Phó Chủ tịch nước sẽ sang Trung Quốc

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 4 về phối hợp củng cố lòng tin ở châu Á tại Thượng Hải.

Chiều 15/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết: Nhận lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 4 về phối hợp củng cố lòng tin ở châu Á tại Thượng Hải từ 20 – 22/5. Dự kiến, Phó Chủ tịch nước sẽ có bài phát biểu tại Hội nghị.

Ông Bình cũng cho hay, Thứ trưởng ngoại giao Hồ Xuân Sơn đã thăm Trung Quốc từ ngày 13/5 – 15/5. Trong chuyến thăm này, hai bên sẽ trao đổi thẳng thắn các vấn đề hiện nay trong quan hệ hai nước. Hiện Thứ trưởng chưa về tới Việt Nam. Kết quả cuộc viếng thăm sẽ được thông báo sớm.

Kiên trì các biện pháp ngoại giao

Trước việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ đầu tháng 5/2014, ông Lê Hải Bình khẳng định, giàn khoan này đã nằm sâu 80 hải lý trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước quốc tế về Luật Biển 1982.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói: "Việt Nam cực lực phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, điều này vi phạm nghiêm trọng Công ước Luật Biển cũng như Tuyên bố ứng xử Biển Đông (DOC). Việt Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ giàn khoan Hải Dương 981 cũng như tàu, máy bay ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và không để tái diễn hành động tương tự".

Ông Bình nhấn mạnh, Việt Nam luôn coi trọng sự hợp tác đôi bên với Trung Quốc. Mối quan hệ giữa hai bên chỉ phát triển tốt đẹp trên cơ sở tôn trọng quyền lợi chính đáng của nhau, thiện chí, cùng nhau xử lý các bất đồng. Rõ ràng, hoạt động sai trái của Trung Quốc đã ảnh hưởng tới hoạt động chính trị, đến các mặt hợp tác và làm tổn thương tình cảm của người dân Việt Nam. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn cố gắng duy trì các hoạt động hợp tác đôi bên vì lợi ích của nhân dân hai nước. Việc xử lý các tranh chấp trên Biển Đông vì hòa bình và ổn định của khu vực là lợi ích của mọi quốc gia trong và ngoài khu vực. Trong bối cảnh các nước trong và ngoài khu vực đang nỗ lực tìm kiếm các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp, thì vụ việc này rõ ràng đã làm phức tạp thêm tình hình, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn tại khu vực.

Ông Bình khẳng định, Việt Nam sẽ sử dụng mọi biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Chính vì vậy, ngày 7/5/2014, Việt Nam đã cho lưu hành tại Liên Hợp Quốc Công hàm phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Thực hư công dân Việt Nam bị trả đũa ở Trung Quốc

Trả lời câu hỏi có thông tin người Việt Nam đang bị trả đũa, ông Bình cho biết chưa có thông tin như phóng viên hỏi. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao sẽ thông báo tới các cơ quan Việt Nam ở Trung Quốc và cùng các cơ quan của nước này thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo đảm tính mạng, tài sản cho người dân Việt Nam.

Ông Bình cũng khẳng định chưa có thông tin việc 2 công dân Đài Loan đã chết ở Bình Dương và 1 công dân Trung Quốc chết ở Hà Tĩnh và sẽ yêu cầu cơ quan chức năng xác minh.

Về vấn đề nhiều phần tử kích động phá hoại nhà máy, xí nghiệp ở nhiều nơi, ông Bình nói: "Việc thể hiện lòng yêu nước, quyết tâm bảo vệ chủ quyền là chính đáng và tự nhiên. Tuy nhiên, việc thể hiện này phải đúng luật pháp. Xin khẳng định một số đối tượng đã lợi dụng việc tuần hành ôn hòa để kích động, gây mất an ninh, ổn định như tại Bình Dương. Ngay khi vụ việc xảy ra, các cơ quan Việt Nam đã nhanh chóng trấn áp, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Chúng tôi khẳng định sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Đài Loan trên toàn lãnh thổ Việt Nam”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mai Tân ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN