Phó GĐ Sở nói về cấm viếng bằng vòng hoa

Ông Nguyễn Khoa Hải, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương khẳng định việc không đi viếng bằng vòng hoa là để hạn chế phô trương.

UBND tỉnh Bình Dương ban hành quy định: “Cán bộ, công chức (CBCC), viên chức và thân nhân của CBCC, viên chức khi từ trần, các cơ quan, đoàn thể, CBCC không mang theo vòng hoa khi đi viếng đám tang”. Ông Nguyễn Khoa Hải, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương khẳng định không viếng bằng vòng hoa để hạn chế phô trương.

Thưa ông, với quy định này, trong trường hợp lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) có người thân qua đời, chẳng lẽ công chức của sở đi viếng tang mà không mang vòng hoa?

Ông Nguyễn Khoa Hải: Phải gương mẫu từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, từ trước ra sau! Sở đã tham mưu để UBND tỉnh ra quy định này thì cán bộ lãnh đạo sở phải thực hiện. Mình đưa ra mà mình không thực hiện thì nói ai nghe?

Không phô trương, lãng phí trong tiệc cưới, đám tang là chủ trương, chỉ đạo có từ nhiều năm trước của Bộ Chính trị, của Chính phủ, của Bộ VH-TT-DL. Nhưng đây là vấn đề nhạy cảm. Các địa phương khác có thể không quan tâm đến chuyện này, nhưng tỉnh Bình Dương muốn thực hiện nên cụ thể hóa để làm tốt chủ trương chung. CBCC, viên chức phải là người thực hiện đầu tiên. Chẳng lẽ trong một khu phố có 2 đám tang: đám tang của người thân cán bộ thì la liệt vòng hoa; đám tang của dân thường lại thực hiện đúng chủ trương. Như thế rất mâu thuẫn.

Phó GĐ Sở nói về cấm viếng bằng vòng hoa - 1

Ông Nguyễn Khoa Hải trả lời phỏng vấn ngày 24/9

Nhiều người nói “nghĩa tử là nghĩa tận”, cấm đi vòng hoa không hẳn là cách tiết kiệm tốt?

Thỉnh thoảng báo chí vẫn có những bài viết phán ánh tình trạng phô trương, lãng phí trong đám tiệc, đám tang. Bất kể cái gì mới đưa ra cũng có thể có rất nhiều nguồn dư luận. Tốt có, xấu có, thậm chí người ta chửi mình. Cái mà chúng tôi muốn là qua quy định này sẽ hạn chế sự phô trương, hình thức không thật sự cần thiết trong tổ chức đám cưới, đám tang.

Tuy nhiên, phải hiểu quy định này là không phải cấm tuyệt đối đi viếng tang bằng vòng hoa. Cụ thể, khi người thân của cán bộ mất, gia đình cán bộ đó tổ chức đám tang thì mình vận động CB-CNVC khác không đi vòng hoa, còn người dân đi vòng hoa thì mình không cấm. Riêng đối với những đám tang của cán bộ do ban tổ chức lễ tang của phường, xã, thị trấn, huyện, thị, TP tổ chức thì cán bộ, viên chức, đoàn thể tới viếng tang có thể chỉ mang theo dải băng ghi tên cơ quan, đơn vị… Khi vào viếng, họ sẽ lấy dải băng đó đặt lên một số vòng hoa mà ban tổ chức đã chuẩn bị trước.

Thực hiện trái quy định của UBND tỉnh có bị xử phạt trong trường hợp này? Chính quyền làm sao có thể giám sát, xử phạt?

Trước mắt, chưa tính đến việc xử phạt hành chính nếu làm trái quy định, chủ yếu là vận động, nhắc nhở. Tuy nhiên, cũng có một số biện pháp chế tài. Ví dụ: CBCC, viên chức nào không thực hiện đúng quy định trên nghĩa là đã thực hiện không tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nên sẽ ảnh hưởng đến danh hiệu thi đua, xếp loại. Quy định này cũng áp dụng thực hiện vào phong trào toàn dân thực hiện xây dựng đời sống văn hóa. Thực hiện tốt tiêu chí này mới được công nhận gia đình văn hóa, khu phố văn hóa…

Đúng là rất khó giám sát việc thực hiện quy định này, nhưng quy định ra đời vẫn có ý nghĩa của nó, ít nhất khi gửi vòng hoa nườm nượp thì người ta thấy làm vậy là không đúng.

Quy định này trước khi được ban hành có được lấy ý kiến rộng rãi hay không?

Nói chung cũng có nhiều ý kiến bàn ra bàn vào, nhưng chung quy đại đa số đồng tình. Phải mất 4 tháng bàn, soạn thảo, thẩm định…, quy định này mới được lãnh đạo UBND tỉnh ban hành. Ban đầu, Sở VH-TT-DL làm dự thảo rồi lấy ý kiến các sở, ngành, UBND các huyện, thị, sau đó gửi Sở Tư pháp thẩm định…

Sắp tới, sở sẽ tổ chức cuộc họp liên ngành với nhiều cơ quan liên quan để bàn cách thực hiện quy định này sao cho hiệu quả nhất.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Như Phú (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN