Phòng khám Đông y TQ: Sai phạm đủ kiểu

Sáng 18/6, khi đoàn thanh tra Sở Y tế đến phòng khám bệnh y học Trung Quốc, một số “bác sĩ” Trung Quốc đang khám bệnh lập tức cởi áo blouse và bỏ ra ngoài hết.

Tại thời điểm kiểm tra, có ba bệnh nhân ở Đồng Nai và An Giang đang điều trị bệnh trĩ. Tất cả đều cho biết xem tivi thấy quảng cáo “hay quá” nên tìm đến. Trong đó, anh V.V.T. đến khám ngày 17/6 phải đóng 12,3 triệu đồng. Anh T. cũng bị đưa sang khách sạn Sơn Lâm để điều trị tiếp. Khi thấy phòng khám giữ lại điều trị thêm và đòi thu thêm 1,5 triệu đồng, anh T. sợ bị lừa gạt nên tới phòng khám làm thủ tục xin về. Anh N.V.M. đóng 9,8 triệu đồng và sau khi điều trị bị phòng khám đưa đến lưu giữ tại khách sạn Sơn Lâm, sau đó phòng khám yêu cầu đóng thêm 1,5 triệu đồng nữa mới được “viết giấy đảm bảo chữa trị khỏi bệnh 100%”. Còn anh M.P.K. đang chờ khám bệnh thì đoàn thanh tra tới.

Quá nhiều sai phạm


Ghi nhận của thanh tra Sở Y tế TP cho thấy tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở phòng khám này không có mặt dù cơ sở đang hoạt động. Tất cả bác sĩ đang thực hiện khám chữa bệnh cho bệnh nhân đều không đeo bảng tên và chưa xuất trình được bằng cấp chuyên môn, giấy phép lao động.

Phòng khám có hai phòng cấp phát thuốc, một phòng cấp phát tân dược và một phòng cấp thuốc dịch truyền, kháng sinh và một số loại thuốc Trung Quốc. Tuy nhiên, khi kiểm tra phát hiện có nhiều loại thuốc Trung Quốc nhưng phòng khám chưa xuất trình được giấy phép lưu hành. Tại đây còn có ba loại thuốc đã hết hạn sử dụng (trong đó có hai loại thuốc xuất xứ từ Trung Quốc và một loại dùng trong cấp cứu chống sốc), một số thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Phòng khám Đông y TQ: Sai phạm đủ kiểu - 1

Phòng khám bệnh y học Trung Quốc (141 Phan Đăng Lưu, P.2, Q.Phú Nhuận) niêm yết giá rẻ nhưng thật ra là thu tiền với giá “cắt cổ”

Dù phòng khám không được phép truyền dịch nhưng đoàn thanh tra phát hiện tại đây có rất nhiều chai dịch truyền chưa sử dụng. Thanh tra đã tiến hành niêm phong ba bịch thuốc lớn để xem xét và xử lý sau thanh tra.

Khó xử lý

Sáng 18/6, ông Vũ Quốc Lập - trưởng Công an P.2, Q.Phú Nhuận - cho biết suốt thời gian phòng khám này hoạt động, Công an P.2 đã tiếp nhận 4-5 trường hợp bệnh nhân khiếu nại về cách điều trị “cắt cổ” của phòng khám. “Đã có trường hợp bệnh nhân trực tiếp gọi điện thoại cho chúng tôi nhờ giải quyết khiếu nại với phòng khám. Nhưng khi chúng tôi đến giải quyết thì phía phòng khám và bệnh nhân lại tự thỏa thuận được vụ việc với nhau. Sau đó bệnh nhân rút đơn, không khiếu nại nữa. Vì thế chúng tôi rất khó xử lý” - ông Lập nói.

Theo thanh tra Sở Y tế, dù chỉ là phòng khám đông y nhưng cơ sở này đã thực hiện nhiều hoạt động chuyên môn vượt quá chức năng cho phép như khoa sản, khoa xét nghiệm, siêu âm, máy phục hồi trị liệu. Đoàn thanh tra cũng xác định ông Trần Phú Kiến (người phẫu thuật trĩ cho bệnh nhân V.V.T.) chưa xuất trình được bằng cấp chuyên môn. Cơ sở trưng bày hai bảng quảng cáo không đúng với nội dung đã được duyệt, bảng hiệu chưa đúng quy định (không có số giấy phép, không có tên bác sĩ phụ trách)...

Ông Li Jian Hua - người quản lý phòng khám - cho biết phòng khám có sáu người Trung Quốc, nhưng mới có một người làm xong giấy tờ (giấy phép hành nghề, giấy phép lao động - PV), còn năm người đang làm giấy tờ.

Đoàn thanh tra đã yêu cầu các bác sĩ, nhân viên của phòng khám chưa trình được bằng cấp chuyên môn ngưng ngay việc khám chữa bệnh; tháo ngay hai bảng quảng cáo không đúng nội dung được phê duyệt; ngưng việc lưu bệnh tại khách sạn; ngưng ngay những hoạt động quá phạm vi chuyên môn cho phép; ngưng ngay việc bán thuốc chưa được phép lưu hành. Đồng thời mời chủ phòng khám ngày 21/6 đến Sở Y tế làm việc, xử lý sau thanh tra.

Nhiều bệnh nhân từng bị “giam lỏng”


Ngày 18/6, chị Ngô Thị Hồng Nhung (Q.Gò Vấp, TP.HCM) bức xúc cho biết chị dâu chị là Nguyễn Thị Tuyết Mai (36 tuổi, huyện Củ Chi, TP.HCM) xem tivi giới thiệu về phòng khám bệnh y học Trung Quốc (141 Phan Đăng Lưu, P.2 Q.Phú Nhuận, TP.HCM) khám phụ khoa rất hay nên đã đến để khám. Trước khi đến chị điện thoại hỏi trước chi phí, được nhân viên phòng khám này nói chỉ 4-5 triệu đồng.

Ngày 10/6, chị Mai đến phòng khám và được chẩn đoán bị u nang buồng trứng, tiền ung thư, viêm loét cổ tử cung, cần nhập viện điều trị ngay. Bác sĩ người Trung Quốc nói (qua phiên dịch): “Chị là phụ nữ, nếu cắt bỏ bộ phận sinh dục vì bị bệnh thì không còn là phụ nữ nữa”. Nghe vậy, chị Mai lo lắng hỏi điều trị bao lâu thì hết bệnh. Vị bác sĩ này đưa ra ba mức giá: ba ngày 18 triệu, năm ngày 28 triệu, còn bảy ngày là 30 triệu đồng. Nếu trị liệu giá 30 triệu đồng sẽ đảm bảo “không tái đi tái lại nhiều lần”. Tại đây chị Mai được cho xét nghiệm, khám kiểm tra chất dịch, siêu âm với tổng chi phí 35 triệu đồng.

Do không mang đủ tiền, chị đóng trước 5 triệu đồng nhưng phòng khám không đưa hóa đơn, bắt chị phải ký “Đơn xin gia hạn thanh toán viện phí” và đưa sang khách sạn Sơn Lâm - phía sau phòng khám - để tiếp tục điều trị. Tuy nhiên, vào khách sạn rồi thì nhân viên phòng khám không cho chị Mai đi đâu, cần mua gì họ mua cho. Khi chị Nhung vào thăm thấy ngoài chị Mai còn nhiều bệnh nhân khác nằm ở khách sạn điều trị. Phòng ốc chật hẹp, ngột ngạt.

Hầu hết bệnh nhân là người ở các tỉnh lên TP, chồng của họ phải chạy về quê mượn nợ để “chuộc” vợ về. Chị Nhung chất vấn bác sĩ phòng khám nhiều vấn đề nhưng họ quanh co và nói đã điều trị xong, đóng hết tiền nợ 30 triệu đồng mới cho về. Chị Nhung và chị Mai phải chạy ra khỏi cổng khách sạn, giằng co với nhân viên phòng khám mãi mới thoát được.

Chị Vạn Thị Thu Đậm (32 tuổi, Ninh Thuận) cũng rơi vào tình cảnh không có tiền đóng thì không được về. Ngày 18/6, anh Vạn Ngọc Thống - em ruột chị Đậm - gọi đường dây nóng của Tòa soạn cho biết ngày 4/6 vợ chồng chị Đậm lặn lội vào TP.HCM khám bệnh. Phòng khám này nói chị bị loét tử cung, không điều trị sẽ bị ung thư. Hỏi điều trị bao nhiêu tiền, khi nào hết bệnh, bác sĩ Trung Quốc đưa ra ba giá điều trị: 30 triệu đồng thì 20 ngày hết bệnh, 25 triệu: một tháng mới hết bệnh, 15 triệu thì một tháng rưỡi khỏi bệnh.

Vợ chồng chị Đậm nói không có nhiều tiền, bác sĩ “dụ” cứ ký vào đơn xin gia hạn đóng viện phí rồi về nhà mượn tiền trả sau. Chị Đậm đóng ngay 6 triệu đồng và phòng khám đưa chị sang khách sạn Sơn Lâm. Qua đây, chị bị nhân viên phòng khám canh gác 24/24 giờ, không cho đi đâu. Muốn về thì “phải đóng hết tiền”.

Gia đình chị Đậm báo Công an P.2, Q.Phú Nhuận nhờ can thiệp, sau đó phòng khám giảm cho chị Đậm một nửa tiền. Gia đình chị Đậm phải mượn xe máy của người quen mang đi cầm để có 14.850.000 đồng đóng cho phòng khám và ngày 8/6 mới được “thả” ra. Thoát được phòng khám này, chị Đậm đến Bệnh viện phụ sản Từ Dũ khám bệnh, các bác sĩ bệnh viện cho biết chị không hề bị viêm loét tử cung. Cả tiền khám, tiền thuốc ở Bệnh viện Từ Dũ chỉ hết 200.000 đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo L.Th.Hà - Th.Dương - Đ.Thanh (Tuổi Trẻ)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN