Phó Giám đốc Công an TP.HCM: Tôi cũng bị gọi điện thoại lừa đảo
Theo Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, tội phạm công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng để lừa đảo ngày một tinh vi, phức tạp.
Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra, Công an TP.HCM cũng chia sẻ rằng, bản thân ông và người thân trong gia đình cũng từng bị các đối tượng gọi điện tới số máy của mình để tìm cách lừa đảo.
Lừa đảo ngày một tinh vi
Đây là chia sẻ của đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan an ninh điều tra, Công an TP.HCM tại buổi gặp mặt với báo chí tối 31-12.
Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, chủ trì buổi gặp mặt báo chí hôm 31-12. Ảnh: MT
Đại tá Quang cho biết những năm gần đây, đặc biệt trong thời gian dịch bệnh, tội phạm công nghệ cao, tội phạm mạng có những hành vi phạm tội ngày một tinh vi, nhiều người dân trở thành nạn nhân.
Đặc biệt, Phó Giám đốc Công an TP.HCM cũng chia sẻ, bản thân ông và người thân trong gia đình cũng không ít lần bị kẻ gian gửi quyết định tố tụng của Công an, Viện kiểm sát, Toà án mà gửi qua Zalo, Facebook. "Nhiều người dân nhận được thì run bần bật lên. Tôi cũng bị người ta gọi điện thoại lừa, gia đình tôi cũng bị nữa" – ông nói.
Ông Quang chia sẻ về việc bản thân mình và gia đình cũng từng bị các đối tượng gọi điện tới, tìm cách lừa đảo. Ảnh: MT
Phó giám đốc Công an TP.HCM, trong những năm gần đây, các loại tội phạm như ma túy, kinh tế, tệ nạn xã hội đều lấy không gian mạng để hoạt động.
Lừa đảo qua mạng sử dụng kịch bản giả danh cơ quan công quyền, cơ quan nhà nước gây thiệt hại cực kỳ lớn, dù cơ quan chức năng tuyên truyền rất nhiều lần.
Ông cho rằng, để hạn chế tình trạng này cần đẩy mạnh tuyên truyền của hệ thống chính trị, các cơ quan báo chí truyền thông. Bên cạnh đó, người dân cũng cần nâng cao kiến thức, hiểu biết về pháp luật.
Ông nhấn mạnh việc cơ quan chức năng không bao giờ làm việc với người dân qua điện thoại hoặc qua mạng xã hội, đây là quy tắc bất di bất dịch từ xưa tới nay.
Để góp phần ngăn chặn loại tội phạm này, Công an TP.HCM quyết liệt tham mưu, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước siết chặt, kiểm soát việc mở tài khoản vì đối tượng phạm tội chuyển tiền thông qua nhiều tài khoản khác nhau sau khi chiếm đoạt từ người dân.
Tấn công mạnh vào tội phạm cướp giật, trộm cắp
Tại buổi gặp mặt, một số cơ quan báo chí đặt các câu hỏi về việc kiểm soát, kiềm chế và kéo giảm các loại tội phạm xâm phạm sở hữu như trộm, cướp, cướp giật trên địa bàn.
Đại tá Nguyễn Sỹ Quang cho biết, về loại tội phạm này, Ban Giám đốc Công an TP.HCm đã liên tục chỉ đạo các đơn vị công an quận huyện xây dựng, bổ sung các kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh.
Vừa qua, Công an TP.HCM và công an các quận huyện tổ chức đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm. Ảnh: NT
Ông cho rằng, với yếu tố đấu tranh thì nhanh chóng khám phá, xử lý nghiêm.
Về phòng ngừa, Công an TP.HCM thực hiện song song nhiều biện pháp, trong đó vai trò của cơ quan báo chí trong việc tuyên truyền rất quan trọng.
“Các cơ quan truyền thông báo chí tuyên truyền vận động người dân quản lý con em các đối tượng có dấu hiệu phạm tội thì rất tốt” – ông nói.
Ngoài ra, lực lượng công an cũng mở các buổi tuyên truyền, vận động, thực hiện tốt các chính sách với các đối tượng lỡ phạm tội hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, đưa các đối tượng “có vấn đề” ở phường, xã, thị trấn vào diện quản lý, sưu tra để có dấu hiệu thì thực hiện ngay các biện pháp nghiệp vụ.
Ngoài ra, Phó Giám đốc Công an TP.HCM cũng cho biết, lực lượng chức năng sẽ tổ chức rà soát các điểm tiêu thụ tài sản trộm, cướp để thu hồi và xử lý theo quy định của pháp luật. “Việc xử lý được loại tội phạm xâm phạm sở hữu thì sẽ kéo giảm được tỷ lệ tội phạm, tăng tỉ lệ khám phá án” – đại tá Quang nói.
Tại buổi gặp mặt báo chí, lãnh đạo Công an TP.HCM cũng cho biết, trong thời gian tới sẽ kiểm tra, xử lý các lò độ xe trên toàn địa bàn để ngăn chặn triệt để việc các đối tượng lợi dụng làm phương tiện phạm tội.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thời gian qua nhiều người lao động nhận được những tin nhắn mạo danh cơ quan Bảo hiểm...
Nguồn: [Link nguồn]