Phiếu tín nhiệm thể hiện yêu cầu cao, ghi nhận cố gắng

Sự kiện: Thời sự

Chiều 25/10, chia sẻ với PV Tiền Phong sau khi công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, điều này vừa thể hiện yêu cầu cao của đại biểu, nhưng cũng vừa thể hiện những cố gắng của các cá nhân được đánh giá.

Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ:
“Động lực để tôi và toàn ngành cố gắng hơn”

Tôi chân thành cảm ơn các đại biểu Quốc hội và đông đảo cử tri cả nước đã luôn đồng hành, chia sẻ với sự nghiệp giáo dục và đào tạo; quan tâm, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết cho ngành giáo dục.

Tôi coi kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này là động lực để bản thân tôi và toàn ngành cố gắng hơn nữa, có nhiều giải pháp quyết liệt hơn nữa, để đáp ứng sự kỳ vọng của Đảng và của nhân dân đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo.  Đúng như tinh thần Nghị quyết của Quốc hội đã chỉ rõ, việc lấy phiếu tín nhiệm là nhằm giúp người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.

Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long):
Sự cố của ngành ảnh hưởng đến đánh giá tín nhiệm

Phiếu tín nhiệm thể hiện yêu cầu cao, ghi nhận cố gắng - 1

 Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long)

Chúng ta đang ở trong giai đoạn phát triển, những ngành có yêu cầu đầu tư cao như giao thông, ngành thuộc khối phúc lợi xã hội như y tế, giáo dục thì yêu cầu của cử tri cao, nhưng nguồn lực còn hạn chế. Bản thân cơ chế cũng chưa thực sự thông suốt, hiệu lực điều hành của bộ máy cũng chưa thực sự cao. Chính vì vậy, tư lệnh những ngành này phải giải quyết được những mâu thuẫn đó dù rất khó và không chỉ một vài năm mà cần một giai đoạn nhất định.

Với hai ngành có số phiếu “tín nhiệm thấp” tương đối cao là giao thông và giáo dục, thời gian qua hai ngành này có một số sự cố mà người dân, đại biểu Quốc hội quan tâm. Sự cố này ảnh hưởng nhất định đến cái nhìn của đại biểu với tư lệnh ngành vào thời điểm này.

Tuy nhiên tôi cho rằng, lần này các đại biểu cũng cân nhắc lá phiếu của mình cho từng vị trí. Điều này thể hiện yêu cầu cao của đại biểu, nhưng cũng thể hiện những cố gắng của các cá nhân được đánh giá. Mặc dù có những ngành, lĩnh vực, vị trí mà đại biểu Quốc hội chưa thực sự hài lòng, tuy nhiên số phiếu “tín nhiệm thấp” chỉ chiếm tỷ lệ nhất định.

Số phiếu “tín nhiệm cao” và “tín nhiệm” cộng lại đều trên 50%, chứng tỏ đại biểu ghi nhận những cố gắng của những người điều hành trong từng lĩnh vực. Tôi cho rằng, việc đánh giá như vậy không phải nương tay. Đại biểu Quốc hội thể hiện cho mong muốn của cử tri, nhưng một mặt cũng thể hiện sự chia sẻ với những khó khăn mà những người đứng đầu các ngành, các lĩnh vực gặp phải.

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM):
Y tế, giáo dục luôn là ghế nóng!

Phiếu tín nhiệm thể hiện yêu cầu cao, ghi nhận cố gắng - 2

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM)

Kết quả phiếu tín nhiệm của tư lệnh ngành giáo dục xuất phát từ thực tế ngành có rất nhiều khó khăn. Song kết quả này cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh trong toàn ngành để quyết tâm cải thiện được niềm tin của người dân và Quốc hội.

Có điều tôi băn khoăn, như với trường hợp bộ trưởng có tới 137 phiếu “tính nhiệm thấp”, nhưng lại có tới 140 “tín nhiệm cao”. Sự đánh giá quá chênh lệch này có thể đặt ra vấn đề: Đại biểu đứng ở góc nhìn nào để đánh giá? Tôi nói thẳng, nếu như chúng tôi có quyền đánh giá những người được lấy phiếu tín nhiệm, thì người dân cũng có quyền đánh giá ĐBQH đã bầu ra, khi có những đánh giá chênh lệch như vậy.

Cả một nhiệm kỳ Quốc hội mới có một đợt lấy phiếu tín nhiệm. Nhưng quan trọng nhất là sự đánh giá của người dân thông qua truyền thông, báo chí và nhiều kênh khác. Người dân cũng thừa trình độ để đánh giá công việc của từng người. Đương nhiên chúng ta cũng phải đánh giá công bằng xuất phát điểm của đơn vị, ngành đó như thế nào. Nhưng tôi nghĩ, chính những nơi càng khó khăn càng trở thành cơ hội để thể hiện, thực hiện ý tưởng.

Ví như ngành y tế, giáo dục, tôi cho đây luôn là “ghế nóng” và rất khó khăn cho vị tư lệnh ngành nào đảm nhiệm. Nhưng xã hội luôn nhìn những ngành này một cách bao dung. Vấn đề là họ thể hiện như thế nào, đường hướng ra sao?... Song tôi nghĩ ngành nào cũng có những khó khăn riêng cả.

Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh:
Phiếu “tín nhiệm thấp” là điều phải suy nghĩ

Việc lấy phiếu tín nhiệm, chúng tôi cũng rất trách nhiệm trước công việc của mình, vì đã được Quốc hội, cử tri tín nhiệm bầu vào các vị trí trong suốt quá trình, thời gian vừa qua, đã cố gắng làm sao để hoàn thành trọng trách mà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho.

Kết quả với bản thân tôi về lấy phiếu tín nhiệm lần này, tôi cũng rất vui vì đánh giá của Quốc hội lần này với bản thân tôi đã tốt hơn. Tuy nhiên tôi vẫn còn hơn 5% phiếu tín nhiệm thấp, đó cũng là điều phải suy nghĩ, phải cố gắng, vì điều đó có nghĩa mình cũng chưa làm tốt hết các công việc. Do vậy cần phải làm sao để làm tốt hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Với từng việc cụ thể, tôi phải rà soát các khía cạnh để có giải pháp. Việc nào chưa tốt thì làm cho tốt, việc nào đã tốt thì làm tốt hơn nữa.

Infographic: Kết quả phiếu tín nhiệm của 48 lãnh đạo cấp cao

Quốc hội công bố kết quả kiểm phiếu việc lấy phiếu tín nhiệm với 48 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thành Nam ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN