà N.T.C. (SN 1979, ngụ quận 2, TP.HCM,).

Trước đó, bà C. đến Công an TP.HCM trình báo về việc, bà bị một số đối tượng người gốc Phi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, giữa tháng 9/2012, một người tự xưng tên là Brown (quốc tịch Nigeria), khoe hiện đang làm ở ngân hàng châu Phi. Người này gửi thư điện tử đến hộp thư cá nhân của bà C. nói rằng đang quản lý một tài khoản có số lượng tiền lớn lên đến 7,3 triệu USD.

Brown thông báo, số tài khoản trên là của một người Mỹ nhưng người này đã bị tai nạn giao thông qua đời nên nhờ bà C. phối hợp rút số tiền khổng lồ trên ra, nếu đồng ý bà sẽ được chia 1/3 số tiền trên. Thời gian này, người giới thiệu tên Brown còn gửi biểu mẫu của ngân hàng, yêu cầu bà C. cung cấp thông tin cá nhân để hợp tác làm ăn. Tên này còn cho biết, sau khi rút được số tiền trên hắn sẽ chia thành 3 phần, 2 phần dành cho hắn và bà C., phần còn lại để làm từ thiện.

“Phù thủy đô la” gốc Phi tái xuất tại TP.HCM - 1

Valy tiền giả đối tượng người nước ngoài sử dụng để lừa đảo

Bỗng dưng xuất hiện đống tiền từ trên trời rơi xuống, bà C. không ngần ngại điền hết thông tin cá nhân vào hồ sơ của đối tượng người nước ngoài, dù rằng bà không quen biết. Sau khi dụ được con “mồi” vào tròng, Brown nói với bà C. ít ngày tới sẽ có người tên Bill đến Việt Nam trao valy tiền thừa kế và số mật mã valy để bà mở nhận tiền.

Đến ngày 5/10, có người đàn ông tự xưng tên Bill, hẹn gặp bà C. tại một khách sạn ở quận Tân Bình (TP.HCM), đưa cho bà chiếc valy và nói bên trong đựng 7,3 triệu USD. Người này sau đó cung cấp mật khẩu cho bà C., đồng thời yêu cầu bà trả 2.500 USD tiền vận chuyển valy qua đường hàng không. Khi bà C. mở valy ra thì thấy bên trong toàn USD bị nhuộm màu đen. Lúc này, Bill giải thích, phải nhuộm đen toàn bộ 7,3 triệu USD để khỏi bị Công an Việt Nam phát hiện thu giữ. Nói xong, tên này lấy chai hóa chất ra rửa 5 tờ USD (mệnh giá 100 USD/tờ) thành 5 tờ USD tiền thật để bà C. kiểm nghiệm.

Tên Bill tiếp tục bảo bà C., muốn rửa hết 7,3 triệu USD trong valy thì mất 90.000 USD tiền mua hóa chất, trong đó phía ngân hàng chi 46.000 USD, phần còn lại bà C. tự lo lấy. Tưởng thật, bà C.. đã vay mượn khắp nơi được 22.000 USD, chuyển vào số tài khoản của Brown nhờ mua hóa chất như Bill hứa hẹn. Đến giữa tháng 10/2012, Bill gọi điện thông báo với bà C., người đàn ông tên Brown đã bị cảnh sát Mỹ bắt khi mua hóa chất dạng cấm. Tên Bill đề nghị bà C. chuyển thêm 44.000 USD để giúp Brown ra tù, nếu không số USD bà đang giữ không có hóa chất để rửa.

Sau đó, tên Bill hẹn bà C. ra khách sạn ở quận Tân Bình, rửa thêm 5 tờ USD từ valy bà đang nắm giữ như hôm trước và bảo bà “góp vốn” 15.000 USD để giải cứu Brown. Giữa tháng 10/2012, tên Bill tiếp tục hẹn bà C. đến rửa 2.500 USD và yêu cầu bà phải trả gấp đôi bằng số tiền 70.000 USD. Nghi ngờ bị đối tượng lừa đảo, bà C. đến công an trình báo, tuy nhiên thời điểm này các đối tượng gốc Phi đã biến mất cùng số tiền chiếm được 40.000 USD của bà C.

Theo cơ quan điều tra, trò lừa đảo rửa USD kiểu này không mới (rộ lên vào các năm 2007, 2008), thế nhưng không hiểu sao nhiều người vẫn bị sập bẫy đối tượng lừa đảo người nước ngoài. Công an TP.HCM đã không ít lần đưa ra lời cảnh báo về những trò “phù thủy đôla”, nhưng chính lòng tham và sự cả tin, một số người đã trở thành nạn nhân của trò lừa đảo này.

Hiện cơ quan chức năng đang mở rộng điều tra và truy bắt những đối tượng lừa đảo trên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hưng Văn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN